Vì sao giá sữa trong nước chưa giảm?

Giá sữa nguyên liệu trên thế giới đang giảm từ 30 - 35%, các doanh nghiệp (DN) sản xuất sữa trong nước gia tăng số lượng đàn bò, khiến người tiêu dùng hy vọng giá sữa sẽ giảm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2015, tổng đàn bò sữa của Việt Nam là 253,7 nghìn con.

Thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho thấy, năm 2014, đàn bò cả nước đạt trên 200.000 con, với tổng lượng sữa ước khoảng 540.000 tấn. Năm 2015, đàn bò sữa tăng lên 237.300 con, năm 2020 xấp xỉ 400.000 và năm 2035 sẽ là 835.000.

Góp phần gia tăng số lượng đàn bò, phải kể đến các trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn của Vinamilk, TH true Milk, HAGL - NutiFood...

Riêng đàn bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và NutiFood có gần 10.000 con, trong đó có hơn 5.000 con cho sữa với sản lượng mỗi ngày hơn 100 tấn.

NutiFood tiết lộ, quý 2/2016, sẽ cho ra 80 triệu lít sữa nước và 10.000 tấn sữa bột, năm 2018 sẽ có thêm 120 triệu lít sữa tươi và 21.000 tấn sữa bột.

Vì sao giá sữa trong nước chưa giảm?

Giá sữa luôn là nỗi bận tâm của các bà nội trợ - Ảnh: Quý Hòa

Trước đó, Công ty CP Sữa Anova (Anova Milk) hợp tác với Tập đoàn Kerry đầu tư 50 triệu USD xây dựng trang trại bò sữa và nhà máy sản xuất sữa bột tại Ireland để nhập về bán tại Việt Nam.

Với việc chủ động nguồn nguyên liệu, NutiFood công bố giá sữa tươi Nuti 100% sẽ rẻ hơn giá sữa cùng loại 3.000 đồng/lít.

Bà Võ Thúy Anh - Tổng giám đốc Công ty Anova Milk, khẳng định: "Sẽ giữ nguyên giá bán sữa bột trong vòng hai năm với mặt bằng giá thấp hơn 15 - 20% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại".

Việc tự chủ nguồn cung của ngành sữa khả quan, lại thêm giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đang giảm mạnh, đặc biệt tại Australia, với biên độ giảm từ 30 đến 35%; giá nguyên liệu sữa bột gầy, sữa nguyên kem tại hai thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Australia và Tây Âu cũng giảm khoảng 20% khiến người tiêu dùng hy vọng giá sữa trong nước sẽ giảm.

Tuy nhiên, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại khẳng định, giá sữa sẽ không giảm đến hết năm 2016, nếu không có yếu tố bất thường.

Theo lý giải của đại diện Cục Quản lý giá, sữa thành phẩm cho trẻ dưới 6 tuổi còn chịu tác động của nhiều yếu tố như tăng chi phí đầu vào (điện, nước, lương tối thiểu) và biến động tỷ giá.

Đơn cử, giá điện tăng 7,5% từ tháng 3/2015 cũng khiến chi phí sản xuất sữa bị đội lên, trong khi DN đang phải áp giá trần nên không được tăng giá.

Vì sao giá sữa trong nước chưa giảm?Các DN sản xuất sữa trong nước cũng cho rằng, giá nguyên liệu sữa giảm không có nghĩa giá sữa cũng giảm.

Bà Phạm Thị Ngọc Oanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hanco, cho biết: "Từ nay đến cuối năm, nguyên liệu sữa sẽ tăng, bằng chứng là hiện tại các đối tác nhập khẩu của Hanco tại New Zealand đã báo giá nguyên liệu đang tăng và Hanco đang phải thương lượng giá”.

Bà Oanh cũng chia sẻ thêm, giá nguyên liệu giảm là mức giá chào bán hiện tại, trong khi các sản phẩm của các nhà sản xuất sữa được tính trên giá thành nhập khẩu nguyên liệu từ trước đó.

Cập nhật thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy hiện Việt Nam đang nhập nguyên liệu sữa từ 25 quốc gia, gồm bột whey, sữa bột gầy và nguyên kem... nhưng có loại giảm, có loại vẫn tăng, chứ không phải loại nào cũng giảm.

Giá nhập khẩu sữa thành phẩm về Việt Nam của các công ty từ tháng 6/2014 cho đến nay vẫn ổn định.

Bà Oanh khẳng định: "Tuy giá sữa bán ra không giảm nhưng thực tế nhiều sản phẩm có chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng".

Lý giải thêm việc giá sữa trong nước không giảm, đại diện một DN sản xuất sữa cho rằng: Mặc dù giá nguyên liệu sữa thế giới giảm nhưng sản lượng thu mua sữa nguyên liệu của nông dân vẫn tăng, đặc biệt giá thu mua không giảm để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi bò sữa nhằm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu trong tương lai".

Đại diện Vinamilk, cho biết: "Giá thu mua nguyên liệu của Vinamilk với nông dân vẫn ổn định từ nay đến hết năm 2015. Vì vậy, việc giảm giá sữa cần phải có lộ trình và các DN cũng phải cân nhắc thời điểm chứ không phải thấy thế giới giảm mà DN trong nước giảm được ngay, bởi giá thành sữa nguyên liệu Việt Nam còn khá cao so với thế giới, thêm vào đó, DN sữa trong nước đang phải thực hiện chính sách kiểm soát trần giá sữa của Nhà nước".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Những can thiệp hành chính vào giá sữa đều không thành công

Vì sao giá sữa trong nước chưa giảm?Không riêng với mặt hàng sữa mà xăng dầu hay cước vận tải cũng vậy.

Khi giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng lên rất nhanh nhưng khi giá thế giới giảm thì việc điều chỉnh giảm rất chậm.

Người tiêu dùng đòi hỏi sự công bằng là chính đáng và phù hợp với cơ chế thị trường.

Vấn đề ở đây là sự minh bạch và sự đảm bảo các quy định của Luật Giá.

Theo đó, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, giảm thì giá sản phẩm cũng phải thay đổi ở mức tương ứng.

Về mặt chính sách, giá sữa chịu sự điều chỉnh của Luật Giá và các văn bản, thông tư dưới Luật, vấn đề ở chỗ thực thi chưa sát chính sách.

Thực tế cho thấy, những biện pháp hành chính can thiệp vào giá sữa như đăng ký giá hay bình ổn giá đều không thành công. Các cơ quan quản lý phải có giải pháp khác cho vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Lựa chọn là một trong 8 quyền của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, nếu trên thị trường có nhiều hàng hóa, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhiều hơn.

Điều cần quan tâm là tình trạng độc quyền hoặc một doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Hiện Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang điều tra về việc lợi dụng thị phần chi phối để thao túng thị trường.

Trình Tiêu ghi

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn