Cuộc đua không dễ dàng cho các đối thủ, trừ Samsung và Apple
“Trừ khi là Apple hay Samsung, bạn không thể kiếm được tiền từ điện thoại”, theo Roger Kay - chủ tịch hãng tư vấn Enpoint Technologies Associates. Vậy tại sao vẫn có quá nhiều công ty đang gồng mình chiến đấu trong thị trường này?
Dòng Sony Xperia M4 Aqua nghe có vẻ là một sản phẩm hoàn hảo. Nó có khả năng chống nước, Camera 13px, chế độ lấy nét tương đương với chụp. Câu hỏi đặt ra là tại sao bạn lại chưa sở hữu một chiếc điện thoại tuyệt vời như vậy?
Thực tế thì trong một thế giới có quá nhiều dòng điện thoại thông minh như hiện tại, rất ít người từng nhìn thấy Xperia M4 Aqua, chưa nói đến việc sở hữu nó. Thậm chí sau khi dành hàng tỷ USD và đại tu hệ thống lãnh đạo để tái tập trung vào các thiết bị, Sony vẫn bị loại ra khỏi top 10 nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất.
Đây là câu chuyện chung đang xảy ra với hàng loạt nhà sản xuất điện thoại thông minh khác. “Trừ khi là Apple hay Samsung, bạn không thể kiếm được tiền từ điện thoại”, theo Roger Kay - chủ tịch hãng tư vấn Enpoint Technologies Associates. Vậy tại sao vẫn có quá nhiều công ty đang gồng mình chiến đấu trong thị trường này?
Hiện tại, Apple cùng Samsung chiếm hơn 1 trong 3 chiếc điện thoại được bán ra theo dữ liệu của Bloomberg. Quan trọng hơn, Apple chiếm hơn 90% lợi nhuận toàn ngành và Samsung chiếm gần hết phần còn lại.
Điều này đồng nghĩa với việc, 6 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn còn lại chỉ “vớt vát” được chút lợi nhuận cuối cùng, chưa kể còn hàng loạt nhà sản xuất mới gia nhập thị trường khác.
Sau nhiều năm khó khăn, HP, Nokia và những “ngôi sao” một thời khác đã từ bỏ tham vọng với điện thoại. Microsoft - công ty từng mua lại mảng kinh doanh điện thoại của Nokia với giá 9,5 tỷ USD vào năm ngoái đã ghi giảm bút toán 7,5 tỷ USD vào tháng 6. Những thương hiệu có phần ngoan cố khác như LG, Sony, HTC và Lenovo cũng cho thấy rõ họ đang gặp khó khăn.
Giống như câu chuyện về việc các vị thần đã bắt Sisyphus phải chịu hình phạt không ngừng lăn một tảng đá lên tới đỉnh một ngọn núi, để rồi tảng đá lại bị sức nặng của chính nó kéo cho rơi xuống đất. Dường như, "tảng đá" đang ngày một phình to hơn, nặng hơn đối với những nhà sản xuất điện thoại kể trên.
Phải thừa nhận rằng sự thống trị của Apple trong ngành công nghiệp này là nhờ phương thức kinh doanh và thương hiệu độc đáo của họ.
Kể từ sau cú “sơ sẩy” vào năm 2013 với dòng iPhone 5C, Apple đã tăng gấp đôi sự tập trung vào những mẫu điện thoại cao cấp với giá đắt và quay lưng lại hoàn toàn với việc sản xuất điện thoại giá rẻ, hàng loạt. Với khoản lợi nhuận khổng lồ kiếm được từ iPhone, Apple có thể dùng để đầu tư và phát triển thế hệ chip nhanh, mạnh mẽ hay cải thiện vật liệu sử dụng cho iPhone và quan trọng nhất là tiếp tục đầu tư vào phần mềm.
Samsung cũng bắt chước Apple nhưng đáng tiếc họ không đạt được thành công như vậy. Hãng này tự sản xuất chip, phần mềm và những tính năng độc nhất như màn hình cong và khả năng sạc pin siêu nhanh. Samsung còn sản xuất cả những dòng điện thoại rẻ, tầm trung và vì vậy họ đã bán ra được 72 triệu chiếc điện thoại mỗi quý so với con số 48 triệu chiếc của Apple.
Tuy nhiên, con số này phần lớn nghiêng về những dòng giá rẻ, những mẫu có biên lợi nhuận thấp. Chính điều này đã khiến lợi nhuận của Samsung sụt giảm trong 7 quý liên tiếp mà phần lớn là ở mảng sản xuất điện thoại thông minh. Tuy nhiên theo Kay thì: “Tin tốt là Samsung quá lớn, họ được phép mắc một vài sai lầm và có đủ tiềm lực để tiếp tục cuộc chơi”.
Những tên tuổi lớn khác bao gồm Lenovo của Trung Quốc thậm chí đang gặp khó khăn trầm trọng hơn với mảng kinh doanh điện thoại. Lenovo đã mua Motorola từ Google vào cuối năm ngoái với giá 2,9 tỷ USD, hy vọng có thể mở rộng mảng máy tính cá nhân. Tuy nhiên may mắn đã không mỉm cười với họ: Trong quý vừa qua, Lenovo đã tuyên bố khoản lỗ 292 triệu USD riêng mảng di động và chỉ có được một chút lợi nhuận từ mảng máy tính cá nhân. Đại diện công ty này thì khẳng định họ sẽ giải quyết khó khăn bằng việc chia nhỏ số lượng thiết bị, kết hợp với “một mô hình kinh doanh nhanh hơn, nhỏ gọn hơn”.
Tuy nhiên, theo Kirt McMaster - CEO và đồng sáng lập công ty phần mềm Cyanogen thì hiện có rất ít tia hy vọng với đại đa số các nhà sản xuất điện thoại thông minh. Nếu thị trường điện thoại thông minh đang khó khăn thì nó sẽ chỉ sớm trở nên khó khăn hơn nữa mà thôi. “Thiết bị cầm tay đã được sản phẩm hoá, chúng chuyển từ là một thiết bị công nghệ thành sản phẩm tiêu dùng nhanh. Giống như Coke và Pepsi hiện tại, họ đang cùng tham gia vào một trận chiến hết sức khốc liệt".
Nhớ lại thời điểm năm 2011, HTC gần như đã đạt được vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới. Thành lập năm 1997, công ty có trụ sở tại Đài Loan là một trong những tên tuổi đầu tiên tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Sau khi thử nghiệm với hệ điều hành Windows, họ đã sản xuất thiết bị đầu tiên chạy Android. “Chúng tôi khởi đầu rất khó khăn. Ban đầu là những thiết bị cầm tay và sau đó chúng được biết đến rộng rãi là những chiếc điện thoại thông minh”. Tuy nhiên, sức mạnh của Apple và Samsung đã phá huỷ hoàn toàn doanh số bán hàng của HTC.
Dù đã nỗ lực khác biệt hóa bằng những tính năng cao cấp hơn như cải thiện camera, loa ngoài nhưng tất cả đều không đủ để khiến khách hàng của HTC quay lại. Công ty hiện không còn xếp trong top 5 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất. Đáng buồn hơn, họ mới tuyên bố khoản thua lỗ lên tới 257 triệu USD trong quý tính đến tháng 6.
Thời điểm này, HTC đang cố tạo ra tính năng đặc biệt cho những dòng điện thoại giá rẻ hơn, để tham gia vào một thị trường nhỏ hơn, với biên lợi nhuận thấp hơn. Mackenzie nói rằng: "Thị hiếu điện thoại thông minh của con người đơn giản thay đổi qua thời gian. Người tiêu dùng có mối quan hệ mật thiết với điện thoại của họ hơn so với máy tính cá nhân. Họ luôn tìm kiếm một thứ mới mẻ”.
HTC cũng muốn tiến xa hơn mảng điện thoại bằng cách hợp tác với các công ty như Under Armour để giúp xây dựng công nghệ di động cho các sản phẩm của họ. “Có 2 lựa chọn, hoặc là dễ dàng chán nản khi chứng kiến việc Apple đang chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần. Hoặc là lạc quan rằng mọi thứ trên thế giới này đều được kết nối”.
Khi mở rộng và giá rẻ không thể đảm bảo lợi nhuận. Các công ty bao gồm cả Samsung, Lenonvo và HTC dần rời xa mảng kinh doanh di động ngay cả khi thị trường này đang phát triển cực nhanh. Lý do là bởi họ gặp phải những đối thủ mới nổi tại địa phương với "giá bèo" hơn. Xiaomi có khả năng đánh lui cả 3 công ty tại Trung Quốc và Ấn Độ có hãng điện thoại nội địa Micromax.
McMaster đến từ Cyanogen nói rằng những thị trường bùng nổ như Indonesia và châu Phi cũng sẽ sớm có nhà sản xuất điện thoại riêng. Một vài nhà sản xuất đang gặp khó khăn tin rằng họ có thể có lợi nhuận từ việc bán hàng loạt chiếc điện thoại cấp thấp với giá rẻ. Trong khi những công ty khác như Microsoft và Sony sẽ vấn tiếp tục cuộc chơi để mở rộng phần mềm của họ.
"Thị hiếu điện thoại thông minh của con người đơn giản thay đổi qua thời gian. Người tiêu dùng có mối quan hệ mật thiết với điện thoại của họ hơn so với máy tính cá nhân. Họ luôn tìm kiếm một thứ mới mẻ”.
Ngay cả Apple cũng không né tránh được xu hướng này.
Khoảng 2 tỷ người trên Trái Đất hiện đã có điện thoại thông minh và từ 150 - 200 triệu người sẽ mua chiếc điện thoại đầu tiên của họ trong mỗi 3 năm tới theo EMarketer. Hầu hết những người mua lần đầu sẽ tìm kiếm những dòng sản phẩm tốt nhất với mức giá phải chăng nhất, và mỗi công ty sẽ phải tính toán đến cuộc đua giảm giá.
Những công ty làm ăn phát đạt sẽ là những thương hiệu địa phương có thể xây dựng được các dịch vụ kiếm ra tiền trên chính chiếc điện thoại giá rẻ. “Chúng ta sẽ sớm chứng kiến những thiết bị giá 35 USD ra mắt tại vùng cận sa mạc Sahara trong khoảng 2 năm tới. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Vân Đàm / Bloomberg
Nguồn Trí thức trẻ