Hàng của ai?
Thật đáng mừng là hàng Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài. Mới đây, 200 thương hiệu Việt được tôn vinh và nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt, trở thành điểm nhấn cho cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Sự tiến bộ về chất lượng sản phẩm khiến hàng xuất khẩu của ta gia tăng cả về sản lượng và trị giá.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu, đại bộ phận là nhờ đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà lớn nhất là của Hãng Samsung. Hiện tập đoàn này đang đầu tư mạnh mẽ vào Bắc Ninh và Thái Nguyên, với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 26,3 tỉ USD.
Dự kiến năm nay Samsung đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD. Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch dẫn đầu. Trong 8 tháng, trị giá xuất khẩu đạt 2,8 tỉ USD. Tính chung 8 tháng đạt 20 tỉ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyện các doanh nghiệp FDI - thành phần kinh tế quan trọng của đất nước là tín hiệu phát triển khả quan. Tính chung trong 9 tháng năm 2015, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam là 17,15 tỉ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng trong tháng 9, vốn cam kết mới và tăng thêm của khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 3,82 tỉ USD.
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,65 tỉ USD, tăng 8,4% với cùng kỳ năm 2014. 2 tháng qua, có thêm một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn được cấp phép như: Dự án Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỉ USD của nhà đầu tư Malaysia tại Trà Vinh; Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam (Hàn Quốc) với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỉ USD tại Khu công nghiệp Bắc Ninh.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu gần đây không rộ lên những ý kiến bàn cãi là điện thoại Samsung là hàng Việt Nam hay hàng Hàn Quốc?
Mới đây, một quan chức cấp bộ chốt luôn không ngần ngại: Samsung là hàng Việt Nam! Vị này lấy dẫn chứng trong cuốn tài liệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam xuất bản cũng đã nêu rằng, hàng hóa lắp ráp, sản xuất và dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải hàng nhập khẩu là hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, người ta đặc biệt trích dẫn trong các văn bản luật hiện hành cũng có quy định, các tổ chức cá nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng như dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải là hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, theo đó, bất luận là doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp FDI, Nhà nước, hợp tác xã, hộ kinh doanh… được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, có sản phẩm hàng hóa sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều là hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, do Samsung hay các doanh nghiệp FDI khác có những đóng góp quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam thì được coi là hàng Việt Nam!
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng không nghĩ như vậy dẫu sản phẩm của Samsung được một số giới chức cho là hàng Việt Nam, thậm chí có in hàng chữ Made in Vietnam thì cũng chỉ có thể hiểu rằng, nó được sản xuất tại Việt Nam chứ không hẳn là hàng của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, ở đây có việc đánh tráo khái niệm, nhầm lẫn cố ý vì để thực sự được công nhận là hàng Việt Nam thì phải tuân thủ theo quy tắc xuất xứ quốc tế.
Hơn nữa, sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự muốn được coi là hàng Việt Nam, phải chấp nhận mọi bình đẳng như doanh nghiệp Việt Nam. Hình như họ muốn bắt cá hai tay, vừa muốn coi là doanh nghiệp Việt Nam, vừa muốn hưởng các ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp FDI. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nếu đã coi là hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thì tất cả chuẩn mực đối xử phải như nhau. Có chuyên gia cho rằng, họ không hiểu sao lại vơ vào như vậy. Nói với người tiêu dùng Việt thì đã kỳ cục và với người nước ngoài thì càng kỳ.
Đừng nhận vơ thương hiệu của người ta để coi thành công của nhà đầu tư Samsung là thành tích của ngành công nghiệp điện tử. Hình như người Pháp không nhận rằng, các tàu bay A320, A321, A360 là hàng Pháp chất lượng quốc tế!
Nay mai một khi Boeing sản xuất tàu bay Boeing 777, B787 ở đâu đó như Đà Nẵng chẳng hạn, thì tàu bay này cũng là tàu bay Việt Nam hay sao? Và tương tự, Hãng Airbus đầu tư sản xuất tàu bay A321, thậm chí A380 ở Đồng Nai cận kế Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - Đồng Nai thì không lẽ tàu bay Airbus sẽ là hàng Việt Nam chất lượng cao? Vậy là siêu kỳ cục mất rồi! Cái gì của Ceasar phải trả cho Ceasar, chân lý ấy xin đừng vi phạm!
Bảo Văn / Năng lượng Mới số 464
Nguồn Petro Times