Truyền thông hiệu quả như thức uống có cồn

Dù đã dành nguồn ngân sách quảng cáo không nhỏ nhưng các công ty bia vẫn có cách truyền thông rất đáng để các doanh nghiệp (DN) ngành khác học hỏi.

Nam được đánh giá là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức tiêu thụ bia và nằm trong top đầu danh sách 25 nước có lượng bia tiêu thụ cao nhất thế giới. Hiện nay, bia cũng là mặt hàng có sức tăng trưởng cao nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Theo Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2012, cả nước đã dùng đến 3 tỷ lít bia (tương đương 3 tỷ USD). Năm 2014, lượng bia tiêu thụ tăng lên 3,1 tỷ lít. Dù nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này luôn tăng nhưng các nhà sản xuất, DN phân phối bia vẫn không giảm ngân sách quảng bá.

Thay vì làm những chương trình khuyến khích uống nhiều bia để bán được nhiều hàng, các nhà sản xuất loại thức uống có cồn này lại kêu gọi... "uống có trách nhiệm". Trong những ngày đầu tháng 9, các hoạt động "uống có trách nhiệm" diễn ra rầm rộ tại nhiều tỉnh, thành.

Truyền thông hiệu quả như thức uống có cồn

Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) có ngày hội "Uống chừng mực cho cuộc vui trọn vẹn" nhằm lan tỏa văn hóa uống có trách nhiệm trong cộng đồng.

Những thông tin bổ ích về lợi ích của việc uống chừng mực cũng như những hậu quả của việc lạm dụng thức uống có cồn được truyền tải một cách dễ hiểu, dễ nhớ thông qua những trò chơi tập thể vui nhộn và giao lưu trực tiếp với chuyên gia tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng - bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Các hoạt động của VBL không chỉ tổ chức ở TP.HCM mà "lan ra" các tỉnh, thành có văn phòng, nhà máy của VBL (Đà Nẵng, Cần Thơ, Tiền Giang, Khánh Hòa).

Cũng như VBL, những ngày qua, nhân viên Công ty Anheuser-Busch InBev (AB InBev) tại Việt Nam đã đến các siêu thị, điểm bán lẻ và nhà hàng ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Bình Dương tuyên truyền ý thức uống có trách nhiệm đến người tiêu dùng thông qua tờ rơi, quà tặng, mạng xã hội...

Không chỉ ở Việt Nam, các hoạt động "uống có trách nhiệm" còn diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Heineken, việc tuyên truyền "uống có trách nhiệm" được xác định là một trong những lĩnh vực tập trung chính yếu hướng tới xây dựng "văn hóa uống bia" trong cộng đồng.

Truyền thông hiệu quả như thức uống có cồn

Năm nay, dự kiến có hơn 40.000 nhân viên Heineken cùng hàng nghìn đại lý và khách hàng tại hơn 50 thị trường trên thế giới cùng tham gia hoạt động "uống có trách nhiệm". Việc này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của tập đoàn này đối với việc chung tay giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng thức uống có cồn và thúc đẩy văn hóa uống chừng mực.

Trên thế giới, năm 2015 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Ngày hội uống bia có trách nhiệm khi 3 nhà sản xuất bia hàng đầu là Anheuser-Busch InBev, Carlsberg và Heineken cũng như các nhà sản xuất bia tại các nước và các tổ chức, hiệp hội bia quyết định chung tay tổ chức ngày này.

Dự kiến năm nay, AB InBev và các nhà sản xuất bia tham dự chương trình sẽ huy động gần 60.000 nhân viên tại 62 quốc gia tham gia chương trình. Những sáng kiến, thông điệp khuyến khích uống có trách nhiệm, không uống khi chưa đủ tuổi đang được truyền tải đến người tiêu dùng và đơn vị bán hàng thông qua các buổi tập huấn và các chiến dịch cụ thể.

Mục tiêu của chương trình là tiếp cận trực tiếp hơn 1 triệu người tiêu dùng, gần 1 triệu điểm bán lẻ và 10 triệu người dùng thông qua các hoạt động truyền thông.

Truyền thông hiệu quả như thức uống có cồn

Tại Mexico, thông qua hoạt động "Mexican Beer Chamber", AB InBev và các nhà sản xuất bia đã cho hơn 200 ngàn điểm bán lẻ, họ yêu cầu mọi người xuất trình chứng minh thư trước khi mua hàng. Năm 2014, hãng này hợp tác với các nhà sản xuất bia thực hiện chiến dịch kêu gọi cam kết không bán sản phẩm cho người chưa đủ tuổi, khá thành công.

Tại Brasil, hơn 8 ngàn nhân viên của AB InBev và các đối tác khởi xướng hoạt động "Dia de Responsa", kêu gọi ngăn ngừa tình trạng uống bia khi chưa đủ tuổi, dự kiến sẽ tiếp cận 250 ngàn điểm bán lẻ và hơn 2,5 triệu người tiêu dùng.

Còn ở Nga đã phát động chương trình giúp người bán kiểm tra chứng minh thư của người mua bia, nhằm đưa thông điệp uống bia có trách nhiệm đến với 80 ngàn nhà phân phối và hơn 500 ngàn người tiêu dùng.

Mặc dù biết uống nhiều rượu bia không tốt cho sức khỏe nhưng thông qua những chương trình thiết thực này, người tiêu dùng vẫn có thiện cảm với... bia. Truyền thông hiệu quả như thế, không phải DN nào cũng làm được.

Lê Vân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn