Chiến lược nhượng quyền của Jollibee tại Việt Nam
Ông Ernesto Tanmantiong, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Jollibee Foods, đã trao đổi với chúng tôi về chính sách và kế hoạch nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam.
Jollibee chính thức công bố chính sách nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Việt Nam vào ngày 25.11.2015. Điều này mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư kinh doanh thức ăn nhanh tại Việt Nam. Ông Ernesto Tanmantiong, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Jollibee Foods, đã trao đổi với NCĐT về chính sách và kế hoạch nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam.
* Vì sao Jollibee quyết định cho nhượng quyền sau 10 năm gia nhập thị trường thức ăn nhanh Việt Nam?
Jollibee rất coi trọng văn hóa bản địa. Sau 10 năm kinh doanh và phát triển thương hiệu ở Việt Nam, chúng tôi đã đưa được văn hóa Việt vào thực đơn và phong cách quản lý. Đến nay, Jollibee đủ tiềm lực để triển khai hệ thống nhượng quyền tại Việt Nam. Đây là bước đi của chúng tôi nhằm đẩy nhanh quá trình mở rộng thương hiệu. Đối với nhà đầu tư Việt Nam, nhượng quyền sẽ là con đường ngắn hơn so với tự mở nhà hàng.
* Tại thị trường Việt Nam, khả năng thu hồi vốn khi đầu tư nhượng quyền cho Jollibee như thế nào?
Khả năng thu hồi vốn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm địa điểm, khả năng quản lý của chủ đầu tư và bộ máy vận hành của cửa hàng. Về bộ máy vận hành cửa hàng, Jollibee sẽ hỗ trợ khâu thiết kế cửa hàng, quản lý nhân viên, huấn luyện nhân viên... Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ tư vấn cho đối tác trong khâu lựa chọn mặt bằng và quản lý. Bởi vì, thời gian thu hồi vốn sẽ ngắn hơn nếu chủ đầu tư có địa điểm thuận lợi và tầm nhìn rộng.
* Đã từng có thương hiệu thức ăn nhanh gặp thất bại vì không đảm bảo được chất lượng thức ăn trong các cửa hàng. Jollibee chuẩn bị gì để tránh tình trạng trên?
Jollibee đã được nhượng quyền tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Philippines, thị trường tương đồng với Việt Nam, chúng tôi có 2.300 cửa hàng (sử dụng 6 thương hiệu) và 50% là nhượng quyền.
Hoạt động của các nhà hàng (bao gồm hệ thống nhượng quyền) dựa trên tiêu chuẩn nghiêm ngặt Food - Sevice - Clear (FSC) do Jollibee xây dựng. Chúng tôi đánh giá nhà hàng hàng ngày để giám sát chất lượng dịch vụ. Mặt khác, chúng tôi chú trọng đào tạo quản lý để biết ghi nhận sự đóng góp của nhân viên, có chính sách nhân sự hợp lý nhằm khuyến khích nhân viên tận tình với khách hàng.
* Những yêu cầu cơ bản đối với đối với đối tác nhận nhượng quyền của Jollibee là gì?
Điểm cốt lõi của Jollibee trong lựa chọn đối tác là giá trị con người. Chúng tôi tìm kiếm những người thực sự có cùng suy nghĩ, có lòng đam mê, nhiệt huyết và niềm tin tuyệt đối với thương hiệu Jollibee. Người nhận nhượng quyền phải có niềm yêu thích đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, đối tác phải đảm bảo điều kiện mặt bằng, cụ thể 180-250m2 trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại, 300m2 mặt bằng nhà phố trong những khu dân cư đông, giao thông thuận tiện. Về tài chính, đối tác cần có từ 4,5-5 tỉ đồng để đầu tư và vận hành, hiện có thể là mức chi phí thấp nhất đối với đầu tư nhà hàng thức ăn nhanh có thương hiệu quốc tế.
* Số lượng nhà hàng Jollibee muốn nhượng quyền trong tương lai là bao nhiêu? Đánh giá của ông về thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam hiện nay như thế nào?
Chúng tôi cố gắng tăng số cửa hàng Jollibee nhượng quyền bằng con số 70 cửa hàng tập đoàn đầu tư. Nhờ đi tắt đón đầu, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư kinh doanh thức ăn nhanh thông qua nhượng quyền là rất lớn. Bởi vì, thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn, sôi động với sự tham gia, cạnh tranh của các thương hiệu lớn trên thế giới như KFC, McDonald’s, Lotteria...
Nghĩa Trần
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư