Viettel và chiến lược tấn công “thị trường bỏ ngỏ”

Viettel vừa chính thức ra mắt dịch vụ viễn thông di động có thương hiệu Halotel tại Tanzania. Đây không chỉ được coi là bước đệm cho thị trường Châu Phi khi Tanzania là nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Phi mà còn được coi là thành quả của chiến lược quản trị đúng đắn của DN này.

Đúng một năm sau khi nhận được giấy phép đầu tư vào Tanzania, giữa tháng 10 vừa qua Viettel đã chính thức cho ra mắt dịch vụ viễn thông di động có thương hiệu Halotel tại nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Phi này. Dù mới chính thức đi vào hoạt động, Halotel đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới cho thị trường viễn thông di động tại Tanzania, nơi có số dân hơn 50 triệu người nhưng tỷ lệ sử dụng điện thoại di động mới chỉ chiếm 67%. Lý do chính mà Halotel được kỳ vọng sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn cho thị trường viễn thông Tanzania là độ phủ sóng di động 3G rộng khắp những vùng sâu, vùng xa của quốc gia này, một điều mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đi trước tại thị trường Tanzania chưa làm được, hoặc không làm. Theo cam kết đầu tư, Viettel sẽ rót khoảng 1 tỷ USD vào Tanzania để phủ sóng 3G cho cả 26 tỉnh, và cung cấp dịch vụ cho ít nhất 4.000 ngôi làng chưa được phủ sóng điện thoại. Và chỉ sau một năm, Viettel đã triển khai hơn 18.000 km cáp quang, cùng gần 2.500 trạm BTS tại thị trường này. Tốc độ xây dựng của Viettel tại Tanzania được coi là nhanh nhất trong số các thị trường mà tập đoàn này đang triển khai đầu tư.

Halotel

Halotel phủ tới vùng nông thôn nơi 80% người dân Tanza sinh sống

Thị trường mũi nhọn

Rõ ràng, thị trường nước ngoài đã trở thành mũi nhọn cho sự phát triển của Viettel, khi thị trường trong nước đã trở lên bão hòa và Viettel cũng đã chiếm thị phần lớn nhất. Và yếu tố thành công đầu tiên cho kế hoạch đầu tư ra bên ngoài là lựa chọn thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel từng chia sẻ rằng thị trường viễn thông được chia ra làm 3 loại, thị trường chưa phát triển, với độ phủ dưới 20% dân số; thị trường đang phát triển, với độ phủ dưới 60%; thị trường đi vào bão hòa, với độ phủ trên 60%.

Theo cam kết đầu tư, Viettel sẽ rót khoảng 1 tỷ USD vào Tanzania để phủ sóng 3G cho cả 26 tỉnh, và cung cấp dịch vụ cho ít nhất 4.000 ngôi làng chưa được phủ sóng điện thoại.

Nếu như đầu tư vào thị trường đã bão hòa, Viettel sẽ khó xin được giấy phép đầu tư do tài nguyên về tần số đã được khai thác hết. Đó là còn chưa kể đến sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những thương hiệu đã được xây dựng vững chắc từ thị trường đó. Trong khi đó, số thị trường chưa phát triển trên thế giới cũng không còn nhiều, chỉ còn vài nước như Cuba, Triều Tiên hay Myanmar. Đối với những thị trường này, đầu tư vào cũng sẽ không hiệu quả. Như vậy thị trường có tiềm năng nhất, và cơ hội thâm nhập cũng dễ hơn là nhóm thị trường đang phát triển, phần lớn nằm ở Châu Phi. Điều đó lý giải tại sao số vốn mà Viettel đổ vào Châu Phi đang ngày càng nhiều. Đặc điểm của các thị trường này là chỉ số ARPU – doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao – thấp. Tuy nhiên, về dài hạn khi đã chiếm được thị phần lớn rồi thì lợi nhuận sẽ tăng cao khi mức chi tiêu của người sử dụng điện thoại tăng cao.

Khi đã chọn được thị trường rồi, bài học kinh nghiệm từ thị trường Việt Nam cũng được mang ra áp dụng tại tất cả các thị trường nước ngoài mà Viettel đang đầu tư. Đó là đầu tư dồn dập trên diện rộng và đầu tư vào các địa bàn xa xôi. Nhờ đó, ở bất cứ thị trường nào Viettel cũng đã nhanh chóng chiếm được thị phần, bất chấp sự hiện diện của những đối thủ có tên tuổi trước đó.

Đơn cử như tại thị trường Mozambique, trong vòng 11 tháng kể từ ngày nhận giấy phép, mạng Movitel của Viettel đã có vùng phủ sóng lớn nhất, vượt qua 2 đối thủ có thâm niên 15 năm là Vodacom và Mcel. Sau gần 3 năm hoạt động, Movitel đã trở thành mạng viễn thông có vùng phủ sóng lớn nhất nước này, chiếm 38% thị phần và trở thành người dẫn dắt sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông ở đây. Còn tại thị trường Cameroon, chỉ sau 3 tháng bắt đầu kinh doanh, Viettel Cameroon đã đạt 1 triệu thuê bao. Đây là một kết quả thực sự ấn tượng với một Cty viễn thông kinh doanh mới.

Thách thức của mục tiêu lớn

Bài học kinh nghiệm từ thị trường Việt Nam cũng được mang ra áp dụng tại tất cả các thị trường nước ngoài mà Viettel đang đầu tư.

Đúng là Viettel đang mở rộng ra nước ngoài, nhưng mục tiêu mà tập đoàn này đặt ra không phải dễ đạt được. Ngay trong kế hoạch năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel cũng đã giảm 22,9% so với kế hoạch đặt ra.

“Diễn biến thị trường thay đổi nhanh chóng, đối thủ có những chính sách mới mang tính cạnh tranh cao, gay gắt và đôi khi là cực đoan,” báo cáo tổng kết năm 2014 của Viettel Global, Cty chịu trách nhiệm đầu tư ra nước ngoài của Viettel, nhấn mạnh.

Thực tế thì việc xác định thị trường mục tiêu là các thị trường đang phát triển đang là xu hướng của các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới, nếu muốn tiếp tục mở rộng. Vì vậy, thách thức cho mục tiêu xin giấy phép tại thị trường mới của Viettel là rất lớn. Ngay tại thị trường Myanmar, Viettel đã phải tìm đường tắt đầu tư vào thị trường Myanma bằng kế hoạch góp 800 triệu USD để phát triển viễn thông với một đối tác Myanmar vào cuối năm 2014.

“Việc lấy các giấy phép mới tại các thị trường ngày càng khó khăn do tài nguyên tần số đã hết, Viettel Global phải đẩy mạnh phương án thâm nhập thị trường mới bằng mua bán các cty khác, một lĩnh vực Viettel Global chưa có nhiều kinh nghiệm,” Viettel Global cho biết trong bản báo cáo.

Như vậy, nếu muốn đạt được mục tiêu, Viettel sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt ngay từ bước xin giấy phép đầu tiên.

Như Ngọc
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp