Vì sao trụ sở Facebook lại được thiết kế trông như một nhà xưởng?
Bước vào bên trong trụ sở Facebook, người ta cảm thấy như đang đứng trong một văn phòng làm việc của tương lai vậy: Hoàn toàn mở, có tính chất lưu động và không cầu kỳ.
Trụ sở khổng lồ mới của Facebook ở Mỹ - không gian văn phòng lớn nhất thế giới được xây dựng bên trong một tòa nhà có phần bừa bộn. Bước vào đây cho bạn cảm giác giống như đứng trên mặt bằng của một nhà xưởng khổng lồ.
Bàn làm việc của tất cả các nhân viên là một tấm gỗ mỏng màu trắng, dài khoảng 1,5m và không có ngăn kéo. Các lãnh đạo cấp cao hơn thì có một không gian rộng hơn đủ để laptop, máy tính bàn và một vài đồ lặt vặt khác.
Russell – một chuyên gia thương hiệu của công ty, ngoài chiếc bàn làm việc, cô còn có một khay tài liệu nhỏ. Đó là tất cả những gì cô có. Không mắc treo quần áo. Không điện thoại bàn. Không hề có tấm ngăn cách giữa các bàn làm việc. Và cảnh tượng như vậy xuất hiện trên khắp khoảng không làm việc rộng lớn chứa 2.800 nhân viên của Facebook.
Ngay cả vị trí làm việc của CEO Mark Zuckerberg cũng được thiết kế trong một không gian mở với một chiếc bàn màu trắng. Có vẻ như nhà sáng lập của một trong những công ty quan trọng bậc nhất tại thung lũng Silicon không được ưu ái sử dụng một văn phòng làm việc thật lộng lẫy.
Không gian làm việc riêng đã lỗi thời?
Bước vào bên trong trụ sở mới của Facebook, người ta cảm thấy như đang đứng trong một văn phòng làm việc của tương lai vậy: Hoàn toàn mở, có tính chất lưu động và không cầu kỳ.
Tòa nhà này có lẽ là ví điển hình của việc các công ty ở thung lũng Silicon đang có xu hướng thay đổi môi trường làm việc. Điểm nhấn trong không gian làm việc của Facebook có lẽ là những dịch vụ giải trí như massages, trò chơi giải trí và 3 bữa ăn miễn phí trong ngày.
“Chúng tôi đang cố gắng để tất cả các nhân viên có thể làm việc thoải mái hết sức có thể”, theo Gregg Stefancik – Giám đốc kỹ thuật 48 tuổi của Facebook.
Dù một số công ty lớn khác ở thung lũng Silicon như Apple và Google cũng đang lên kế hoạch xây dựng một văn phòng làm việc trong tương lai như của Facebook. Tuy nhiên, không gian làm việc mới mẻ này dường như không được nhiều người đón nhận.
Có ý kiến cho rằng nó sẽ dễ dàng dẫn tới những xung đột, ồn ào và mất tập trung. Đây là lý do khiến hầu hết các văn phòng hiện nay vẫn sử dụng bức vách ngăn thấp giữa các bàn làm việc với nhau. Chính vì vậy, những gì Facebook đang thực hiện thực sự rất hiếm: Không có bất kỳ bức tường ngăn cách nào giữa các bàn làm việc trong toàn bộ tòa nhà.
Được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay, trụ sở văn phòng Facebook mang tên Building 20 được xây dựng trên diện tích 22 mẫu. Thiết kế như trên có thể xem là bằng chứng cho thấy Facebook đang nhấn mạnh tới sự cởi mở và tính thông suốt.
Kiểu văn phòng này được thiết kế để khuyến khích sự hợp tác và tăng tốc độ làm việc. Ánh sáng tự nhiên sẽ tràn ngập văn phòng thông qua những cửa kính khổng lồ. Dù có phần "tuềnh toàng" giống như văn phòng làm việc của một công ty khởi nghiệp nhưng đây lại là nơi làm việc của mạng xã hội lớn nhất hành tinh với hơn 1,5 tỷ người truy cập mỗi tháng.
“Buiding 20 trở thành biểu tượng của những gì chúng ta tin tưởng vào Facebook – rằng công việc của chúng tôi sẽ không bao giờ kết thúc”, theo Lori Goler – Phó chủ tịch mảng nhân sự của công ty nói.
Ngoài ra, việc ngay cả CEO Zuckerberg và những lãnh đạo cấp cao còn lại không hề có văn phòng riêng được xem là bằng chứng cho thấy không khí cởi mở trong công ty. Facebook đã xóa bỏ quan niệm xưa cũ rằng các lãnh đạo cấp cao hay quản lý phải được chọn không gian đẹp nhất trong văn phòng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng một không gian chung cho hàng nghìn nhân viên như vậy có thể gặp phải vài thách thức. Chính vì vậy, Facebook đã cài đặt Wayfinders – một hệ thống cho phép bạn tìm kiếm bất kỳ bàn làm việc nào trong văn phòng.
Stefancik – Giám đốc kỹ thuật của công ty làm việc tại các văn phòng truyền thống trước khi vào Facebook. Anh từng có một phòng riêng với cửa sổ, tiện nghi sang trọng. Tuy nhiên, anh nói rằng thích không gian văn phòng mở hơn. Anh có thể nghe thấy những cuộc trao đổi, trò chuyện và kết nối trực tiếp với nhân viên.
“Các vách ngăn tạo ra rào cản khiến mọi người khó nói chuyện cùng nhau”, Stefancik nói.
Nhìn chung, một không gian làm việc mở và đơn giản như của Facebook như vậy không cho phép bạn có thể "trưng bày" những thứ như ảnh gia đình, lịch, ngăn chứa đồ ăn vặt... Mọi nhắc nhở về kế hoạch làm việc đều có thể được đồng bộ trực tuyến và sau đó gửi tới điện thoại.
Bạn cũng không cần tới một ngăn chứa đồ ăn vặt bởi mọi thứ đã được công ty phục vụ miễn phí. Ngoài ra, cũng không có chỗ để bạn có thể treo những tấm bằng khen hay giải thưởng. Với Facebook, những thứ này không quan trọng.
“Không ai được sắp xếp một góc làm việc quá phô trương. Chúng tôi cung cấp đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo bạn di chuyển thật nhanh và làm tốt công việc. Đó là tất cả", Russell nói.
Vân Đàm / WashingtonPost
Nguồn Trí thức trẻ