Pinaco lấy đà chạy đua với sản phẩm ngoại
Kết quả tích cực trong hai năm gần đây cho thấy, Pinaco đã tìm ra lối thoát trước áp lực lớn của hàng nhập khẩu cũng như những “tay chơi” FDI.
Đà tăng đã xuất hiện khi Công ty Cổ phần Pin ắc-quy miền Nam (Pinaco) cán mốc doanh thu 2.000 tỉ đồng vào năm 2014, vượt qua mức đỉnh 2011 và chấm dứt giai đoạn suy giảm 2012-2013. Lợi nhuận sau thuế cũng đồng thời được cải thiện.
Chất lượng là lối thoát
Pinaco (mã .PAC) hiện đang sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng và lâu đời tại Việt Nam, pin con ó và ắc quy Đồng Nai. Trong đó, ắc quy đóng góp hơn 80% doanh thu và hơn 90% lợi nhuận.
Là doanh nghiệp nhà nước, ngoài thương hiệu lâu đời, Pinaco dễ dàng thiết lập hệ thống phân phối khắp cả nước. Ban đầu, Pinaco chiếm gần như toàn bộ thị trường, nhưng khi Việt Nam mở cửa, Pinaco phải san sẻ thị phần và đối mặt với cạnh tranh. Một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Pinaco là GS Yuasa (Nhật), gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1997. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Pinaco khó khăn hơn vì phải cạnh tranh với các loại sản phẩm pin, ắc quy nhập khẩu được ưu đãi thuế quan và có chất lượng tốt hơn.
GS Yuasa, với lợi thế “ông lớn” trong ngành, thường xuyên đi trước Pinaco một bước về mặt sản phẩm. Khi Pinaco còn tập trung vào dòng ắc quy ướt, thì GS Yuasa tung ra ắc quy khô (kín) và sau đó là ắc quy miễn bảo dưỡng, có ưu điểm tốt, bền hơn nên người tiêu dùng không cần phải quan tâm chăm sóc như loại bình ướt. Trong bối cảnh đó, Pinaco cạnh tranh chủ yếu bằng chiết khấu thương mại nên thua thiệt: giá bán của Pinaco dù thấp hơn nhưng người tiêu dùng vẫn chủ yếu lựa chọn theo chất lượng bởi họ cần một nguồn điện hoạt động ổn định.
Khó có thống kê chi tiết nhưng có thể nhận thấy, Pinaco đang mất dần thị phần. Theo chia sẻ của vị đại diện GS Yuasa năm 2013, thị phần lúc bấy giờ của họ là 40%. Trong khi hiện tại, Pinaco nắm giữ 55-60% thị trường miền Nam và 40% thị trường miền Bắc, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPTS.
Tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Pinaco giảm dần từ năm 2009 cho đến nay, từ mức gần 42% về còn quanh mốc 12% trong 2 năm 2012 và 2013. “Kết quả kinh doanh giảm sút trong những năm gần đây phần nào do tác động của nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự thất thế của Pinaco trong cạnh tranh, ngày một gia tăng sức ép từ các sản phẩm ngoại nhập”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Để mở lối thoát, Pinaco quyết định chạy đua về mặt chất lượng sản phẩm. Năm 2011, Pinaco xây dựng nhà máy ắc quy Đồng Nai 2 ở Nhơn Trạch, nhập khẩu công nghệ và máy móc từ Nhật; và rồi sau đó, nhiều loại ắc quy mới liên tục được tung ra.
Kết quả kinh doanh dần tích cực và đặc biệt cải thiện trong phân khúc OEM, sản suất ắc quy cho xe hơi và xe máy. Năm 2014, Pinaco đã ký thêm hợp đồng với Yamaha và Piaggio. Như vậy, Pinaco hiện đang cung cấp ắc quy cho các hãng Honda, Yamaha và Piaggio (chiếm tổng cộng 93,5% sản lượng xe máy thị trường Việt Nam). Mảng OEM đối với xe hơi cũng có những điểm sáng. Pinaco đã nhận được Chứng nhận Toàn cầu Q1 từ hãng xe Ford, đồng nghĩa với việc ắc quy Pinaco có thể được cung cấp cho Ford ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo số liệu của FPTS, Pinaco hiện chiếm 80% thị phần ở phân khúc OEM.
