Cuộc chiến vùng nguyên liệu sữa

Các doanh nghiệp sữa đang so kè nhau gay gắt trong lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu nuôi bò sữa – yếu tố quyết định tới chất lượng sản phẩm sữa.

Cuộc đua đang đến hồi gay cấn trên các “mặt trận” tài chính, công nghệ, quản trị… bởi doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nguyên liệu sữa tươi mới có thể giành phần thắng trên thị trường. Tuy nhiên, mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng sữa, nhưng thị phần sữa nước vẫn tăng trưởng tốt với tỷ lệ trên hai con số. Trong khi đó, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chọn lọc khắt khe hơn

Mạnh vì tiền

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, sản lượng sữa tươi của cả nước năm 2014 đạt khoảng 550 triệu lít, trong đó 450 triệu lít đưa vào sản xuất sữa tươi, phần còn lại sử dụng cho sữa chua, trong khi tổng nguồn cung sữa nước ra thị trường lên tới 914 triệu lít. Như vậy, sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường. Nhu cầu sữa tươi sẽ không dừng lại, do mức bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam mới chỉ đạt 15 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm).
Chính vì thế, nguồn nguyên liệu sữa tươi sẽ là điểm tựa cho chiến lược cạnh tranh trong phân khúc này. Nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Thị trường đang chứng kiến những động thái tăng tốc xây dựng trang trại nuôi bò sữa của hai tên tuổi lớn là Vinamilk và TH Milk.

Cuộc chiến vùng nguyên liệu sữa

Là doanh nghiệp sữa lớn từ năm 2007, Vinamilk đã tung ra sản phẩm sữa tươi Vinamilk UHT có thành phần 100% nguyên liệu sữa tươi, nhằm thu hút người tiêu dùng. Khi đó, thị trường còn chưa cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cộng với thương hiệu sữa Vinamilk đã giúp doanh nghiệp này đạt được thành công nhất định nhờ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa.

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi là chiến lược phát triển dài hạn và bền vững cho Vinamilk. Năm 2006, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong phát triển trang trại bò sữa với quy mô công nghiệp hiện đại nhất lúc bấy giờ với số tiền đầu tư 500 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất. Tính đến cuối năm 2014, Vinamilk có 7 trang trại bò sữa đi vào hoạt động với tổng đàn bò được họ tự công bố là 11.000 con. Ngoài ra, Vinamilk đang triển khai thêm hai dự án trang trại bò sữa khổng lồ tại Tây Ninh với quy mô 8.000 con và Thống Nhất – Thanh Hóa là 25.000 con. Sự tăng tốc phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi của doanh nghiệp này đi cùng với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Bắt đầu đầu tư trang trại bò sữa vào năm 2006, trong cùng năm đó Vinamilk đạt doanh thu 6.245 tỷ đồng, trong khi đến năm 2014, doanh thu tăng lên 34.976 tỷ đồng. Theo bà Mai Kiều Liên, nuôi bò sữa đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, dễ gặp rủi ro với lãi suất biến động thất thường. Thực tế, sau khi Vinamilk xây trang trại bò sữa đầu tiên vào năm 2006, họ đã mất tới 3 năm để hoàn vốn và đến năm 2009 mới khởi động tiếp các dự án nuôi bò sữa khác.

Dự báo nhu cầu sữa của Việt Nam trong tương lai sẽ đạt khoảng 21 lít/người vào năm 2015 và 34 lít/người vào năm 2020.

Khác với Vinamilk, TH Milk chọn mô hình đầu tư trang trại nuôi bò sữa với vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD và công nghệ được chuyển giao từ Israel, trước khi sản xuất ra sản phẩm sữa tươi trên thị trường. Chiến lược của TH Milk, nói nôm na là chấp nhận đầu tư tốn kém nhằm đạt đến mục tiêu chăn nuôi quy mô công nghiệp. Vùng nguyên liệu nuôi bò của TH lên đến 10.000 ha, đủ cung cấp thức ăn cho hơn 30.000 con bò. Tại các trang trại chăn nuôi, bò được chăm sóc theo kỹ thuật hiện đại, được gắn chip điện tử theo dõi từng cá thể. Bò được vắt sữa từ hệ thống tự động và chuyển thẳng đến nhà máy sản xuất. Với quy trình khép kín “từ đồng cỏ tới bàn ăn”, TH Milk đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình và định hình thông điệp “sữa sạch” trong tâm trí người tiêu dùng – điều mà Vinamilk dù đi trước rất lâu, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội.

