Sự "khác người" của bậc thầy marketing Richard Branson
Vị tỷ phú người Anh 65 tuổi này từ lâu đã nổi tiếng bởi phong cách sống và kinh doanh rất khác biệt: luôn làm những việc mà ít người dám làm.
15 tuổi: Bỏ học, lập tạp chí
Nếu không biết về thân thế của Richard Branson, sẽ không thể ngờ rằng ông chủ của một tập đoàn khổng lồ với hơn 400 công ty con, tỷ phú giàu thứ 12 tại vương quốc Anh với tổng giá trị tài sản khoảng 5 tỷ USD, đã tự động bỏ học ngay từ tuổi 15. Bởi Richard Branson ghét trường học, ghét cái cảm giác bị các bạn đồng môn và các thầy cô xa lánh, miệt thị chỉ vì cậu bị mắc chứng khó đọc và không thể hiểu được bài vở ở trường. Nhưng bù lại, trời ban cho ông sự lạc quan và bản lĩnh vượt khó hơn người.
Ngay từ tuổi 15, Richard Branson đã hiểu rằng, học vấn không phải là con đường duy nhất để khởi nghiệp. Nghĩ vậy, trong sự ngỡ ngàng và nghi ngại của cả gia đình và bạn bè, Richard Branson quyết định bỏ học, dứt khoát từ bỏ một việc mà ông cho là lấy đi của mình quá nhiều thời gian và công sức mà không đem lại một kết quả nào, rồi bất ngờ lập một tờ tạp chí dành riêng cho đối tượng sinh viên mang tên Student Magazine. Toà soạn gồm các nhân viên là bạn bè, không được trả lương, mỗi ngày họ chỉ giúp anh vài giờ. Chỉ vậy thôi, nhưng Student Magazine đã thành công, tổng lượng phát hành dần lên tới 100.000 bản mỗi kỳ.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất mà Richard Branson gặt hái được từ Student Magazine là bài học đầu tiên trong nghiệp doanh nhân: “Phải tự dạy bản thân mình từ những gì nhìn thấy trong cuộc sống. Với những ngành nghề khác, bằng cấp và đại học rất hữu ích. Nhưng với doanh nhân, càng sớm tiếp xúc với bên ngoài thì càng tốt. Chỉ nắm bắt được nghệ thuật kinh doanh khi thực sự dấn thân vào nó”. Bài học này cùng triết lý kinh doanh: “Tôi mắc bệnh khó đọc, vì vậy tôi rất giỏi trong việc giữ mọi thứ luôn đơn giản. Đó cũng là triết lý kinh doanh của tôi. Mọi thứ phải thật rõ ràng và đơn giản” đã là một trong những yếu tố dẫn dắt Richard Branson tới vô số những thành công trong nghiệp kinh doanh sau này, biến Richard Branson trở thành ông chủ của Tập đoàn Virgin rộng lớn trải dài từ Virgin Records, Virgin Atlantic, Virgin Mobile tới Virgin Trains, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, hàng không và cả viễn thông. Và trên hết là biến vị tỷ phú người Anh này trở thành một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, sánh ngang với những huyền thoại như Bill Gates, Steve Jobs; biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp cho triệu triệu người trẻ.
Gần 60 tuổi: Lập kỷ lục bay vượt Đại Tây Dương
Trong hàng loạt triết lý sống và kinh doanh đầy khác biệt của Richard Branson, triết lý số một là: “Cứ làm những gì mình thích bởi mỗi người chỉ sống một lần trong đời và hãy luôn tạo thách thức cho bản thân bởi chỉ người dám nói dám làm mới có cơ hội hưởng thành quả của cuộc sống”. Và thực sự, Richard Branson đã nói được, làm được. Đúng với tư duy nổi tiếng “Screw it, let’s do it - Mặc kệ nó, làm tới đi”, trong cả cuộc sống lẫn công việc kinh doanh, Richard Branson thể hiện mạnh mẽ tinh thần luôn đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới và dám mạo hiểm với ý tưởng mới.
“Phải tự dạy bản thân mình từ những gì nhìn thấy trong cuộc sống. Với những ngành nghề khác, bằng cấp và đại học rất hữu ích. Nhưng với doanh nhân, càng sớm tiếp xúc với bên ngoài thì càng tốt. Chỉ nắm bắt được nghệ thuật kinh doanh khi thực sự dấn thân vào nó.”
Sau 4 năm, thôi làm báo, Richard Branson lại mạnh bạo rẽ sang một địa hạt kinh doanh hoàn toàn mới - lập công ty đĩa hát. Kinh doanh đĩa hát thành công, Branson lại rẽ sang kinh doanh bán lẻ. Khi công ty của Branson trở thành công ty bán lẻ lớn thứ ba ở Anh, Branson lại phát triển các công ty kinh doanh dịch vụ và giải trí. Nhưng ấn tượng nhất là việc Branson quyết định kinh doanh công ty hàng không và lập hãng kinh doanh dịch vụ du lịch không gian, lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều vốn và đặc biệt là các mối quan hệ. Bất chấp mọi nghi ngại, rốt cuộc công ty hàng không Virgin Atlantic vẫn thành công rực rỡ.
Điều khiến Richard Branson “khác người”, biến ông trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay với hơn 8 triệu người theo dõi trên LinkedIn, gần gấp đôi số người theo dõi Bill Gates, còn là những sở thích, thú chơi có một không hai của ông. Năm 1986, chiếc thuyền máy Virgin Atlantic Challenger II của Richard Branson đã lập kỷ lục vượt Đại Tây Dương chỉ trong 3 ngày 6 tiếng và 31 phút. Một năm sau, Branson trở thành người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Ông cũng là người đầu tiên vượt Thái Bình Dương bằng loại phương tiện này vào năm 1991. Lẽ ra năm 1999, ông cũng là người đầu tiên đi vòng quanh trái đất bằng đường biển trên khinh khí cầu, song đã lỡ chuyến vì không đáp ứng một số yêu cầu của nhà tổ chức.
Năm 2013, Richard Branson đã làm “dậy sóng” cả nước Anh khi bỏ London phồn hoa ra hòn đảo Necker (thuộc quần đảo British Virgin Islands) mà ông đã mua từ cách đó 35 năm để trải nghiệm cuộc sống hoang dã. Ngoài “hai điểm nhấn” lớn nhất vừa nêu, giới truyền thông còn thống kê được vô số những minh chứng cho sự “khác người” của bậc thầy marketing Richard Branson: Vì thua trong một vụ cá cược đua xe công thức 1 với CEO hãng hàng không Air Asia Tony Fernandes, Branson chấp nhận cạo sạch lông chân, mặc váy và trang điểm như nữ tiếp viên hàng không; Tại một sự kiện quảng cáo ở Mumbai, Branson tham gia diễu hành trên nóc một chiếc taxi trong trang phục nhạc sĩ truyền thống của Ấn Độ; Branson hóa trang thành bướm tham gia giải marathon của Virgin Money London năm 2010; Trong sự kiện ra mắt tạp chí dành riêng cho iPad năm 2010, Branson đã quấn báo lên người tạo dáng cùng ma-nơ-canh trước cửa hàng của Apple tại New York; Năm 2006, trong sự kiện Virgin Mobile ở Pháp, ông chủ tuổi ngấp nghé lục tuần Branson đã chọn cách xuất hiện không thể ấn tượng hơn nữa: đu dây rồi tụt xuống từ nóc tòa nhà Virgin Megastore tại Paris cao 30 tầng...
Cách tốt nhất để trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công
Trong cuốn “The Virgin Way: Everything I know about Leadership” (Phong cách Virgin: Tất cả những gì tôi biết về lãnh đạo), Branson viết rằng những việc gây sốc mà ông làm chính là một phần phong cách của mình. “Nếu có ai nói với tôi rằng việc anh định làm thật điên rồ thì nó chỉ càng khiêu khích tôi muốn làm việc đó hơn mà thôi”.
Sự “khác người” của bậc thầy marketing Richard Branson còn được nhắc nhiều qua câu chuyện: trong khi phần đa các doanh nghiệp ra quy chế buộc nhân viên đến công sở đúng giờ, đảm bảo đủ giờ làm thì ông lại cho phép nhân viên làm việc tại nhà, miễn sao có thể mang về nhiều lợi nhuận cho công ty. Với Richard Branson, đây không phải là sự “chơi trội” mà là một cách để ông thể hiện rõ triết lý “con người là tài sản lớn nhất” của mình. “Tôi nghĩ rằng, nếu bạn đối xử tốt với mọi người, họ sẽ quay lại nhiều lần nữa. Tất cả những gì bạn có trong cuộc sống là danh tiếng của bạn và đó là một thế giới rất nhỏ. Tôi thực sự nghĩ rằng cách tốt nhất để trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công là đối xử tốt và công bằng với mọi người” - Richard Branson khẳng định.
Hà Anh / VOV
Nguồn Chiến lược Marketing