Những bài học kinh doanh từ nhà sáng lập Wal-Mart

Nhắc đến hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hoa Kỳ không thể không nói tới hai đại gia trong lĩnh vực này đó là Kmart và Wal-Mart. Năm 2001, Kmart với hệ thống hàng chục ngàn cửa hàng đã tuyên bố phá sản, chỉ còn lại một mình Wal-Mart còn trụ lại.

Wal-Mart thành công như ngày nay là do tập đoàn này được phát triển từ di sản của một doanh nhân tài ba - Sam Walton.

Câu chuyện ngắn về Sam Walton

Sam Walton lớn lên trong tình cảnh gia đình gặp khó khăn kinh tế, chứng kiến cảnh trang trại gia đình bị người khác tước mất, thuở nhỏ Walton đã nuôi tham vọng sau này sẽ thành công và trở thành thương gia.

Sau khi tốt nghiệp đại học và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông bắt tay vào xây dựng sự nghiệp bằng việc hợp tác buôn bán nhỏ với J.C.Penney. Sau khi Walton kết hôn với Helen Robson, cặp vợ chồng trẻ được cha vợ cung cấp một khoản tiền để làm ăn. Họ dùng số tiền đó để mở một cửa hàng tạp hóa tại Newport (bang Arkansas).

Những bài học kinh doanh từ nhà sáng lập Wal-Mart

Sam Walton - nhà sáng lập Wal-Mart

Giá thuê nhà khá cao, việc buôn bán cũng gặp canh tranh gay gắt nhưng Walton vẫn bán hàng rất thành công và thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, đến ngày gia hạn thuê nhà thì ông bị từ chối vì người chủ muốn lấy cửa tiệm cho con trai kinh doanh, Walton tay trắng lập nghiệp lại từ đầu.

Vợ chồng Walton sau đó bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp ở Bentonville. Nếu cửa hàng đầu tiên được tọa lạc tại một thị trấn nhỏ ở Arkansas, lần này địa điểm mới thậm chí còn nhỏ hơn.

Cửa hàng bán đồ giá rẻ của Walton có ý tưởng mới mẻ là tự phục vụ với quầy tính tiền trước cửa có treo đèn huỳnh quang, và phương thức kinh doanh này đã hoạt động tốt. Tại đây, Walton đã khám phá ra có một lượng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khổng lồ trong những thị trấn nhỏ vùng sâu vùng xa. Chỉ cần giá cả hợp lý, người ở những vùng này sẽ sẵn sàng đi hàng chục dặm để mua được hàng chất lượng.

Đến năm 1985, sau 23 năm hoạt động với cửa hàng đầu tiên mang tên Wal-Mart, Sam Walton được Tạp chí Forbes bình chọn là “Người đàn ông giàu nhất nước Mỹ”. Hai mươi năm sau, cũng trên tạp chí này, trong số danh sách mười nhân vật giàu nhất thế giới thì có tới bốn người là thành viên của gia đình Sam Walton. Công ty Wal-Mart do họ làm chủ có doanh thu cao hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới.

Những bài học kinh doanh để đời

Hành trình từ tay trắng đến top 10 người giàu nhất thế giới của Sam Walton chứa đựng nhiều bài học kinh doanh có thể trở thành “bài mẫu” cho cộng đồng doanh nhân toàn cầu.

Những bài học kinh doanh từ nhà sáng lập Wal-Mart

Wal-Mart thành công như ngày nay là do tập đoàn này được phát triển từ di sản của một doanh nhân tài ba - Sam Walton

Học theo cách kinh doanh của người khác

Trong cuốn tự truyện mang tên mình, Sam Walton viết, “Hầu hết những gì tôi làm đều bắt chước từ người khác… Tôi thường xuyên ghé thăm các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh Kmart và xem nó như là một phòng thí nghiệm. Tôi dành nhiều thời gian rảnh rỗi để lang thang qua các cửa hàng Kmart, nói chuyện với người của họ và cố tìm hiểu họ đã làm việc như thế nào”.

Walton từ lâu vốn nổi tiếng với việc đi tìm cái người ta đã làm, chọn lọc phần ưu việt nhất để áp dụng và làm tốt hơn. Ông luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay hay một máy ghi âm để ghi lại những điều nghe và thấy liên quan đến việc kinh doanh.

Kmart, chuỗi cửa hàng giảm giá lớn mạnh nhất trong giai đoạn Walton khởi nghiệp, luôn là hình mẫu phát triển và điểm đến ưa thích của ông. Chính ý tưởng bán hàng với giá rẻ và vô số hoạt động kinh doanh, quảng cáo được ông rút ra từ những lần ghé thăm Kmart.

“Ngay từ đầu, chẳng ai để ý đến Sam, và rõ ràng ông đã áp dụng gần như toàn bộ ý tưởng phát triển ban đầu của Kmart. Tuy nhiên, ông ấy không dừng lại tại đó mà luôn tìm tòi, hoàn thiện và mở rộng những ý tưởng sơ khai của chúng tôi”, Harry Cunningham - người điều hành và sáng lập Kmart cho biết trong cuốn tự truyện của Walton.

Có cạnh tranh thì mới phát triển

“Tôi không hiểu điều gì sẽ xảy ra với Wal-Mart nếu chúng tôi làm chậm lại và không bao giờ khuấy động việc cạnh tranh. Tôi cho là chúng tôi sẽ duy trì vị trí là một hãng hoạt động tầm trung trong khu vực”, Sam Walton viết trong tự truyện của mình.

Cạnh tranh là điều đã tạo nên Wal-Mart ngay từ buổi ban đầu, bởi Walton hiểu sâu sắc rằng có cạnh tranh thì mới phát triển.

Cạnh tranh là điều đã tạo nên Wal-Mart ngay từ buổi ban đầu, bởi Walton hiểu sâu sắc rằng có cạnh tranh thì mới phát triển. Sự cạnh tranh không chỉ mang lợi cho người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để tìm được những phương thức tối ưu để hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Do vậy, thay vì tránh né những người khổng lồ trong cùng ngành, Walton chủ động chạm trán với họ một khi đã chuẩn bị đủ điều kiện.

“Wal-Mart gần như không thể phát triển lớn mạnh được như ngày hôm nay nếu không có sự cạnh tranh gay gắt từ Kmart, và tôi nghĩ họ cũng sẽ thừa nhận rằng chúng tôi đã giúp họ trở thành hãng kinh doanh bán lẻ giỏi hơn trước”, Walton viết.

Không đánh giá thấp những thị trường nhỏ

Chính nhu cầu lớn của khách hàng trong các thị trấn nhỏ đã giúp Wal-Mart khởi nghiệp, giúp các cửa hàng của Walton có thể phát triển nhanh chóng và cuối cùng là giúp cho ý tưởng “mua rẻ bán rẻ” được phát triển rộng khắp thế giới.

Trong nhiều năm, Walton đã sống dựa vào nguyên tắc khách hàng ở nông thôn và các thị trấn nhỏ cũng giống như những người thân của họ, những người đã rời bỏ trang trại để chuyển lên sống ở thành phố, tất cả đều muốn mua được những món hời như bất cứ ai.

“Khi chúng tôi tới các thị trấn nhỏ này chào bán hàng hóa giá rẻ hàng ngày, bảo đảm khách hàng luôn cảm thấy hài lòng, bán hàng vào những giờ hoàn toàn phù hợp với cách mọi người muốn mua sắm, chiến lược này đã giúp Wal-Mart phát triển. Do đó, chúng tôi nhanh chóng vượt qua cuộc cạnh tranh với các cửa hàng tạp hóa kiểu cũ, những cửa hàng này luôn tính giá lên thêm tới 45% với ít sự lựa chọn, lại chỉ trong một số giờ nhất định”, Walton cho biết.

Đối xử tốt với nhân viên

Walton gọi những nhân viên tại các cửa hàng là “cộng sự”. Khi người bán hàng vui vẻ, họ mới có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất – thêm một lý do để khách hàng quay trở lại cửa hàng.

Khi người bán hàng vui vẻ, họ mới có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất – thêm một lý do để khách hàng quay trở lại cửa hàng.

Chương trình chia sẻ lợi nhuận của Wal-Mart đã đem lại cuộc sống no ấm cho rất nhiều nhân viên của công ty. Walton cho rằng phân nửa sự thâm hụt của ngành bán lẻ là do “đánh mất” khách hàng khi nhân viên không phục vụ tốt.

“Hãy đánh giá đúng sự đóng góp của mỗi thành viên đối với công ty. Bên cạnh những phần thưởng, những lời khen tặng chân thành, đúng lúc, đúng người là những món quà giá trị không mất tiền mua nhưng đáng giá bằng cả gia tài”, trích từ một trong mười nguyên tắc kinh doanh của Sam Walton.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Thành công đáng kinh ngạc của Sam Walton là câu chuyện về tinh thần doanh nhân, sự liều lĩnh, lao động cật lực, nhận thức điều cần làm và sẵn sàng đối mặt với khó khăn để đạt được mục tiêu cuối cùng. Theo ông, bạn không cần có quá nhiều khả năng, nhưng phải biết rõ mình có những khả năng gì.

Walton sẵn sàng thức dậy lúc ba hay bốn giờ sáng trước mỗi buổi họp với các giám đốc để xem kỹ lại những hoạt động đã diễn ra trong tuần đó. Nhờ vậy mà ông có cái nhìn toàn cục, khái quát về từng khía cạnh của công ty.

Ngoài ra, khi nghĩ về Wal-Mart, ông muốn khách hàng sẽ nghĩ ngay tới giá thấp và nhu cầu của mình được đảm bảo thỏa mãn.

Trên tất cả, thành công của Walton còn chứng minh được rằng cuộc đời hoàn toàn không có giới hạn và bạn cần phải giữ vững niềm tin ngay cả khi nhiều người khác không tin.

Văn Lộc
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn