Tượng đài Sharp của Nhật Bản đang thoi thóp chờ chết?
Sharp đang rơi vào tình trạng khốn đốn tận cùng khi giá cổ phiếu của hãng xuống thấp nhất trong vòng 50 năm và phải bán tòa nhà trụ sở chính được xây dựng từ gần 1 trăm năm trước.
Giá cổ phiếu của Sharp xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm vào ngày 2/11 vừa qua. Hiện tại, các nhà đầu tư đều tỏ ra lo ngại về tương lai của tập đoàn này. Cụ thể, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 7 yen, tương đương 5% xuống còn 126 yen và kết trúc phiên giao dịch ngày 2/11 ở mức 129 yen.
Được biết, giá cổ phiếu của Sharp chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục như trên ngay sau tuyên bố từ phía công ty cho biết họ đang phải gánh khoản lỗ ròng 83,6 tỷ yen (tương đương 681 triệu USD) riêng trong nửa giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9.
Việc này kéo theo lợi nhuận giảm mạnh, thấp hơn cả mức 4,7 tỷ yen của năm trước. Công ty cũng tuyên bố khoản thua lỗ hoạt động 25,1 tỷ yen, giảm so với mức 29,2 tỷ USD hồi đầu năm.
4 ngày trước khi báo cáo kết quả kinh doanh của công ty được công bố, Sharp cũng đã hạ dự báo về các chỉ số trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, công ty này vẫn thất bại trong việc đạt được lợi nhuận hoạt động 10 tỷ yen như đã nói vào tháng 5.
Cùng ngày, chủ tịch công ty là ông Kozo Takahashi đã gửi lời động viên tới toàn bộ nhân viên. Trong email, ông nói rằng đang có một vài tín hiệu cho thấy sự cải thiện. Ông cũng nhấn mạnh, doanh số bán sản phẩm máy lọc không khí mới của công ty sẽ tăng. “Hãy cùng cố gắng làm việc để tạo ra một công ty Sharp hoàn toàn mới”.
Tuy nhiên, mặc cho những lời động viên tích cực đó, các nhân viên công ty thực sự rất rối bời về Takahashi. Thực tế, họ đang mong muốn nhà lãnh đạo này có thể giải thích rõ ràng hơn về tầm nhìn chiến lược cụ thể để cứu công ty thay vì những hy vọng viển vông.
Một số khác thì cho rằng email của Takahashi không đề cập đến vấn đề tái cấu trúc bộ máy công ty. Chẳng hạn như việc bán mảng kinh doanh màn hình tinh thể lỏng. Nếu mảng kinh doanh LCD vốn là trụ cột của công ty tiếp tục thua lỗ, không có lý do gì để giữ lại cả.
Về phía các nhà đầu tư, họ lo ngại rằng công ty này không còn đủ khả năng để huy động vốn. Kể từ mùa hè năm nay, Sharp đã thảo luận về việc viện trợ vốn cho mảng kinh doanh LCD từ tập đoàn Hon Hai của Đài Loan và một tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ Nhật Bản là Innovation Network Corporation (INC).
Xem xét về tình hình lợi nhuận của công ty, rất có thể Sharp đã kêu gọi 1 khoản viện trợ vốn từ INC. Tuy nhiên, trước mặt báo giới, sự việc lại được mô tả lại theo chiều hướng hoàn toàn khác. “Chúng tôi đang làm việc với rất nhiều công ty” về vấn đề hợp tác nguồn vốn cho mảng kinh doanh LCD, ông Takahashi phát biểu trước phóng viên sau buổi công bố kết quả kinh doanh vừa qua.
Tuy nhiên, dù thừa nhận rằng Sharp đang cân nhắc nhiều lựa chọn nhưng ông Takahashi lại nói rằng không muốn công ty của mình nhận bất kỳ khoản viện trợ vốn nào.
Xem xét đến tình hình tài chính của công ty, có vẻ như thời gian sống sót của Sharp không còn nhiều. “Nhìn vào dòng tiền có thể thấy đến cuối năm nay hay ngay trong năm tài chính này số phận công ty sẽ được định đoạt và nhiều khả năng phải phá sản”, theo Yasuo Nakane - một chuyên gia phân tích tại Mizuho Securites. Cũng theo Nakane, báo cáo kinh doanh của công ty không hề có bất kỳ điểm tươi sáng nào cả.
Trước đó vào tháng 5, ông Takahashi đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng mảng kinh doanh màn hình LCD của Sharp không cần nhận viện trợ vốn. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, ông đã lại úp mở về khả năng này.
Tương lai mờ mịt
Nỗ lực tái cấu trúc toàn bộ công ty cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhân viên. Mùa xuân năm nay, Sharp đã quyết định bán toà nhà trụ sở chính vốn được xây dựng từ 1 thế kỷ trước tại Osaka. Tới tháng 9, 3.200 nhân viên, tương đương hơn 10% công nhân của Sharp làm việc tại Nhật Bản đã phải rời công ty thông qua một chương trình nghỉ hưu tự nguyện.
Trong khi đó, chủ tịch Takahashi nói rằng đã thăm dò ý kiến tại văn phòng kể từ tháng 10 và không nhân viên nào bình luận về phong cách lãnh đạo của ông. Ông khẳng định sẽ nâng cao tinh thần và giữ nhiệt huyết công ty ở mức cao.
Vân Đàm / Nikkei
Nguồn Trí thức trẻ