Tỷ phú Warren Buffett đang sở hữu những thương hiệu đình đám nào?
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có nhiều biệt danh, nào là nhà hiền triết xứ Omaha, nghệ sĩ đàn banjo…, nhưng không chỉ có vậy.
Là giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của Berkshire Hathaway, tỷ phú Buffett đã tạo dựng một đế chế bằng cách mua cổ phần tại các công ty mà ông tin tưởng. Phần nhiều trong số đó là các thương hiệu dễ nhận biết trong cuộc sống hàng ngày của mọi người - từ tương cà đến sô-cô-la.
Dưới đây là những thương hiệu nổi tiếng mà Berkshire Hathaway của tỷ phủ Buffett đang sở hữu.
Heinz
Sau nhiều năm để mắt đến H.J. Heinz, năm 2014 tỷ phú Buffett đã đạt được thỏa thuận mua lại hãng sản xuất tương cà này. Berkshire Hathaway và 3G Capital Management thông báo sẽ chi 72,5 USD/cổ phiếu, hay 23,3 tỷ USD, để mua lại Heinz.
Buffett từng tuyên bố với CNBC hồi tháng 2/2013 rằng Heinz là một mẫu công ty với những thương hiệu tuyệt vời.
Fruit of the Loom
Năm 2001, Berkshire tuyên bố mua lại Fruit of the Loom khi hãng này đứng trước nguy cơ phá sản.
Fruit of the Loom là thương hiệu lâu đời và đáng tin cậy. Năm 1871, Fruit of the Loom được đăng ký thương hiệu, trở thành một tỏng những thương hiệu lâu đầu nhất thế giới - trước thời điểm phát minh ra bóng đèn điện, xe hơi và điện thoại.
Benjamin Moore
Năm 2000, Berkshire thông báo sẽ mua thương hiệu sơn Benjamin Moore.
Công ty Benjamin Moore năm 2014 đã lên trang nhất khi Buffett cho biết ông đã thay thế giám đốc điều hành công ty để giữ lời hứa không bán sản phẩm sơn của công ty trong các cửa hàng bán lẻ quy mô lớn hoạt động độc lập (big-box store).
Buffett cho biết, ông miễn nhiệm giám đốc điều hành Denis Abrams vì ông này chuẩn bị ký thỏa thuận bán sản phẩm thông qua một nhà bán lẻ quy mô lớn.
Geico
Năm 1996, Geico trở thành công ty con của Berkshire khi Buffett mua nốt số cổ phần còn lại của Geico mà trước đó Berkshire không sở hữu.
Geico - Công ty Bảo hiểm Công chức (Government Employees Insurance Company) - tăng trưởng khi người tiêu dùng cảm thấy thuận tiện hơn khi mua bảo hiểm trực tuyến hoặc bằng điện thoại thay vì phải đến tận đại lý. Năm 2013, Geico trở thành công ty bảo hiểm ôtô lớn thứ 2 tại Mỹ, đứng sau State Farm Insurance.
Nebraska Furniture Mart
Buffett rất thích đồ nội thất. Và một phần quan trọng trong ngày cuối tuần Berkshire là giảm giá cho các cổ đông tại Nebraska Furniture Mart và cửa hàng trang sức Borsheims - cả 2 đều ở Omaha.
Cùng với việc mua sắm, khách hàng cũng sẽ được tham dự các buổi trình diễn kỳ ảo với sự xuất hiện của bản thân tỷ phú Buffett. Ông thường xuyên tham gia các cuộc đấu cờ và thi đấu bóng bàn với khách mua sắm. Berkshire mua lại Nebraska Furniture Mart năm 1983 trong thương vụ trị giá 60 triệu USD.
Borsheims Fine Jewelry & Gifts
Chuỗi cửa hàng trang sức và quà tặng Borsheims trở thành công ty con của Berkshire kể từ năm 1989.
NetJets
Sau 3 năm trở thành một trong những ông chủ của NetJets, Buffett đam mê đến mức ông mua lại toàn bộ công ty vào năm 1998.
Số khách hàng của công ty máy bay tư nhân này tăng mạnh khi kinh tế Mỹ hồi phục. Ngày càng có nhiều hơn khách hàng tham gia vào tham gia chương trình thẻ hội viên của NetJets và những người chủ hiện nay của công ty cũng bay cùng với hãng nhiều hơn, giám đốc điều hành NetJets Jordan Hansell và Buffett cho CNBC biết như vậy.
The Pampered Chef
Năm 2002, Berkshire thông báo sẽ mua lại The Pampered Chef, công ty sản xuất dụng cụ làm bếp.
The Pampered Chef tung ra một chiến lược thông minh, khuyến khích người tiêu dùng bán sản phẩm nhà bếp như dụng cụ bóc vỏ và dụng cụ đánh trứng, đánh kem tại các bữa tiệc tại nhà, hệ thống bán hàng trực tiếp mà nhiều công ty như Tupperware và Mary Kay đã sử dụng trong nhiều năm.
See’s Candies
Berkshire Hathaway mua lại công ty sản xuất kẹo quy mô nhỏ trụ sở tại California này vào năm 1972 và kể từ đó See’s Candies trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình cuối tuần của Berkshire.
Điều đáng chú ý là See’s là doanh nghiệp chất lượng cao đầu tiên mà Berkshire mua lại. Trước đó, Berkshire tập trung vào các tài sản được đánh giá thấp - có thể mua lại với giá rẻ. Việc mua lại See’s đã giúp Berkshire thực hiện cam kết mua lại các doanh nghiệp có danh tiếng và thương hiệu nổi tiếng.
Sản phẩm truyền thống và bán chạy của See’s gồm hộp sô-cô-la và kẹo que.
Dairy Queen
American Dairy Queen - công ty con của Berkshire - cung cấp đồ ăn mang tính đặc trưng gồm món kem và tráng miệng Dilly Bars.
Buffett có thể là một tỷ phú nhưng ông lại nổi tiếng là thường xa lánh những món ăn đắt tiền. Trong một chuyến viếng thăm nhà hàng Four Seasons tại New York City mới đây, Buffett nằng nặc đòi dùng bữa với Dairy Queen và Coca Cola, theo tờ New York Post.
Nhật Trường / CNBC
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư