DuPont thay soái để đảo ngược tình thế
Đầu tuần qua, DuPont cho biết Edward D. Breen sẽ trở thành CEO chính thức của tập đoàn hóa chất này với hiệu lực tức thì.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử DuPont được lãnh đạo bởi một người chưa có thời gian làm việc lâu dài tại Công ty và cũng không phải là một thành viên trong gia đình DuPont. Breen gia nhập Hội đồng Quản trị DuPont vào tháng 2 và trở thành CEO tạm thời vào giữa tháng 10 khi Ellen Kullman, người đã làm việc tại DuPont trong gần 3 thập niên và giữ chức CEO từ năm 2009, thoái vị.
Dù là người mới toanh, nhưng “Ed đã nhanh chóng và tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tại DuPont. Hội đồng Quản trị cho rằng ông ấy là người phù hợp để lãnh đạo Công ty”, Sandy Cutler, thành viên hội đồng quản trị độc lập của DuPont, nói.
Chuyên gia phân tích James Sheehan của SunTrust Robinson Humphrey, thì cho rằng: “Việc Breen được chỉ định có thể là dấu hiệu cho thấy Hội đồng Quản trị DuPont đang xem xét các bước đi triệt để hơn trước sự ra đi của Ellen Kullman”.
Việc chỉ định Breen đã gia tăng khả năng tập đoàn 213 năm tuổi đời này sẽ bị chia tách. Theo Bloomberg, Breen đang thỏa thuận các thương vụ liên quan đến bộ phận hóa chất dùng trong nông nghiệp của DuPont, phân khúc mang lại doanh thu cao nhất cho Tập đoàn. Hơn nữa, Breen từ lâu có tiếng là một chuyên gia chia tách: ông đã 2 lần chia tách Tyco International trong suốt 10 năm giữ chức CEO của công ty về các hệ thống an ninh này (2002-2012).
Một vụ chia tách DuPont chính xác là điều mà Kullman, người đứng thứ 5 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Fortune, đã phản đối kịch liệt khi bà còn tại nhiệm. Trong suốt thời gian điều hành, Kullman đã thực hiện hàng loạt các đợt cắt giảm và bán hoặc chia tách 2 bộ phận DuPont để tập trung vào các bộ phận mang lại lợi nhuận cao hơn trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp. Nhưng nhà đầu tư chủ động Nelson Peltz, đứng đầu quỹ đầu cơ Trian Fund Management, buộc Công ty phải thực hiện các bước đi ráo riết hơn, trong đó có việc chia tách Công ty ra làm 2.
Bà đã chống lại kế hoạch này của Peltz và cuối cùng đã cản được quỹ đầu cơ Trian Fund Management giành ghế trong Hội đồng Quản trị DuPont. Nhưng với việc Breen được chọn, có vẻ như bà cũng không thể ngăn được kết cục chia tách.
Dù nhà đầu tư có ủng hộ chuyện chia tách hay không nhưng rõ ràng họ ủng hộ quyết định chọn Breen làm CEO. Bằng chứng là giá cổ phiếu DuPont đã tăng hơn 1% lên mức 66,77 USD/cổ phiếu sau thông tin trên.
Trong quý III vừa qua doanh thu của DuPont đã giảm 17%, còn lãi ròng thì giảm còn 26 cent/cổ phiếu, so với 47 cent/cổ phiếu cùng kỳ năm ngoái.
Họ hào hứng là vì thành tích của ông trong quá trình lèo lái Tyco sau khi người tiền nhiệm L. Dennis Kozlowski biển thủ của Công ty 600 triệu USD. Breen đã chia tách Tyco trong khi tập trung vào lĩnh vực các hệ thống an ninh và báo cháy, giúp gia tăng gấp 3 lần tiền của nhà đầu tư trong suốt 10 năm điều hành công ty này. “Nếu tôi phải mô tả ông ấy trong một từ, đó sẽ là “nhà lãnh đạo”, thành viên Hội đồng Quản trị Herman E. Bulls của Tyco, nhận xét.
Là một nhà điều hành về các dịch vụ bất động sản tại Jones Lang LaSalle và Bulls Advisory Group, Bulls có dịp gặp Breen trước khi ông ấy gia nhập Hội đồng Quản trị Tyco International vào năm 2014. “Ông ấy là một chiến lược gia, một doanh nhân rất giỏi. Ông ấy hiểu được làm thế nào để tạo ra giá trị cho cổ đông dựa trên điều kiện thị trường, kinh tế và năng lực của một tổ chức”, ông nói. Bulls cho biết ông không hề ngạc nhiên khi DuPont đã chọn Breen vào vị trí CEO.
Charles Elson, Giáo sư về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Delaware, nhận xét: “Breen biết rõ Công ty và Hội đồng Quản trị. Ông ấy là người có kinh nghiệm và bạn không dễ tìm được tài năng giỏi như vậy bên ngoài”. Nhưng liệu ông có thể lội ngược dòng DuPont, một công ty đang chứng kiến doanh số bán giảm trong gần 2 năm qua?
Ngay cả kết quả quý III vừa qua của DuPont cũng không khá hơn. Doanh thu đã giảm 17% còn 4,87 tỉ USD chủ yếu do biến động tỉ giá và khối lượng bán hàng giảm. Con số này thấp hơn so với ước tính trung bình của giới phân tích là 5,27 tỉ USD. Lãi ròng đã giảm còn 26 cent/cổ phiếu so với 47 cent/cổ phiếu cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi không hài lòng với kết quả quý này”, Giám đốc Tài chính Nick Fanandakis của DuPont nói. Ông cho biết lợi nhuận bị ảnh hưởng do đồng USD mạnh và thị trường ảm đạm trong mảng nông nghiệp, sức cầu yếu ở các thị trường mới nổi và cả trong lĩnh vực dầu khí.
Mảng nông nghiệp của DuPont, vốn là mảng đóng góp lớn nhất về doanh thu, đang gặp áp lực trong bối cảnh thị trường hàng hóa suy yếu và đồng USD mạnh hơn. Đó cũng là những lý do khiến các đối thủ của DuPont như Monsanto Co., Syngenta AG và FMC Corp đều phải cắt giảm dự báo lợi nhuận. DuPont cũng không ngoại lệ.
Trước khi thoái vị vào giữa tháng 10, Kullman đã hạ dự báo lợi nhuận hằng quý và cả năm. DuPont cũng đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí 1,3 tỉ USD năm nay và thêm 300 triệu USD vào năm tới. Matt Arnold, chuyên gia phân tích tại Edward Jones, cho rằng ông dự kiến tốc độ cắt giảm của DuPont sẽ mạnh mẽ hơn khi Breen trở thành CEO chính thức. “Điều duy nhất ai cũng biết chắc chắn là mọi bộ phận đều sẽ bị xem xét đánh giá lại ở góc độ chi phí và chiến lược. Còn điều gì xảy ra và xảy ra ở bộ phận nào thì không được biết”, Arnold nói.
Một số tại trụ sở Delaware của DuPont đã bày tỏ lo ngại rằng bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể nằm trong danh sách cắt giảm. Gần phân nửa trong tổng số 7.000 nhân viên Delaware của DuPont làm công việc nghiên cứu. Delaware là quê hương của 2 cơ cở R&D nổi tiếng nhất của DuPont. Chẳng hạn, Experimental Station ở Alapocas tuyển dụng 2.500 nhân viên trong đó có hàng trăm người có học vị tiến sĩ, trong khi Trung tâm nghiên cứu Stine Haskell có 600 nhân viên.
DuPont đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí 1,3 tỉ USD năm nay và thêm 300 triệu USD vào năm tới.
Jeffrey Sonnenfeld, Giáo sư kinh doanh tại Trường Quản trị Yale, cho biết Breen đã nói với ông rằng ông ấy hiểu giá trị của nghiên cứu đối với DuPont nhưng ông chưa bao giờ công khai việc các bộ phận nghiên cứu có bị cắt giảm hay không.
“Breen bảo tôi rằng ông ấy tôn trọng nền tảng dựa trên nghiên cứu trong hoạt động kinh doanh của DuPont. Với 1/3 sản phẩm của DuPont đến từ nghiên cứu, đó rõ ràng là một nguồn doanh thu lớn cho tương lai. Rất mừng là ông ấy hiểu và tôn trọng điều đó”, Sonnenfeld nói.
Ngay khi chỉ định làm CEO tạm thời, Breen đã bắt tay vào việc cắt giảm. Ông đã sa thải nhân viên tại bộ phận các giải pháp bền vững, sáp nhập một số bộ phận trong Công ty. Breen cũng ngưng cả chương trình 3 năm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của DuPont có tên gọi là “One DuPont”.
“DuPont sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn trong năm 2016. Cùng với việc này, chúng tôi sẽ ngưng triển trai chương trình “One DuPont” và sẽ đánh giá các bước đi cho sự hoàn thiện tương lai”, Dan Turner, một phát ngôn viên của DuPont, nói.
Dù là Breen quyết định cắt giảm ở bộ phận nào và chia tách công ty ra sao, Sonnenfeld cho rằng Breen vẫn là một lựa chọn tốt. “Bạn không thể làm tốt hơn Ed Breen. Ông ấy được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong nhiều lĩnh vực”, ông nói.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư