Doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng Facebook, Youtube...

Có đến 35% người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin từ Facebook, Youtube... trước khi sử dụng dịch vụ hay đi mua hàng. Nhưng chỉ 1% doanh nghiệp Việt Nam marketing qua những mạng xã hội này.

Theo nghiên cứu của Vinalink (một công ty chuyên về dịch vụ khảo sát, marketing trực tuyến), có đến 35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin trên forum và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè, fanpage, quảng cáo... trên các mạng xã hội trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ.

Doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng Facebook, Youtube...

Tuy nhiên, chỉ có 0,4% doanh nghiệp Việt Nam dùng Facebook (khoảng 2.000 doanh nghiệp) để quảng cáo; 0,07% dùng Youtube; và khoảng 0,2% còn lại dành cho các mạng xã hội khác. Có khoảng 5.000 doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội bao gồm cả forum, blog (chiếm 1%).

35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin doanh nghiệp từ Facebook, Youtube...

Trong khi đó, xu hướng sử dụng mạng xã hội để tiếp thị, bán hàng ở nước ngoài rất phổ biến. Phó giáo sư Marc Divine (trường IEA Paris) người có nhiều năm nghiên cứu về mạng xã hội, đã tiến hành khảo sát với 200 công ty quốc tế như IBM, L’Oreal, Unilever. Kết quả cho thấy, hơn một nửa trong số các công ty này đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ trong hoạt động tiếp thị. Còn tại Mỹ có 70,3% doanh nghiệp dùng Facebook để quảng cáo, 58% dùng Linkedin, 40% dùng Twitter và 26,8% dùng Youtube.

Trong khi rất ít doanh nghiệp Việt dùng mạng xã hội để quảng bá thì những đơn vị từng sử dụng đã thu được kết quả khá tốt. Các clip quảng cáo của Vinamilk trên Youtube đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trong khi chi phí bỏ ra bằng không.

Ông Hà Tuấn, Giám đốc Vinalink nhận xét, nếu biết sử dụng đúng cách mạng xã hội, hiệu quả kinh doanh sẽ rất lớn. Việt Nam có đến 15 triệu người sử dụng Internet, và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Thông qua mạng xã hội, doanh nghiệp sẽ dễ dàng truyền tải thông tin sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng mục tiêu (có thể phân khúc theo độ tuổi, giới tính, trình độ...). Hơn nữa chi phí cho công tác truyền thông này rất thấp, dễ dàng đo lường hiệu quả. Một lợi thế của kênh truyền thông này là doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu thập các thông tin phản hồi, dễ dàng tạo dựng nhóm khách hàng trung thành.

Doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng Facebook, Youtube...Khảo sát của Vinalink với các giám đốc marketing cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu ngoài việc tạo được hiệu ứng lan truyền, tìm kiếm khách hàng... còn giúp gắn kết với đội ngũ nhân viên hiện thời và thu hút các ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội nhằm truyền thông cũng có những bất lợi nhất định. Facebook là mạng phổ biến nhất hiện nay, phù hợp tiếp thị truyền thông nhưng có đến 80% người dùng cho rằng khó truy cập.

Theo ông Ngô Thanh, Giám đốc Mancom (chuyên về tư vấn chiến lược marketing), nhiều chủ doanh nghiệp có lứa tuổi khá cao, hơn 50% là trên 45 tuổi. Lứa tuổi này không những khá lạc hậu về công nghệ thông tin mà còn khá bảo thủ với những trào lưu mới. Các chủ doanh nghiệp này nhìn nhận mạng xã hội giống như giới trẻ - những người chưa được họ đặt lòng tin một cách đúng mức.

Trong suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, thông tin trên mạng không mang tính chính thống, thiếu sự tin cậy so với các phương tiện truyền thông khác, như tivi, đài báo. Đây là những lý do mà doanh nghiệp Việt chưa thực sự coi mạng xã hội như một công cụ truyền thông hiệu quả, nhưng cũng là thiếu sót lớn của họ trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Thanh nhận xét.

Trái lại, những chủ doanh nghiệp trẻ lại rất nhanh nhạy trong vấn đề này. Thời gian gần đây, sản phẩm cơm kẹp (một dạng fastfood kiểu Việt) VietMac là một ví dụ điển hình. CEO của VietMac là người thuộc thế hệ 8X đã xây dựng thị trường và thương hiệu rất nhanh, chỉ thông qua mạng xã hội.

Các doanh nghiệp nên giảm bớt các "tuyên bố chính thức" mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo ra sự kết nối với khách hàng.

Ông Thanh cho biết, hơn 80% khách hàng của họ biết đến VietMac thông qua Facebook và các diễn đàn. Chỉ sau ba tháng, họ đã có thể nhượng quyền cho chính những thành viên của diễn đàn mà vị CEO này tham gia.

Chị Lê Thúy Hạnh, Tổng giám đốc Digimarketing bình luận, đa số các doanh nghiệp có thói quen truyền tải cùng một thông điệp trên các mạng xã hội khác nhau thay vì phát triển các hình thức truyền đạt riêng cho mỗi trang này. Trong khi đó, mỗi trang đều có những đặc tính riêng. Cái được chấp nhận ở Tumblr có thể bị coi là spam trên Facebook. Phong cách viết có hiệu quả với Twitter có thể thất bại trên FriendFeed. Vì thế, theo chị Hạnh, để tối đa hóa tác dụng của mạng xã hội, các doanh nghiệp nên truyền tải những thông điệp khác nhau trên các phương tiện khác nhau.

Một lời khuyên nữa mà chị đưa ra đối với mạng xã hội, là các doanh nghiệp nên giảm bớt các "tuyên bố chính thức" mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo ra sự kết nối với khách hàng.

Nguồn Awareness