Bắt đầu xây dựng trang trại bò sữa từ năm 2009, hiện TH Milk đã có đàn bò tổng cộng 65.000 con với năng suất sữa bình quân 40 lít/con/ngày. Số tiền đầu tư 350 triệu USD chưa phải là điểm dừng, vì đây là con số ban đầu trong tổng số đầu tư dự tính lên đến 1,2 tỷ USD, khi định hướng đến năm 2017 TH Milk sẽ tăng số lượng đàn bò lên tới 137.000 con. Khi hoàn tất mục tiêu này, tính riêng TH Milk đã cung cấp 50% nguyên liệu sữa tươi cho cả nước. Vì thế, các chuyên gia ước tính, khi có sự chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi với số lượng cực lớn, TH Milk sẽ có khả năng soán ngôi đầu bảng của Vinamilk.

Góp gió thành bão

Góp mặt trong cuộc đua này còn có IDP, một doanh nghiệp trước đây hoạt động theo mô hình gia đình, quy mô nhỏ. IDP được biết đến với thương hiệu sữa tươi Ba Vì, chủ yếu phân phối sữa tươi ở các tỉnh miền Bắc. Tham vọng của IDP khá lớn, khi muốn phủ sóng thương hiệu Ba Vì trên cả nước và cạnh tranh thị phần với các ông lớn. Với chiến lược phát triển sữa tươi gắn liền với thông điệp “nông trại”, gần như áp dụng nguyên xi cách làm của TH Milk – nơi Tổng giám đốc Trần Bảo Minh của IDP đã từng điều hành, nhưng không thành công – với thông điệp “sữa sạch”, IDP đã xây dựng chương trình “Phát triển nông trại bò sữa Việt Nam” từ Bắc đến Nam nhằm phát triển thương hiệu Love’in Farm gắn liền với với nông dân cả nước, thay vì chỉ hỗ trợ cho nông dân Ba Vì.

Cuộc chiến vùng nguyên liệu sữaMục tiêu của IDP đủ lớn để gây tiếng vang, nhưng thực tế lại là câu chuyện khác bởi họ cần có nguồn tiền đầu tư lớn. Theo ông Trần Bảo Minh, khi không có đủ nguồn lực thì không thể hỗ trợ nông dân nuôi bò cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đó là lý do sau một thời gian “tiến quân” vào thị trường TP.HCM, nhưng chưa thành công như mong muốn, IDP đã “bán mình” cho Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý và Daiwa PI Partners thuộc Daiwai Securities Group (Nhật Bản) vào cuối năm 2014. Nhờ đó, họ nhận được khoản đầu tư mới 45 triệu USD. Theo IDP, khoản đầu tư này sẽ được dùng để xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh, ngoài ra còn để cụ thể hóa chiến lược phát triển vùng nguyên liệu trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2020. Hiện nay, IDP vẫn tiếp tục hợp tác thu mua sữa tươi từ đàn bò của các nông hộ với quy mô khoảng 50.000 con.

Bên cạnh các tên tuổi lớn ở trên, một số doanh nghiệp nhỏ hơn như Mộc Châu, Long Thành và Hà Nội Milk cũng rục rịch đầu tư cho vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, tương ứng với thị phần chiếm giữ còn rất nhỏ của các doanh nghiệp này trên thị trường, chỉ khoảng từ 2 – 5% nên việc đầu tư vùng nguyên liệu của họ cũng ở mức độ khiêm tốn. Chẳng hạn, Hà Nội Milk xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa ở Mê Linh với diện tích 61,4 ha và tổng đàn bò từ 1.000 – 2.000 con. Đây là quy mô chăn nuôi nhỏ, nguồn cung sữa tươi vừa đủ đáp ứng đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Tổng mức đầu tư mà Hà Nội Milk chi ra không quá lớn, khoảng 288 tỷ đồng bằng nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi. Long Thành đã có thương hiệu sữa tươi khá lâu đời, nhưng quy mô vùng nguyên liệu chỉ trong vòng vài nghìn con bò sữa.

Theo các chuyên gia, với mức độ phát triển vùng nguyên liệu nhỏ thì các doanh nghiệp này chỉ có thể chiếm được thị phần ở mức độ địa phương, chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Bài toán liên kết

Việc đầu tư vùng nguyên liệu sữa tươi khá tốn kém và đòi hỏi quỹ đất lớn. Phương thức đầu tư bằng cách bắt tay hợp tác giữa các bên có thế mạnh riêng đang là xu hướng nổi trội và phù hợp với cách làm tại Việt Nam. Friesland Campina Việt Nam (FCV), một doanh nghiệp ngoại có mặt gần 20 năm tại thị trường Việt Nam chỉ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi bằng cách hợp tác với nông dân. Phương thức hợp tác là FCV cung cấp giống, kỹ thuật nuôi và xây dựng các trạm thu mua toàn bộ nguyên liệu sữa tươi mà nông dân sản xuất ra. Tuy nhiên, cách làm này khiến FCV đối mặt với việc quản lý khá phức tạp dễ dẫn đến đứt đoạn mối liên kết, chưa kể năng suất sữa tươi không ổn định, dễ bị đối thủ “hớt váng”.

Cuộc chiến vùng nguyên liệu sữa

Thấy được các rủi ro đó, gần đây FCV tăng tốc phát triển vùng nguyên liệu bằng chiến lược xây dựng “vùng chăn nuôi bò sữa bền vững” theo hình thức công tư. Theo đó, FCV muốn tạo ra những trang trại với quy mô nuôi lớn và vẫn đảm nhiệm việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống bò, kỹ thuật nuôi… Đổi lại, Nhà nước cung cấp vùng đất phù hợp với điều kiện chăn nuôi bò sữa và các ngành phụ trợ, được quy họach ổn định lâu dài với những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp. FCV đã có sự hợp tác đầu tiên với chính quyền tỉnh Hà Nam và dự kiến đến năm 2018 sẽ xây dựng được ba vùng chăn nuôi bò sữa tập trung. Trong đó, mỗi vùng sẽ có khoảng 50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu tấn sữa mỗi năm.

Vinamilk cũng kết hợp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Mặc dù đang nỗ lực xây dựng các trang trại bò công nghiệp ở quy mô lớn, nhưng nguồn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất lại đến từ mô hình liên kết, chiếm 80%. Năm 2014, Vinamilk đã thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông hộ là 154.455 tấn, trong tổng số 183.912 tấn sữa nguyên liệu có được. Đến thời điểm hiện nay, Vinamilk vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của chiến lược phát triển vùng nguyên liệu bằng cách hợp tác với nông dân. Hỗ trợ cho điều đó, Vinamilk đã gia tăng số trạm thu mua nguyên liệu lên đến con số 45, gấp đôi so với năm 2013. Không chỉ dừng ở đây, vào cuối năm 2014, Vinamilk đã liên kết với Đức Long Gia Lai (DLG) nuôi 80.000 con bò sữa. DLG chịu trách nhiệm nuôi bò, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuồng trại, vùng cỏ, trong khi đó Vinamilk đảm nhiệm nhập con giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

Gần đây nhất là sự hợp tác đáng gờm giữa hai doanh nghiệp là Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cùng xây dựng vùng nguyên liệu với tổng đàn bò sữa lên đến 120.000 con. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL, trong chăn nuôi bò sữa, sức cạnh tranh chủ yếu nằm ở quỹ đất và thức ăn. Hiện nay, HAGL đã có sẵn quỹ đất lớn tại Lào và Campuchia. Về thức ăn, HAGL tận dụng được phụ phẩm từ cây trồng mía, bắp, đang được đầu tư tại đây, chưa kể nguồn đất sẵn có trồng cỏ lên đến 30.000 ha. Ông Đức tin rằng, với những lợi thế này, HAGL sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu giá rẻ và giúp Nutifood kinh doanh thắng lợi trên thị trường sữa tươi.

Cuộc chiến vùng nguyên liệu sữa

Bà Mai Kiều Liên cũng có quan điểm tương tự ông Đức. Bản thân bà Liên cũng phải đích thân đi “săn” đất, nhưng vẫn rất khó tìm thấy quỹ đất phù hợp để nuôi bò sữa tại Việt Nam.

Tuy nhiên với thương hiệu lớn và uy tín, cả Vinamilk lẫn TH Milk mới đây đã được chính quyền tỉnh Thanh Hóa chào đón đầu tư, bằng cách cấp đất xây dựng vùng nguyên liệu nuôi bò với tổng đàn lên đến hàng chục nghìn con (Vinamilk đầu tư 25.000 con bò, còn TH Milk là 20.000 con).

Việc xây dựng trang trại của Vinamilk không chỉ gói gọn trong nội địa mà còn vươn ra nước ngoài. Những động thái M&A liên tục của Vinamilk đang hiện thực hóa điều này. Trong một thông báo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014, vào tháng 7/2015 Vinamilk sẽ công bố việc mua lại một doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Mai Kiều Liên từng tuyên bố, sẽ không để mất một phần trăm thị phần nào, nhưng liệu sự cạnh tranh quyết liệt của đối thủ lớn nhất TH Milk có ảnh hưởng tới thị phần sữa tươi của Vinamilk hay không? Ở chiều ngược lại, các đối thủ của Vinamilk vốn nhăm nhe tiếm ngôi của Vinamilk cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho vùng nguyên liệu. Cuộc chiến này được dự báo sẽ còn tiếp tục nóng trong tương lai.

Minh Khang
Nguồn Doanh Nhân Online