Bia nội - lực cản với các tập đoàn đa quốc gia
AB InBev hay SABMiller sẽ khó cạnh tranh tại nhiều nước như Việt Nam hay Thái Lan - nơi người dân vẫn chuộng bia nội.
Nếu AB InBev đạt thỏa thuận về thương vụ mua SABMiller, tầm ảnh hưởng của hãng bia lớn nhất thế giới sẽ rất ấn tượng. Tất cả thương hiệu nổi tiếng, như Budweiser, Peroni, Pilsner Urquell và Stella Artois giờ sẽ về chung một mối. Và sự kết hợp của hai hãng bia lớn nhất thế giới sẽ tạo ra một doanh nghiệp thống trị một phần ba thị phần toàn cầu, theo Euromonitor International.
Tuy nhiên, tại một số thị trường hấp dẫn nhất, người dân vẫn chuộng thương hiệu địa phương hơn. Tại Việt Nam - thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, một phần ba số bia được tiêu thụ là bia Saigon – của Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Còn tại Ấn Độ, Kingfisher là số một, với gần 50% thị phần. Người Tây Ban Nha thì thích Mahou - hãng bia có trụ sở tại chính Madrid, Bloomberg cho biết.
Gần 40% thị phần bia toàn cầu hiện nằm trong tay các công ty bán được chưa đầy 5 tỷ lít bia mỗi năm, theo Euromonitor. Trong khi đó, AB InBev và SABMiller có lượng tiêu thụ tổng cộng 60 tỷ lít.
Đây là một trong những lý do AB InBev rất sốt ruột với thương vụ này. Nếu kết hợp, hai hãng có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển. Ở thị trường AB InBev có bước đệm vững chắc, họ có thể giúp SABMiller và ngược lại. Còn SABMiller sẽ đặc biệt hữu dụng tại thị trường châu Phi và Nam Mỹ.
AB InBev cho biết họ đã có kế hoạch thuyết phục giới chức chống độc quyền để thông qua thương vụ này. Trên thực tế, việc này cũng không khó. Vì dù là hai hãng bia lớn nhất thế giới, thị trường của họ lại ít trùng nhau. AB InBev có thị phần lớn ở Brazil, trong khi SABMiller thống trị Nam Phi. Người Canada thích Budweiser, trong khi người Comlombia chỉ chuộng Aguila.
Hôm qua (14/10) là hạn cuối cùng hai hãng này phải chốt thương vụ với nhau. Nếu không, họ sẽ phải chờ thêm ít nhất 6 tháng nữa, theo luật mua bán - sáp nhập của Anh.
Hà Thu
Nguồn VnExpress