Bán kết Young Marketers 4 - 12 Góc nhìn đa chiều cho “Bài toán thịt chó”
Young Marketers - Cuộc thi dành cho những tài năng Marketer tương lai luôn mang đến nhiều bất ngờ. Mùa thi thứ 4 đã sang đến vòng thi bán kết, hơn 200 bạn trẻ cùng các anh chị Marketer đầu ngành đã có một buổi gặp gỡ và học hỏi khó quên qua 12 góc nhìn đa chiều, mới lạ và không kém phần táo bạo cho “bài toán thịt chó”.
“Cầm cân nảy mực” cho buổi thi bán kết là những gương mặt anh chị marketing senior với nhiều năm kinh nghiệm:
- Chị Đặng Hoài An, Head of Marketing, Microsoft Mobile Devices Vietnam
- Anh Hùng Võ, CEO & Strategic Planning Head, REDDER Advertising
- Anh Khoa Nguyễn, Managing Director, SMART Marketing Vietnam (ex-Head of Marketing, Nokia Vietnam)
- Chị Tina Đỗ, Digital & Media Integration Head, Nestle Vietnam
- Anh Trịnh Việt Anh, Marketing Director, Suntory PepsiCo Vietnam
Thách thức lập kế hoạch marketing communication phản đối việc ăn thịt chó tại Việt Nam cho thương hiệu Pedigree tuy khó nhằn và có phần xa lạ với những bạn trẻ thành thị hầu như chưa từng đụng đũa đến miếng thịt, nhưng 12 bài thi đã thể hiện được mức độ tìm hiểu và “ngấm” nhất định của 12 nhóm thi đối với “bài thi thịt chó” này. 12 bài thi với 12 góc nhìn đa chiều, để lại cho khán phòng nhiều tiếng cười, tranh luận, tiếng vỗ tay, lẫn gật gù suy ngẫm.
Nhóm PUNU: Nguyễn Thị Mỹ Ngọc & Nguyễn Thị Quỳnh Phương
Nhóm chọn đối tượng là những người trẻ nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó, luôn muốn hình ảnh của mình đẹp trong mắt người khác, với hành vi thay đổi mong muốn rằng họ sẽ ngừng ăn thịt chó nếu điều đó làm người khác nghĩ xấu về họ.
Ý tưởng “Tôi chọn đẹp” bắt đầu bằng tác động nhận thức: việc ăn thịt chó ảnh hưởng xấu đế hình ảnh cá nhân như thế nào thông qua viral clip và series print ads “Ai đẹp hơn” và những câu chuyện “Tôi đã bỏ ăn thịt chó vì…” Sau đó sẽ là hoạt động thúc đẩy mọi người xây dựng hình ảnh bản thân thật đẹp bằng cách ngừng ăn thịt chó, phản đối việc ăn thịt chó với đường chạy cùng chó Runwdogs.
“Tôi chọn đẹp” nhận được nhiều sự gật gù của các bạn trẻ khi tác động đến khía cạnh hình ảnh bản thân, nhưng với BGK thì vai trò thương hiệu chưa rõ ràng, ý tưởng quá thiên về cảm xúc, không đủ mạnh để thay đổi được quan điểm và hành vi con người.
Nhóm WHATEVER: Trương Lê Huỳnh Thủy & Lê Mai Thy
Cũng hướng đến nhóm người trẻ có ăn thịt chó với quan điểm trung lập “thịt chó chỉ là một món ăn, ăn thịt chó không ảnh hưởng đến ai”, nhưng nhóm có góc nhìn khác biệt hơn: hầu hết nguồn thịt chó có được đều là bất hợp pháp, vì vậy ăn thịt chó chính là tiếp tay cho những hành động bất hợp pháp đó.
Ý tưởng “Món thịt bất hợp pháp” được triển khai với hành trình: phát sampling thịt chó (thịt giả cầy) & phiếu phạt tiền, rồi dẫn người nhận đến một video clip để họ biết được mình đang cầm trên tay miếng thịt bất hợp pháp, qua đó kêu gọi chụp ảnh kèm hashtag #noillegalmeat. Hầu hết BGK đều đồng tình nhóm có góc nhìn táo bạo, ý tưởng mạnh nhưng triển khai chưa đạt, chưa đủ sức ảnh hưởng.
Nhóm MEUS: Nguyễn Ánh Nhật Hạ & Nguyễn Thị Bảo Minh
Với observation từ đối tượng mục tiêu: “cho chó ăn thức ăn thừa, nghĩ rằng cái gì tốt cho người thì cũng tốt cho chó, tôi ăn được, chó ăn được”, nhóm muốn truyền tải thông điệp: Bạn có thể xem chó như một thành viên trong gia đình, nhưng tình yêu phải bắt nguồn từ thấu hiểu.
Ý tưởng được triển khai với viral clip và từ điển I speak your language, với vai trò thương hiệu là người phiên dịch để hai bên thấu hiểu lẫn nhau, để tình yêu đó trở nên đẹp hơn: Love with mind, decide with heart. Tuy nhiên, nhóm được nhận xét là bài thi thiếu liên kết, chưa triển khai ý tưởng được và chưa giải quyết được vấn đề.
Nhóm THE LAST FIVE DAYS: Vương Ngọc Tường Vy & Mai Văn Hiền
Nhóm có phần segmentation khá thú vị với 4 nhóm khách hàng: “Không tưởng, lầm tưởng, viễn tưởng và lý tưởng” với “lầm tưởng” là đối tượng khách hàng mục tiêu: những người từng nuôi chó, từng ăn thịt chó, dễ bị tác động bởi những người xung quanh.
“My childhood is in my mouth” được đánh giá là một ý tưởng rất mạnh – Tuổi thơ tôi đã từng coi chó là bạn, nhưng giờ đây tôi lại đang ăn chính người bạn ấy, tuổi thơ ấy của mình. Ý tưởng được nhóm triển khai thông qua viral clip & print ads “Tuổi thơ trên bàn nhậu”, poster tương tác khổng lồ kèm một số hoạt động tại điểm bán lẻ.
Nhóm M.L: Nguyễn Thị Thanh Thùy & Nguyễn Khánh Thy
Cùng nhắm đến đối tượng dễ bị tác động, nuôi chó chó nhưng vẫn ăn thịt chó, dễ bị tác động, nhưng nhóm có cách tiếp cận hoàn toàn khác là mang đến trải nghiệm cảm giác với âm thanh và hình ảnh giết mổ khi ăn thịt chó, khiến đối tượng ghê sợ mà buông đũa, và còn nâng lên cảm xúc khi tuyên bố rằng bạn đang “ăn thịt” bạn của người khác.
Hoạt động chính của ý tưởng “Your meals, our friends” là biệt đội Pedigree với các booth trải nghiệm vừa ăn thịt chó vừa xem clip giết mổ chó. Đây cũng là ý tưởng quyết liệt nhất, để lại nhiều ấn tượng cho BGK và các bạn khán giả.
Nhóm BOOT: Mang Anh Nguyên & Lê Thị Thùy Trang
Vẫn nhắm vào những người từng ăn thịt chó, xem chó chỉ là một món ăn bình thường, nhưng đây chính là nhóm có ý tưởng khác lạ nhất với bài thuyết trình “máu lửa”, độc đáo nhất.
Tạo thói quen nghĩ về nguồn gốc nguồn thịt khi ăn thịt chó để từ đó từ bỏ thịt chó chính là điều mà nhóm muốn nhắm đến, được triển khai qua nhiều hoạt động như viral clip, wifi marketing, offline event,… Nhóm có cách tiếp cận tốt, nhưng ý tưởng và kế hoạch triển khai lại chưa rõ ràng, mông lung, từ đó chưa thể giải quyết được vấn đề.
Nhóm GEP: Nguyễn Thị Kiều Linh & Đào Phương Thanh
Nhóm chọn đối tượng là những người trưởng thành đang nuôi chó và đang ăn thịt chó, chỉ dành cho chó một tình yêu có điều kiện, chỉ yêu thương chó của mình, không quan tâm đến “Chó nhà người ta”.
Đó cũng là ý tưởng lớn nhằm tạo nhận thức, khơi gợi sự đồng cảm với bài hát “Chó nhà người ta” với giọng ca Sơn Tùng, được chia sẻ bởi các KOLs, và tác động thay đổi hành vi qua hồi kí một chú chó, kêu gọi 1 triệu chữ kí trình Quốc Hội. Đây cùng là một ý tưởng khá hay, nhưng BGK nhận xét là chưa đủ khác biệt và chưa đủ để tạo ra hiệu quả mong đợi.
Nhóm Badboys: Lương Đức Hiệp & Phạm Ngọc Khánh
Nhóm có cùng phân khúc đối tượng mục tiêu như hầu hết các bài thi, những người quên mất chó cũng là một động vật có tình cảm, cảm xúc như con người.
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhận thức được điều ấy? Đó cũng chính là trải nghiệm mà nhóm mang đến với phim ngắn “Thịt chó – tình người”, câu chuyện từ bỏ thịt chó của một thanh niên khi nhận ra chó cũng thể hiện tình người sâu đậm, cùng cuộc thi “50 sắc thái của chó”, để lại nhiều ấn tượng và tiếng cười trong lòng khán giả. Không quá đặc sắc nhưng logic, cách phát triển suy nghĩ và khả năng trình bày của nhóm ghi điểm với BGK.
Nhóm UNO: Lê Hồng Phong & Nguyễn Minh Ngọc
Vẫn nhắm đến nhóm đối tượng trung lập, ăn thịt chó, không quan tâm vì “đó có phải chó của tôi đâu”, nhóm xoáy sâu vào những liên hệ cảm xúc giữa người và chó qua đôi mắt.
“Now you see me” là ý tưởng mang đến hình ảnh đôi mắt của chú chó bị thịt, với lời kêu gọi đừng nhắm mắt làm ngơ, chú chó mình ăn cũng giống như chú chó mình thương yêu bảo vệ thôi. Các hoạt động triển khai bao gồm billboard và viral clip Ánh mắt của chú chó, trạm cứu trợ Home for dogs, được nhận xét là chưa thật sự hiệu quả, cần phải được xoáy mạnh hơn dù nhóm có bước đi rất khác biệt và rõ ràng.
Nhóm TNT Group: Phạm Hoàng Tùng & Lê Thị Phương Thảo
Giống mà khác UNO là nhóm TNT khi xoáy sâu vào tiếng sủa – tiếng nói riêng của chú chó để tạo mối liên kết với con người.
Ý tưởng “We speak for dogs” ra đời với vai trò thương hiệu là người tiên phong dành lại tiếng nói cho chó và cũng là người kết nối hội yêu chó, tạo sự thay đổi. Các hoạt động triển khai như booth “Dừng lại để lắng nghe” cùng ngày hội đi bộ & tư vấn cũng được BGK nhận xét có tiềm năng nhưng chỉ mới dừng ở mức cơ bản.
Nhóm SLEEP-RUNNER: Trần Huỳnh Ái Lâm & Đỗ Vạn Kỳ Vỹ
Từ insight “chỉ một miếng thịt chó thôi, có gì mà nghiêm trọng” của nhóm trung lập quan điểm, nuôi chó và vẫn ăn thịt chó, ý tưởng của nhóm là nhấn mạnh: “1 pieces, 3 lives” – 1 miếng thịt chó bạn ăn, tác động và thay đổi đến 3 cuộc đời: chú chó, chủ chó, và kẻ trộm chó.
Các hoạt động triển khai bao gồm miếng thịt chó 3 góc nhìn, viral clip, cuộc thi ý tưởng 1001 cách nói không, kêu gọi mọi người nói không với thịt chó nhằm cứu lấy 3 cuộc đời.
Nhóm PHỌT: Nguyễn Đình Giang & Nguyễn Thị Thanh Vy
Với cách tiếp cận như nhóm TNT, nhóm PHỌT cho rằng chó cũng thể hiện cảm xúc như người như con người, tiếng sủa kêu cứu của chú chó sẽ khiến người nghe từ bỏ thịt chó.
A dog can talk - tiếng sủa không vô nghĩa là ý tưởng được triển khai với ứng dụng - trào lưu hóa tiếng chó sủa, viral clip “Chó muốn nói gì” & “Tiếng kêu cứu”, đặt booth tại điểm bán hàng, thu thập 50,000 tiếng chó sủa để làm thành bài hát Will you save me?
Và đúng như sự dự đoán của nhiều khán giả ngay tại buổi thi, 5 nhóm bước tiếp vào vòng vấn đáp với BGK chính là 5 nhóm PHỌT, THE LAST FIVES DAY, M.L, BADBOYS và SLEEP-RUNNER. Cả 5 nhóm đều thể hiện niềm tin cho ý tưởng của mình, cũng như đối đáp thông minh cho những câu hỏi của BGK. Đồng thời, BGK cũng có nhiều nhận xét quý giá giúp các bạn nhận thức được vấn đề, lỗ hổng trong bài làm của mình, cũng như những gợi ý để hoàn thiện bài thi.
Nhóm PHỌT
Anh Khoa Nguyễn chia sẻ: “Với anh thì các em triển khai gãy gọn xúc tích, bài thi rất insightful, vì thời sinh viên anh cũng suýt gắp miếng thịt chó đầu đời nếu không nghe tiếng chó sủa ác liệt lúc bị giết. Cũng như hầu hết các nhóm khác, các em đánh vào những người trẻ ở thành thị cấp tiến, mà quên để ý rằng nhóm người này ít khi ăn thịt chó hơn những người lớn tuổi hơn sống ở nông thôn. Liệu rằng việc truyền thông đã đúng và hiệu quả chưa?” PHỌT vẫn trung thành với lựa chọn của mình sau những khảo sát, và tin rằng đây sẽ là nhóm dễ tác động nhất, đồng thời có thể ảnh hưởng lôi kéo những nhóm khác.
Anh Hùng Võ quyết liệt hơn: “Anh là người duy nhất không chọn bài thi của nhóm vào top 5. Bài thi rất cụ thể với tiếng sủa của chú chó nhưng insight còn bề mặt, chung chung, hoạt động triển khai còn “cho vui”, 2 giai đoạn rời rạc, và phần cần nhấn mạnh thì chưa đủ nhấn mạnh”.
Nhóm THE LAST FIVE DAYS (TLFD)
Anh Việt Anh nhận xét: “Anh thích ý tưởng của nhóm, insightful, execution xuyên suốt và mới lạ. Nhưng anh quan ngại đa số người Việt Nam chỉ nuôi động vật chứ chưa thật sự xem chó là bạn thân, thông điệp liệu rằng có nhận được sự đồng cảm của đám đông hay không?” TLFD thuyết phục rằng không cần phải nuôi chó hay xem chó là bạn thân, những tình cảm và hành động gắn kết với chó, cũng như với tất cả loại động vật, là rất tự nhiên trong tiềm thức của mỗi con người khi còn bé.
Chị Tina Đỗ cũng có một số thắc mắc: “Chị rất thích cách tiếp cận của nhóm, nhưng quá nghiêng về cảm xúc. Vai trò thương hiệu ở đâu, và vì sao người ta phải mua sản phẩm của mình? Các poster đóng vai trò gì trong chiến dịch và liệu có quá bạo lực?” TLFD tin rằng chiến dịch chính là từ giá trị cốt lõi của thương hiệu. Khi người tiêu dùng thấy được thương hiệu đang làm điều tốt đẹp với chó, khả năng rất cao họ sẽ đồng cảm và mua sản phẩm trong tương lai. Các poster có vai trò quan trọng trong việc gợi nhắc tình cảm tuổi thơ với chó so với thực tại đối lập, có thể điều chỉnh mood & tone cho phù hợp hơn.
Cuối cùng, chị Đặng Hoài An góp ý sau khi tìm hiểu về cách đặt tên phân khúc khách hàng của nhóm: “Điều gì không biết chắc thì đừng viết, đừng viết chỉ để lấp đầy bài thi.”
Nhóm M.L
Nhóm gây ấn tượng bởi phần vấn đáp gay cấn với BGK cho ý tưởng quyết liệt nhất:
Anh Khoa Nguyễn: Hai em có đến quán nhậu phỏng vấn mấy ông ăn thịt chó không, insight này là của marketers hay của consumers?
Nhóm chưa đến tận quán để phỏng vấn, nhưng có phỏng vấn những đối tượng xung quanh có ăn thịt có, có đặt giả định, phỏng vấn, và đánh giá lại. Nhóm tin rằng đây là một consumer insight đủ mạnh.
Anh Khoa Nguyễn: Viral clip có thật sự hiệu quả để truyền tải chiến dịch, hay người ta cứ like và thịt chó vẫn nằm trên dĩa?
Young Marketers không yêu cầu những bài giải hoàn hảo, mà là tìm kiếm những suy nghĩ khác biệt, những góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều.
M.L tin rằng viral clip thật sự đánh động được mọi người, và quan trọng nhất chính là trải nghiệm thực tế ở giai đoạn 2, đủ tò mò, ấn tượng, truyền miệng và thuyết phục.
Anh Khoa Nguyễn: Vậy tại sao bao nhiêu năm người ta tuyên truyền tiêu cực về thuốc lá & bia rượu nhưng thực trạng vẫn không thay đổi?
M.L cho rằng trải nghiệm tức thời và mang tính quyết định ngay tại lúc ăn thịt chó sẽ mang lại hiệu quả, khác với thuốc lá & bia rượu phải mất thời gian khá lâu người ta mới thấy được hậu quả và nhận thức được.
Anh Khoa: Thường nhãn hàng sẽ không chọn hướng đi quá quyết liệt như vậy. Nếu giám đốc Marketing không duyệt thì toàn bộ chiến dịch xem như dẹp tiệm?
M.L vẫn tin rằng nếu không làm đến mức đó thì không thật sự thuyết phục và thực trạng sẽ vẫn không thay đổi.
Anh Hùng Võ & chị Đặng Hoài An góp ý: Phần deployment của nhóm đang phục vụ cho insight chứ không phải big idea. Vì insight có đến 2 ý, nên deployment cũng có 2 phần riêng biệt. Nhóm có điểm mạnh là tác động được đối tượng ngay tại thời điểm ăn, nhưng phần insight cần làm lại để bài được xuyên suốt.
Nhóm BADBOYS
Chị Tina Đỗ, anh Việt Anh đều quan ngại ý tưởng phim ngắn quá cá nhân, làm sao ảnh hưởng được đám đông khi họ không thấy mình trong câu chuyện? Trên thế giới cũng có nhiều clip & film rồi, ý tưởng hay nhưng vẫn không thay đổi được thực trạng. BADBOYS đã cố gắng thuyết phục BGK với việc minh chứng tính tương quan sâu hơn của phim ngắn với câu chuyện gần gũi, khác biệt với chú chó Việt Nam và bối cảnh Việt Nam. Song song đó còn là những hoạt động kêu gọi mọi người chia sẻ những câu chuyện của mình để lan tỏa và gây ảnh hưởng trong cộng đồng.
Anh Khoa Nguyễn góp ý: “Anh chỉ mới thấy các bạn chỉ nhấn mạnh câu chuyện chó cũng có tình người, chưa thấy nói về câu chuyện ăn thịt chó. Và với thời lượng 30 phút của YouTube clip, chưa chắc nó đã viral và có nguy cơ phá hỏng chiến dịch. Idea hay thôi chưa đủ, mà execution còn phải đúng.”
Anh Hùng Võ thẳng thắn cho rằng ý tưởng của nhóm có, nhưng chưa thật sự edgy (khác biệt), chưa single-minded trong việc triển khai, và khi triển khai thì chưa làm đến nơi đến chốn, khiến campaign với anh là rời rạc & nửa vời.
Tuy nhiên chị Đặng Hoài An đã khuyến khích nhóm: “Bài thi đúng là chưa trọn vẹn so với các nhóm khác, nhưng quan trọng hơn hết là chị đã thấy được sự tiến bộ rất nhiều của nhóm, nhóm hoàn toàn có khả năng đi xa hơn.”
Nhóm SLEEP – RUNNER
Chị Tina Đỗ, anh Hùng Võ và anh Khoa Nguyễn đã đặt khá nhiều câu hỏi cho nhóm xoay quanh ý tưởng sáng nhưng cũng rất gây tranh cãi này, liệu có hơi làm quá và có mang tính đại diện? SLEEP-RUNNER vẫn rất kiên quyết: thực trạng cũng chính vì kiểu “có gì đâu mà phải làm quá” này. Qua nhiều tài liệu nhóm đã nghiên cứu, có rất nhiều mặt trái, nhiều sự việc nghiêm trọng đã xảy ra quanh miếng thịt chó này. Những chú chó vô tội bị giết hại thảm thiết, những người chủ đau buồn, những kẻ trộm chó cũng chết thảm vì bị đánh hội đồng…tất cả sự thật này cần được đưa ra ánh sáng, cũng như người ta cần được nhận mức mức độ nghiêm trọng quanh miếng thịt chó.
Kết lại buổi thi bán kết, chị Đặng Hoài An nhấn mạnh 4 lỗi thường gặp khi giải quyết đề bài Marketing:
- Assumption – Tôi nghĩ. Phải là consumer nghĩ gì và mình sẽ làm gì, chứ không phải bắt consumer nghĩ giống mình.
- Fancy idea – Ý tưởng không phải là tất cả. Ý tưởng hay nhưng giải quyết được vấn đề chưa? Có hiệu quả không hay chỉ thỏa mãn chính mình?
- Objective – Đừng quên mình đang giải quyết bài toán gì, để đạt được điều gì.
- Step back – Hãy đứng xa ra, nhìn ở những góc khác, để xem sau khi consumers đi qua hết những hoạt động của mình, chiến dịch của mình, họ sẽ nghĩ gì và làm gì. Nếu sau tất cả mà mọi thứ vẫn như vậy thì xem như mình thất bại.
Chị cũng chia sẻ: “Đề bài quá khó so với thị trường thức ăn cho chó còn chưa phát triển và thương hiệu Pedigree còn quá xa vời để các bạn tìm hiểu và cảm thụ. Câu chuyện xã hội cũng không mới, chiến dịch giải quyết cũng đã nhiều, nên đây thật là một sự đánh đố. Nhưng Young Marketers không yêu cầu những bài giải hoàn hảo, mà là tìm kiếm những suy nghĩ khác biệt, những góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều. Chị rất vui khi thấy 12 nhóm thi hôm nay đều có màu sắc khác nhau. Sự nghiệp Marketing vẫn còn rất dài, cuộc thi cũng chỉ là một buổi để gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Hãy cứ tiếp tục theo đuổi với đam mê của mình, nhiều bất ngờ vẫn còn ở phía trước.”
Và đúng như lời chị Đặng Hoài An, bất ngờ đã đến ngay sau buổi thi bán kết với kết quả là cả 5 nhóm đều được đặt chân vào vòng chung kết thay vì chỉ 3 nhóm như thể lệ ban đầu. 5 nhóm PHỌT, THE LAST FIVES DAY, M.L, BADBOYS và SLEEP-RUNNER đều được đánh giá tương đối đồng đều, và BGK rất mong muốn thấy được sự đột phá của 5 nhóm ở Vòng Chung kết toàn quốc ngày 12/12 sắp tới, với sự đồng hành của các mentors là các senior marketer:
- Nhóm THE LAST 5 DAYS: chị Tina Đỗ, Digital & Media Integration Head, Nestle
- Nhóm BADBOYS: anh Hùng Võ, CEO, REDDER Advertising
- Nhóm PHỌT: chị Đặng Hoài An, Head of Marketing, Microsoft Mobile Devices
- Nhóm M.L: anh Khoa Nguyễn, Managing Director, SMART Marketing
- Nhóm SLEEP-RUNNER: anh Trịnh Việt Anh, Marketing Director, Suntory PepsiCo
Vẫn sẽ là “bài thi thịt chó”, và đây cũng là đề bài tuyển chọn học viên Elite Development Program khóa 3. Cùng chờ đón những bất ngờ mang tên Young Marketers vào tháng 12 tới!
Young Marketers - Empower the next marketing generation
Cuộc thi do REDDER Advertising tổ chức, với BRANDS Vietnam là đối tác truyền thông & trường S.P.Jain School of Global Management là đối tác chiến lược tài trợ học bổng.
"S.P.JAIN School of Global Business (Australia) vinh hạnh được tạp chí Forbes xếp hạng Top 10 trường tốt nhất về đào tạo chương trình MBA một năm trên thế giới (đánh giá năm 2015). Trường S P Jain đào tạo kinh doanh với mô hình học tập tòan cầu. Tất cả sinh viên khóa cử nhân và thạc sỹ tại S P Jain đều được học và thực hành tại những thành phố thịnh vượng bậc nhất của thế giới, bao gồm Singapore – Dubai và Sydney (Úc), với chương trình học tương tác và thực tiễn cao."