Mặc dù đạt được một số thành công, nhưng mảng OEM mới chỉ chiếm 7% trong cơ cấu doanh thu của Pinaco, theo thống kê của FPTS. Trên thực tế, các hãng ắc quy luôn cố gắng chen chân vào OEM để nâng cao vị thế cho sản phẩm và tạo đà cho thị trường thay thế đi sau, nghĩa là bán trực tiếp ắc quy cho người dùng để thay thế những bình ắc quy đã hư, cũ.
Rõ ràng sau khi cải thiện chất lượng, Pinaco đã có thêm lợi thế cạnh tranh. Theo thống kê của FPTS, giá ắc quy các loại của Pinaco đều thấp hơn của GS Yuasa. Tuy nhiên, Pinaco vẫn đang phải chạy đua về công nghệ với các hãng nước ngoài. Gần đây, GS Yuasa đã ra mắt dòng ắc quy E mới với nhiều ưu điểm vượt trội.
Cải tổ để giữ đà
Nối tiếp đà tăng trưởng trong năm 2014, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2015 của Pinaco khá tốt. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.092 tỉ đồng và 62,65 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt ở mức 15% và 44,59% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng cao kể trên một phần đến từ yếu tố khách quan. Pinaco được hưởng lợi từ việc lượng xe ô tô bán ra trong thời gian gần đây tăng mạnh và việc nguồn cung ắc quy nhập khẩu bị hạn chế trong năm 2014, do gặp điều tra về việc khai sai thuế nhập khẩu. Chính vì thế, doanh thu của Pinaco từ đầu năm 2014 tới nay tăng trưởng tốt. Còn lợi nhuận, theo giải trình của Pinaco, đó là nhờ giá chì, kẽm (chiếm phần lớn nguyên vật liệu) tiếp tục giảm. Theo Bộ phận nghiên cứu SSI, giá chì tiếp tục giảm 10,5% so với năm 2014. Có xuất khẩu (chiếm tỉ lệ 20%) nhưng định hướng của Pinaco vẫn là tập trung vào thị trường nội địa.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2015 của Pinaco lần lượt đạt 1.092 tỉ đồng và 62,65 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt ở mức 15% và 44,59% so với cùng kỳ.
Sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo cấp cao của Pinaco đang tạo ra nhiều sự kỳ vọng. Tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 vừa qua, ông Lâm Thái Dương lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, còn vị trí Tổng Giám đốc vẫn do ông Trần Thanh Văn đảm nhiệm. Trong khi ông Văn gắn bó lâu với ngành ắc quy, ông Dương được biết đến với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần DAP-Vinachem (Hải Phòng) có số vốn điều lệ 1.461 tỉ đồng, lớn hơn nhiều lần so với Pinaco. DAP-Vinachem là công ty sản xuất phân bón vừa cổ phần hóa trong năm 2014 và thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (hiện sở hữu 64%).
Hiện nay, cổ đông nhà nước vẫn giữ vai trò quyết định trong chiến lược của Pinaco, do đang sở hữu trên 52%. So với khu vực tư, cơ chế quản trị theo kiểu nhà nước thường phản ứng và thay đổi chậm hơn. Tuy nhiên, kết quả tích cực trong hai năm gần đây cho thấy, Pinaco đã tìm ra lối thoát trước áp lực lớn của hàng nhập khẩu cũng như những “tay chơi” FDI.
Và có lẽ đã đoán trước cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới, Pinaco quyết định dành sức để làm pin, ắc quy. Cụ thể, rút khỏi thị trường bất động sản, Pinaco đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Việt Gia Phú, một công ty con sở hữu dự án Trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng.
Thanh Long
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư