Sữa đậu nành không biến đổi gen: Đường đua mới của bầu Đức

Với kế hoạch trồng hàng ngàn ha đậu nành, bầu Ðức đang nuôi tham vọng chiếm lĩnh gần 12% thị trường tiêu thụ sữa đậu nành trong nước.

Những ngày cuối tháng 9, ngành sữa đậu nành bỗng trở nên sôi động khi bầu Đức của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai quyết định đầu tư 1.000 ha đất để trồng đậu nành không biến đổi gen. Rõ ràng, những thông tin về nguyên liệu đậu nành có nguồn gốc biến đổi gen gây hoang mang cho người tiêu dùng thời gian qua đã trở thành cơ hội cho nhà kinh doanh lớn, vì dù sao sản phẩm có thương hiệu vẫn an toàn so với sữa nấu thủ công khó xác định nguồn gốc.

Từ lâu, sữa đậu nành đã là thức uống quen thuộc đối với người Việt Nam. Gần đây, với khuyến cáo của các chuyên gia y tế về việc sử dụng đậu nành mỗi ngày để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, thực phẩm này lại ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Trong một số trường hợp, loại sữa chế biến từ thực vật như đậu nành còn là lựa chọn thay thế cho sữa động vật, nhờ ưu thế về mức giá rẻ và tốt cho sức khỏe.

Theo số liệu Compass 2014 của Tetra Pak (Thụy Ðiển), Việt Nam là quốc gia đứng xếp thứ 3 thế giới về tiêu thụ đậu nành. Nhu cầu đối với loại hạt dinh dưỡng này, theo dự báo của Viện Dinh dưỡng Đậu nành Quốc gia Mỹ, sẽ tăng gấp đôi trong vòng 35 năm tới.

Sữa đậu nành không biến đổi gen: Đường đua mới của bầu Đức

Thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam

Tại Việt Nam, sữa đậu nành được tiêu thụ chủ yếu vẫn là các sản phẩm nấu thủ công. Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam vào năm 2013 cho thấy, trong cơ cấu sữa đậu nành được tiêu thụ, chỉ có 25% là do các công ty sản suất. Dù tỉ lệ sản phẩm có thương hiệu còn khiêm tốn, nhưng ngành sản xuất sữa đậu nành trong nước khi đó cũng đã tăng trưởng 17%, cao hơn hẳn so với sữa bột và sữa nước, theo Euromonitor International.

Tuy nhiên gần đây, thị trường lại tiếp tục dấy lên nỗi e ngại về sản phẩm đậu nành có nguồn gốc biến đổi gen. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2014, cả nước nhập khẩu 1,5 triệu tấn hạt đậu nành. Trong đó phần lớn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Argentina là đậu nành biến đổi gen. Sản phẩm được nhập khẩu về để chế biến dầu ăn, đậu phụ, sữa đậu nành và một số sản phẩm chế biến khác. Dù tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen còn đang tranh cãi, nhưng luật pháp vẫn chưa có quy định bắt buộc dán nhãn các sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Cũng trong năm 2013, sự kiện Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM công bố 90% mẫu sữa đậu nành nấu thủ công từ các quầy hàng rong, quán ăn, nhà trẻ... nhiễm khuẩn đường ruột E.coli, Coliform đã tạo cú hích cho ngành sản xuất sữa đậu nành công nghiệp. Người tiêu dùng lập tức chuyển sang lựa chọn các sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp có thương hiệu. Lực đẩy này đưa tỉ lệ tiêu thụ sữa đậu nành đóng hộp tăng lên 32% trong tổng sản lượng tiêu dùng sữa đậu nành vào cuối năm 2014.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành đã phải tự lên tiếng cam kết với khách hàng về thành phần đậu nành dùng để sản xuất sữa không có nguồn gốc biến đổi gen. Dẫn đầu thị trường sản xuất sữa đậu nành với mức tăng trưởng trung bình 40-50%/năm, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi khẳng định phần lớn nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ đậu nành trong nước. Còn Vinamilk, doanh nghiệp có thị phần ở vị trí thứ 2, cũng cam kết nguồn nguyên liệu nhập khẩu của họ không có nguồn gốc biến đổi gen.

Theo kế hoạch, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mở rộng diện tích trồng đậu nành lên 3.000 ha trong 5 năm tới, cung cấp nguyên liệu độc quyền cho Nutifood sản xuất 185 triệu lít sữa đậu nành/năm.

Như vậy, có thể hiểu ngay lý do vì sao dù vừa bước vào lĩnh vực đầu tư mới, nhưng bầu Ðức đã sớm xác định phải xây dựng niềm tin với khách hàng bằng cách trồng đậu nành giống Việt Nam 100% không biến đổi gen. Theo kế hoạch, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mở rộng diện tích trồng đậu nành lên 3.000 ha trong 5 năm tới, cung cấp nguyên liệu độc quyền cho Nutifood sản xuất 185 triệu lít sữa đậu nành/năm.

Giả sử kịch bản tăng trưởng sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành tại Việt Nam sẽ giữ ở mức trung bình 17%/năm trong 5 năm tới. Bằng một vài phép tính đơn giản, có thể ước lượng được bầu Ðức có tham vọng chiếm lĩnh gần 12% thị trường tiêu thụ sữa đậu nành trong nước (tính với cả sữa sản xuất thủ công và sữa đóng hộp). Tỉ lệ này hiện tại của Vinasoy là 26%.

Nhìn chung, thị trường sữa đậu nành đóng hộp hoàn toàn có triển vọng phát triển nhanh trong thời gian tới theo nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là một ngành đầy thử thách bởi những lo ngại về giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của nguyên liệu sử dụng. Liệu bầu Đức có thành công khi xâm nhập thị trường với cam kết về nguồn sữa sạch, giá rẻ, nguồn gốc đậu nành được trồng hữu cơ và không biến đổi gen? Hãy chờ xem!

Gia Linh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư