Vietnam Airlines căng sức giữ thị phần
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cùng với Jetstar Pacific - hãng hàng không giá rẻ mà Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối - liệu có thể duy trì 70% thị phần trong nước trước sự mở rộng mạnh mẽ của Vietjet?
Cuối tháng 10 vừa qua, sau một cuộc họp cấp cao giữa Vietnam Airlines, Tập đoàn hàng không Qantas Group và Jetstar Group – công ty con của Qantas Group, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định: “Chúng tôi xác lập mục tiêu duy trì thị phần của hai hãng trên thị trường nội địa ở mức 70%”. Hai hãng hàng không mà ông Minh đề cập đến ở đây bao gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Sở dĩ ông Minh đưa ra lời tuyên bố như vậy là vì từ năm 2012, Vietnam Airlines đã trở thành cổ đông lớn của Jetstar Pacific với 70% cổ phần, 30% còn lại do Qantas Group nắm giữ. Như vậy cũng có thể coi Vietnam Airlines và Jetstar Pacific là một.
Kế hoạch tham vọng
Tuyên bố của ông Minh cho thấy quyết tâm của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, trong việc duy trì vị thế dẫn đầu thị trường hàng dân dụng Việt Nam hiện tại. Sự tự tin trong kế hoạch mà cả Vietnam Airlines và Qantas Group đề ra có thể đến từ kết quả tái cơ cấu thành công của Jetstar Pacific, đưa hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam từ bờ vực phá sản đến kinh doanh có lãi. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific đã thông tin với báo chí rằng, Jetstar Pacific đã có lãi hơn 100 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Từ chỗ chỉ sở hữu 5 máy bay đầu năm 2013, đến nay đội bay của Jetstar Pacific cũng đã tăng lên thành 12 chiếc.
“Tái cơ cấu thành công Jetstar Pacific đã mang lại cho Vietnam Airlines và Qantas Group sự tin tưởng vào khả năng phát triển trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Jetstar Pacific theo mô hình hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác,” ông Minh nói. Đầu tư mà ông Minh nói ở đây, có nghĩa là tiếp tục mở rộng đội tàu bay cho hãng hàng không giá rẻ này. Theo ông Minh, Jetstar Pacific sẽ sở hữu 30 chiếc máy bay tính đến năm 2020. Tức hãng hàng không này sẽ nhận thêm 3 – 4 chiếc máy bay mỗi năm trong vòng 5 năm mới. Đây là kế hoạch mà cách đây 3 năm trở về trước có lẽ đội ngũ lãnh đạo của Jetstar Pacific lúc bấy giờ không bao giờ dám mơ tới. Khẳng định thêm về kế hoạch đầu tư này, ông Alan Joyce, Tổng giám đốc Qantas Group cho biết, Jetstar Pacific sẽ tham gia với Qantas trong gói đặt hàng mua máy bay với Airbus trong thời gian tới đây. Ngoài ra, Jetstar Pacific cũng sẽ đa dạng hóa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh trên thị trường hàng không. Nhưng có lẽ sự đầu tư mạnh mẽ hơn và cũng được kỳ vọng giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu giữ 70% thị phần nội địa mà ông Minh nói tới, là đầu tư ở chính Vietnam Airlines.
Trong mùa hè vừa qua, Vietnam Airlines đã liên tiếp đón nhận hai chiếc máy bay thế hệ mới là Airbus A350 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner. Có một điểm chung ở chỗ, Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa hai loại máy bay mới nhất của Airbus và Boeing vào khai thác. Trong tương lai gần, Vietnam Airlines sẽ nhận 14 máy bay Airbus A350 XWB và 19 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Nhưng không chỉ dừng ở đó, tại lễ tiếp nhận máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, Vietnam Airlines cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Boeing về việc cân nhắc mua thêm 8 chiếc máy bay Boeing 787-10 và 8 chiếc Boeing 777X trong thời gian tới. Nếu như hợp đồng mới này được ký kết, Vietnam Airlines sẽ nâng tổng số máy bay thân rộng mới của mình lên con số 49 chiếc. Số máy bay này sẽ được bổ sung vào đội tàu bay 86 chiếc hiện tại. Vietnam Airlines thông báo, số máy bay thân rộng sẽ được sử dụng cho cả đường bay trong nước và quốc tế.
Tái cơ cấu thành công Jetstar Pacific đã mang lại cho Vietnam Airlines và Qantas Groupniềm tin vào khả năng phát triển trong tương lai
Rất dễ nhận thấy rằng, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific là sự kết hợp bổ trợ lẫn nhau. Trong khi Vietnam Airlines với đẳng cấp 4 sao, hướng tới nhóm hành khách có khả năng chi trả cao, Jetstar Pacific lại tập trung khai thác thị trường hàng không giá rẻ. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu đề ra, Vietnam Airlines sẽ không bỏ lỡ bất cứ phân khúc thị trường nào.
Gần đây nhất, cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã tuyên bố triển khai hợp tác liên doanh. Trong giai đoạn đầu sẽ là trên thị trường nội địa và tiến tới sẽ bao gồm cả các chặng bay quốc tế. Có nghĩa là hành khách của Vietnam Airlines có thể đi trên chuyến bay của Jetstar Pacific, nhưng vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Ngược lại, khách hàng của Jetstar Pacific có thể đăng ký ngay trên hệ thống của Vietnam Airlines, lựa chọn vé chi phí thấp trong khi vẫn được hưởng quyền lợi ưu đãi từ Vietnam Airlines.
Chướng ngại vật mang tên Vietjet
Không thể phủ nhận rằng, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không lớn nhất trên thị trường hàng không dân dụng Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Jetstar Pacific cũng đang trên đà hồi phục khá ấn tượng. Khi ông Minh dùng từ “duy trì thị phần”, có thể hiểu rằng thị phần gộp lại của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã là 70% trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ Vietjet, ông Lưu Đức Khánh cho biết, hãng đã chiếm được 40% thị phần hàng không nội địa. Theo ông Khánh, Vietjet đặt mục tiêu tăng thị phần này lên mức 53% trong vòng 2 năm tới. Nếu tỷ lệ thị phần của Vietjet mà ông Khánh đưa ra là đúng thì Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hiện tại chỉ chiếm 60% thị phần. Chưa cần biết thông tin nào là chính xác, nhưng một sự thật không thể phủ nhận được là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sẽ không dễ dàng duy trì vị thế thống lĩnh trên thị trường trước sự lớn mạnh của Vietjet. Bằng chứng là chỉ sau 2 năm hoạt động, Vietjet đã “đẩy” thị phần của Vietnam Airlines từ mức hơn 80% xuống còn 61% vào cuối năm 2013, theo báo cáo chính thức của Vietnam Airlines. Tính đến tháng 10 năm nay, Vietjet chiếm 38% công suất ghế trên thị trường nội địa, con số này của Vietnam Airlines là 48% và Jetstar Pacific là 14%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ thay đổi khi Vietjet sẽ liên tiếp nhận được các máy bay mới từ nay đến năm 2020. Hiện tại, hãng hàng không tư nhân này đang vận hành 29 máy bay, thực hiện 190 chuyến bay mỗi ngày trên 35 đường bay. Phần lớn trong số đó là đường bay nội địa.
Tham vọng của Vietjet có thể thấy rõ qua tốc độ đầu tư vào đội tàu bay và kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu trong tương lai gần. Dù đã đặt hàng 100 chiếc máy bay với Tập đoàn Airbus năm ngoái, mùa hè vừa rồi Vietjet vẫn tiếp tục mua thêm 6 máy bay Airbus A321 mới. Các máy bay này sẽ được giao ngay trong năm 2017.
Lý giải về điều này, ông Khánh cho biết, Vietjet đã phát triển nhanh chóng, khiến số lượng tàu bay mà hãng hàng không này đã đặt mua trong đơn hàng năm trước không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong chiến lược của mình, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Vietjet, cho biết Vietjet sẽ hướng đến việc cung cấp dịch vụ cho những người chưa đi máy bay bao giờ. Chính vì thế, cách mà Vietjet đang thực hiện là liên tục đưa ra những chương trình khuyến mại với mức phí hợp lý dành cho những hành khách không có khả năng chi trả cao. Nhưng bên cạnh đó, hãng cũng đưa ra dịch vụ Sky Boss dành cho hành khách có thu nhập cao và muốn hưởng dịch vụ tốt hơn. Suy cho cùng, Vietjet cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội ở bất cứ phân khúc nào. Như vậy, hàng hãng không này càng mở rộng và lớn mạnh bao nhiêu thì mục tiêu duy trì 70% thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sẽ càng khó khăn bấy nhiêu.
Ngọc Linh
Nguồn Doanh Nhân Online