Thương trường smartphone (Kỳ 1): Thị trường béo bở

Cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều nhà sản xuất đã trở nên vang danh khắp thế giới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã khiến nhiều tên tuổi vụt sáng và cũng vụt tắt, đúng với câu truyền miệng “thương trường như chiến trường”. Phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về ai?

Thị trường smartphone năm ngoái đã lần đầu tiên vượt 1 tỷ sản phẩm được giao hàng. Số điện thoại giao hàng trong quý IV-2014 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Một nghiên cứu của AcuteMarketReports.com cho biết thị trường smartphone toàn cầu sẽ đạt giá trị 1.600 tỷ USD vào năm 2018.

Ngày càng thông minh

Smartphone là khái niệm để chỉ loại điện thoại tích hợp một nền tảng hệ điều hành di động với nhiều tính năng hỗ trợ tiên tiến về điện toán và kết nối dựa trên nền tảng cơ bản của điện thoại di động thông thường. Những chiếc smartphone đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cung cấp những tính năng vượt trội lúc đó như nhận/gửi email và duyệt web trên nền tảng text, bàn phím QUERTY và camera lắp trong. Sau đó, smartphone thêm các tính năng phổ biến khác như PDA (trợ lý kỹ thuật số cá nhân), thiết bị điện tử cầm tay, hệ thống định vị toàn cầu GPS...

Thương trường smartphone (Kỳ 1): Thị trường béo bở

Ảnh minh họa

Còn chiếc smartphone như chúng ta nhìn nhận ngày nay, với màn hình cảm ứng HD, vô số ứng dụng và khả năng truy cập internet tốc độ cao, ra đời kể từ khi Apple tung ra dòng điện thoại iPhone đầu tiên năm 2007. Những smartphone phổ biến nhất hiện nay dựa trên nền tảng hệ điều hành Android của Google, iOS của Apple và Windows Phone của Microsoft.

Năm 2013, Fairphone lần đầu tiên giới thiệu dòng smartphone chủ yếu để giải quyết các mối quan tâm về việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu trong sản xuất. Cuối năm 2013, QSAlpha bắt đầu sản xuất một smartphone được thiết kế xoay quanh vấn đề an ninh bảo mật, mã hóa và bảo vệ danh tính tối đa. Tháng 12-2013, smartphone công nghệ OLED cong được tung ra thị trường bán lẻ với các dòng điện thoại Samsung Galaxy Round và LG G Flex.

Đầu năm 2014, smartphone đã bắt đầu sử dụng màn hình 5,5 inch Quad HD (2K) 2560x1440 lên tới 534PPI trên các thiết bị như G3 LG. Đó là một cải tiến đáng kể so với Retina Display của Apple. Quad HD được sử dụng trong các TV cao cấp và màn hình máy tính, nhưng với 110PPI hoặc ít hơn trên màn hình lớn. Tính đến năm 2014, việc sử dụng kết nối Wi-Fi đã trở nên phổ biến, giúp việc kết nối của điện thoại dễ dàng hơn và các dịch vụ ngày càng cất cánh.

Tiềm năng to lớn

Smartphone ngày càng tích hợp nhiều mục đích sử dụng hàng ngày. Chẳng hạn, thẻ tín dụng và thanh toán di động được tích hợp vào smartphone, giúp người dùng có thể gửi các khoản thanh toán bằng tiền mặt thông qua các ứng dụng smartphone và nền tảng SaaS. Điều này còn mở rộng cửa cho ngành công nghiệp mới: thanh toán di động. Ngoài ra, đổi mới công nghệ gần đây giúp smartphone có vai trò như chìa khóa kỹ thuật số. Kể từ năm 2013, công nghệ chống nước và chống bụi được tích hợp vào các smartphone, thay vì chỉ ở các dòng điện thoại đặc biệt như Sony Xperia Z hay Samsung Galaxy S5. Máy ảnh của điện thoại LG G3 có laser để giúp focus. Một số smartphone có thể được trang bị máy ảnh cao cấp lên đến 20 megapixel và 4K video.

Thương trường smartphone (Kỳ 1): Thị trường béo bở

Sony Xperia Z

Tính đến năm 2012, ở Hoa Kỳ đã có khoảng 1/3 dân số dùng smartphone. Trên toàn thế giới, khoảng hơn 1 tỷ smartphone đã được bán ra từ năm 2007-2011, nhưng chỉ riêng năm 2014 đã có hơn 1 tỷ smartphone được bán ra. Theo nghiên cứu của BI Intelligence, dự báo thị trường smartphone toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và đạt doanh số bán sỉ 3,4 tỷ chiếc vào năm 2020. Nghiên cứu của AcuteMarketReports.com dự báo doanh thu thị trường smartphone toàn cầu sẽ tăng 42%/năm từ 152 tỷ USD năm 2011 đến 1.600 tỷ USD năm 2018.

Theo ước tính của CCS Insight, tổng số điện thoại giao hàng năm 2013 đạt 1,83 tỷ chiếc trên toàn cầu, tăng 6% từ 1,73 tỷ năm 2012. Trong đó, doanh số smartphone chiếm 56% tổng số lô hàng điện thoại di động. CCS Insight ước tính doanh số thị trường điện thoại di động trong năm 2013 đạt 303 tỷ USD, tăng 15% từ mức 265 tỷ USD năm 2012. Trong đó, doanh số của Apple và Samsung lần lượt chiếm 35% và 39%. Mặc dù các thị trường phát triển như Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng sự tăng trưởng của thị trường điện thoại di động phụ thuộc nhiều vào các thị trường mới nổi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 21% doanh số bán hàng điện thoại di động toàn cầu năm 2013, với giá trị gần 300 triệu USD.

Vũ khí cạnh tranh

Theo nghiên cứu của AcuteMarketReports.com, những yếu tố cạnh tranh của smartphone chủ yếu bao gồm giá cả, tính năng sản phẩm, giá cả so với hiệu suất, chất lượng và độ tin cậy sản phẩm, đổi mới thiết kế, phần mềm bên thứ ba và các thiết bị ngoại vi, khả năng tiếp thị và phân phối, dịch vụ và hỗ trợ và uy tín của công ty... Các cơ hội mở rộng thị trường liên quan đến thiết bị thông tin liên lạc và phương tiện truyền thông di động, bao gồm khả năng nhận và gửi dữ liệu kỹ thuật số của điện thoại.

Thương trường smartphone (Kỳ 1): Thị trường béo bở

Hình dạng điện thoại thông minh tiêu biểu.

Những yếu tố ảnh hưởng đến thành công thương mại trong thị trường thiết bị không dây và dịch vụ liên quan đến tất cả những tính năng sử dụng đã nêu trên. Trong đó, các mẫu thiết kế của iPhone đã thành công vang dội vì tập hợp được những tiện ích đó lại. Sự tiên tiến trong phần cứng, phần mềm và dịch vụ nền tảng tích hợp để hỗ trợ nhiều chuẩn mạng không dây là một khía cạnh quan trọng của việc tham gia thị trường. Cuộc chơi trên thị trường di động toàn cầu đã thay đổi và sẽ luôn thay đổi vì sự thành công nhanh chóng của iPhone. Giải pháp không dây đầu cuối giúp truy cập liền mạch thông tin, bao gồm email, thoại, tin nhắn tức thời, tin nhắn ngắn (SMS), internet và mạng nội bộ, nội dung đa phương tiện cùng các ứng dụng đã mang lại những tiện ích cho người dùng.

Việc tích hợp và chú trọng công tác nghiên cứu-phát triển (R&D) về tần số radio, phần cứng và thiết kế phần mềm, hệ điều hành, ăng-ten, thiết kế bảng mạch, mạch tích hợp, quản lý điện năng, thiết kế công nghiệp... sẽ giúp các công ty có được những thế mạnh về chi phí và khả năng cung cấp các ứng dụng đa nhiệm. Một trình duyệt web mạnh mẽ, một nền tảng hấp dẫn cho phát triển ứng dụng của bên thứ ba, dễ sử dụng, kích thước nhỏ, thiết kế bắt mắt, sử dụng băng thông hiệu quả, tuổi thọ pin dài, bảo mật mạnh mẽ... sẽ giúp nhà cung cấp được người dùng ưu ái lựa chọn. Mỗi nền tảng smartphone dựa trên công nghệ hệ thống điều hành khác nhau và kèm theo bộ công cụ riêng, giúp các lập trình viên bên thứ ba có thể phát triển các ứng dụng.

Kỳ 2: Đại gia gục ngã
Kỳ 3: Cờ về tay ai?

Vĩnh Cẩm
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư