Dệt may – Thời trang Việt Nam: Sánh ngang với thương hiệu ngoại

Một số doanh nghiệp dệt may đã gặt hái được những thành công ban đầu, với chiến lược đưa ra thương hiệu thời trang riêng của mình, thay vì chỉ làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài.

Sự kiện khai trương cửa hàng thời trang Eternity GrusZ đầu tháng 11 vừa qua tại trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên thu hút nhiều sự chú ý của những tín đồ thời trang. Với một cái tên rất “tây” và mẫu mã thiết kế bắt mắt, nhiều người tiêu dùng đã lầm tưởng đây là một thương hiệu thời trang “ngoại”. Nhưng thực tế, đây lại là một thương hiệu của TCty May 10. Dù mới xuất hiện trên thị trường được 3 năm, nhưng có thể nói TCty May 10 đã bước đầu thành công trong việc mở rộng sự hiện diện của thương hiệu Eternity GrusZ ngay tại thị trường trong nước.

Cùng một “lò” chất lượng

Suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ nổi tiếng với việc gia công. Cầm một bộ trang phục Calvin Klein, Ralph Lauren… “Made in Vietnam”, người tiêu dùng thế giới vẫn nghĩ đó là hàng cao cấp của Mỹ và Châu Âu. Rất ít người quan tâm tới nơi sản xuất, gia công. Tỷ lệ các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới được may tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên cao hơn nữa khi mức thuế nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào thị trường Mỹ và Châu Âu xuống 0%.

Dệt may – Thời trang Việt Nam: Sánh ngang với thương hiệu ngoại

Doanh nghiệp dệt may đã gặt hái những thành công ban đầu

Trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ chú trọng vào thực hiện các đơn hàng gia công cho thị trường xuất khẩu, thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng trong nước đã nhường sân cho các thương hiệu thời trang nước ngoài. Hiện tại, có khoảng 200 thương hiệu nước ngoài đã hiện diện ở thị trường Việt Nam, chiếm hơn 2/3 thị trường thời trang trong nước.

Nhận thức được điều này, TCty May 10 đã tạo ra thương hiệu Eternity GrusZ như là một phần trong chiến lược nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng dệt may của mình, thay vì chỉ nhận những đơn hàng gia công có giá trị thấp từ các công ty nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng đã nhận ra rằng cơ hội ngay tại thị trường trong nước đã bị bỏ lỡ, nên nhanh chóng tạo ra thương hiệu thời trang riêng cho mình. Cách đây 5 năm, Cty Dệt may TNG (Thái Nguyên) đã lập ra một Cty thời trang TNG, nhằm phát triển một thương hiệu thời trang riêng của mình. Hiện tại, mạng lưới cửa hàng của TNG đã có mặt ở tất cả các tỉnh phía bắc, và chiến lược của Cty là sẽ mở rộng xuống khu vực phía nam trong vòng 1-2 năm tới. “Bản thân tôi cũng suy nghĩ rằng TNG sau này dứt khoát phải sản xuất hàng mang thương hiệu của TNG,” ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TNG Group, chia sẻ.

Yếu tố quyết định để bất cứ một thương hiệu nào, đặc biệt là thương hiệu thời trang sống được trong lòng khách hàng chính là “chất” của thương hiệu đó – thứ mà doanh nghiệp Việt nam nói chung, và dệt may Việt Nam nói riêng còn đang rất bỡ ngỡ.

Dù hiện tại, phần lớn doanh thu của TNG vẫn đến từ mảng gia công, nhưng đứa con cưng mà ông Thời cho rằng sẽ đưa Cty lên tầm cao mới chính là thương hiệu thời trang TNG, do chính Cty thiết kế và kinh doanh. Mục tiêu của TNG là sau năm 2020 thương hiệu thời trang này sẽ xuất hiện trên thị trường Mỹ và Châu Âu.

Có một lý do để có thể tin rằng các thương hiệu thời trang Việt như Eternity GrusZ có đủ khả năng đứng chung sân với hàng hiệu Âu Mỹ. Trước hết, đó là các thương hiệu này được hình thành tại cùng “lò” của các thương hiệu ngoại ngoại. Trước đây, để phục vụ cho hoạt động gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới, TCty May 10 đã thành lập Trung tâm Cung ứng Thời trang Khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ. Sau nhiều năm hoạt động, Trung tâm Cung ứng Thời trang Khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ đã được hàng chục thương hiệu đình đám Âu Mỹ lựa chọn.

Thực tế thì các thương hiệu thời trang khác như TNG, An Phước hay Mattana cũng đều cùng một lò sản xuất với những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Vì vậy, các Cty thời trang trong nước cũng đều có thể tận dụng kinh nghiệm học được từ thiết kết mẫu mã tới quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất để xây dựng một thương hiệu riêng cho mình.

Xây dựng giá trị thương hiệu

Nhưng mặc dù được gia công từ cùng một “lò” như vậy, điều đó không có nghĩa rằng tất cả các sản phẩm “made in Vietnam” đều là “hàng hiệu” Việt Nam. Và cũng không có nghĩa rằng sẽ dễ dàng khi các Cty dệt may chỉ cần đưa ra một sản phẩm riêng của mình là bán được trên thị trường.

Ông Bùi Đức Thắng, người phụ trách truyền thông của thương hiệu Eternity GruzS cho biết yếu tố quan trọng nhất tạo ra khoảng cách chênh lệch quá lớn này chính là giá trị của thương hiệu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị của thương hiệu chiếm đến 70% giá thành sản phẩm.

Dệt may – Thời trang Việt Nam: Sánh ngang với thương hiệu ngoại

Đây cũng chính là lý do khiến nhiều thương hiệu thời trang của Việt Nam như Vera, Owen, Mattana hay Viettien chưa thể bứt phá mạnh trên thị trường. An Phước có thể coi là một cách làm thành công khi biết kết hợp với thương hiệu Pierre Cardin. Được cho là kẻ đến sau, nhưng TCty May 10 cũng đã nhận thức rõ được vai trò của thương hiệu với các sản phẩm thời trang. Ngay tại Hội chợ Thời trang được tổ chức vào cuối năm ngoái, Eternity GrusZ đã tạo được ấn tượng là một sản phẩm thời trang cao cấp khi được trình diễn bởi toàn bộ người mẫu là người nước ngoài.

Đối với ông Thời, xây dựng thương hiệu cho TNG cũng là điều ông quan tâm nhất. Bởi lẽ, nếu như giá trị thương hiệu nhỏ, giấc mơ đưa sản phẩm thời trang TNG vào thị trường Mỹ của ông sẽ khó mà thực hiện. Để đảm bảo điều này, ông Thời cho biết TNG đã thuê nhà thiết kế Minh Hạnh làm tư vấn mẫu thời trang, và ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam – tư vấn về phát triển mạng lưới bán hàng và quảng bá sản phẩm.

Có lẽ vẫn còn sớm để khẳng định các thương hiệu thời trang Việt sẽ luôn là lựa chọn trước tiên của người tiêu dùng trong tương lai. Có một điều chắc chắn rằng để tận dụng được nhiều hơn nữa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, và một thị trường với quy mô gần 100 triệu dân, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những thương hiệu thời trang như Eternity GrusZ, An Phước hay TNG.

Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp