CEO Charles & Keith: Thành công nhờ triết lý “nghĩ lớn và không sợ thất bại”
Ở tuổi 39, Charles Wong, CEO của thương hiệu Charles & Keith đang nắm trong tay công ty trị giá hàng triệu USD với hơn 300 cửa hàng trên toàn thế giới.
Charles & Keith không chỉ là thương hiệu yêu thích của nhiều phụ nữ Singapore và dường như cũng không còn xa lạ với những tín đồ thời trang giày dép, túi xách trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Charles Wong bắt đầu công việc kinh doanh từ năm 1996 với một cửa hàng nhỏ tại Trung tâm mua sắm Amara. Kể từ đó, Charles & Keith đã phát triển lớn mạnh bất chấp sự cạnh tranh của các thương hiệu lớn và gây dựng được hệ thống hơn 300 cửa hàng trên toàn thế giới.
Không chỉ vậy, thành công của Charles & Keith còn khiến “gã khổng lồ” trong ngành thời trang cao cấp của Pháp Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) phải để mắt tới. Hiện tại, LVMH đang nắm giữ 20% cổ phần của Charles & Keith, theo Vulcanpost.
Chia sẻ về thành công trong kinh doanh, doanh nhân trẻ Charles Wong gói gọn trong 6 bí quyết dưới đây:
1. Không gì nhạy bén bằng bản năng kinh doanh tự nhiên
Trong suy nghĩ của người Singapore nói chung, thành công thường gắn liền với một nền tảng giáo dục tuyệt vời, nhưng Charles Wong lại có một khởi điểm khó khăn. Không giống như người em trai của ông -Keith Wong - người duy nhất trong gia đình được học đại học, Charles còn chưa lấy được chứng chỉ “O” (kết quả của kỳ thi “O” với các môn thi Toán, Lịch sử và Kinh thánh là căn cứ để xét tuyển vào các chương trình giáo dục cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở).
Mặc dù vậy, Charles đã bắt đầu gây dựng Charles & Keith ở tuổi 22. Người em trai Keith tham gia vào công việc kinh doanh cùng anh trai muộn hơn hai năm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Dù không được học hành bài bản nhưng Charles và Keith đã dần xây dựng công ty từ một cửa hàng nhỏ thành doanh nghiệp hàng triệu USD - và họ còn có kế hoạch mở rộng hơn nữa. Thành công của Charles chính là minh chứng tuyệt vời cho thấy tinh thần doanh nhân và bản năng kinh doanh nhạy bén sẽ giúp nhiều người tiến xa trong cuộc sống, miễn là họ nỗ lực.
Charles Wong từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn về bí quyết thành công của ông chính là “nghĩ lớn và không sợ thất bại ngay cả khi bạn không thành công từ lần nỗ lực đầu tiên".
2. Kinh nghiệm kinh doanh của cha mẹ thực sự đáng để học hỏi
Trước khi gây dựng thương hiệu Charles & Keith, Charles và Keith Wong từng giúp mẹ kinh doanh cửa hàng giày ở Ang Mo Kio. Trong thời gian này Charles đã học hỏi được những kinh nghiệm để điều hành một doanh nghiệp giày thành công và nuôi dưỡng khát vọng mở doanh nghiệp của riêng mình.
Trong khi mẹ ông muốn đóng cửa cửa hàng giày đang kinh doanh ế ẩm, thì Charles lại quyết tâm vực dậy. Sau khi tiếp quản cửa hàng giày, ông cố gắng xoay chuyển tình thế, tích lũy từng đồng tiền kiếm được đồng thời không ngại lăn xả vào những thử thách bằng sức trẻ.
Những kinh nghiệm này cuối cùng đã trở thành những kỹ năng cần thiết để ông vận dụng vào công ty sau này.
3. Tìm ra và phát huy tốt nhất lợi thế của bản thân
Điều hành một doanh nghiệp kinh doanh giày cũng giống như một giọt nước giữa đại dương bao la - không có nhiều cách để trở nên nổi bật. Từng đau đầu trước sự mờ nhạt của doanh nghiệp mình, Charles nhận ra rằng mình phải tìm cách để trở nên khác biệt so với đông đảo các đối thủ cạnh tranh.
Sau khi nói chuyện với khách hàng, ông phát hiện ra rằng bán giày mua lại từ các nhà cung cấp bán buôn không thể đáp ứng đủ các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Muốn doanh nghiệp tồn tại, mọi thứ cần phải thay đổi.
"Rất nhiều lần khách hàng gửi cho tôi thông tin phản hồi về thiết kế họ muốn và tôi gửi lại các ý kiến này tới các nhà cung cấp. Nhưng họ không thể cung cấp những mẫu thiết kế mà khách hàng mong muốn. Ngoài ra, mức giá mà họ đưa ra không đủ sức cạnh tranh", ông chia sẻ trên tạp chí Forbes.
Điều này khiến anh em Charles càng thêm quyết tâm thiết kế các mẫu giày của riêng mình vào cuối năm 1997. Trong vòng ba năm, tất cả các mẫu giày Charles & Keith đều do hãng tự thiết kế hoàn toàn, đó là lợi điểm bán hàng lớn khiến Charles & Keith khác biệt hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Đến nay, đội ngũ thiết kế gồm 70 người của Charles & Keith có khả năng tạo ra hơn một ngàn mẫu giày và phụ kiện mới mỗi năm, đồng thời tạo một mẫu giày hoặc phụ kiện mỗi ngày cho thương hiệu Pedro, theo Forbes.
4. Khó khăn của người khác có thể là cơ hội của bạn
Khi nền kinh tế Singapore phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Charles lại coi đó là cơ hội để thúc đẩy việc kinh doanh theo một hướng đi mới.
"Chúng tôi nhìn thấy cơ hội làm việc trực tiếp với một số nhà máy để giành thêm quyền kiểm soát trong quá trình thiết kế cũng như sản xuất. Chúng tôi tạo ra các mẫu thiết kế dựa trên phản hồi của khách hàng và chúng tôi nhận ra rằng nếu hiểu rõ những gì khách hàng mong muốn, mỗi mùa chúng tôi đều có thể tạo ra những sản phẩm thú vị", Charles Wong chia sẻ với LuxuryInsider.
Mặc dù nền kinh tế Singapore vẫn trong tình trạng ảm đạm nhưng Charles & Keith đã không nản lòng, và nắm lấy cơ hội để phát triển. Với định hướng mới, họ đã thu hút được sự chú ý của các khách hàng nữ nữ, với kiểu dáng mới mẻ, dẫn đầu xu hướng thời trang và giá cả phải chăng - một điểm cộng trong thời điểm kinh tế suy thoái.
5. Hãy là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chính mình
Nhiều người không biết rằng Charles và Keith cũng sở hữu cả hệ thống cửa hàng giày Pedro. Mặc dù ban đầu các cửa hàng này tập trung vào đối tượng khách hàng nam như một nỗ lực để tạo ra thương hiệu Charles & Keith của nam, nhưng sau đó Pedro đã dần mở rộng và chuyển hướng sang bán cả các thiết kế dành cho nữ. Điều này đặt Pedro vào thế cạnh tranh trực tiếp với Charles & Keith, với hệ thống cửa hàng được đặt gần nhau.
Mặc dù mỗi thương hiệu có sự khác biệt riêng (Pedro hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng sang trọng hơn), nhưng cả hai thương hiệu đều thành công trong việc tạo sức hút tại thị trường địa phương. Đó là cách tốt nhất để liên tục thử thách bản thân, trong khi vẫn phát triển được công việc kinh doanh chung.
Với Charles & Keith, nhu cầu của khách hàng càng đa dạng thì công việc kinh doanh của họ lại càng rộng mở.
6. Nếu không tiến lên phía trước, bạn sẽ tụt lùi
Là một doanh nhân trong lĩnh vực thời trang, Charles biết rõ mọi thứ trong ngành này thay đổi nhanh chóng như thế nào. Đó là lý do tại sao đội ngũ đứng phía sau thương hiệu phải không ngừng sáng tạo.
Bản thân Charles Wong cũng thường phải bay qua bay lại giữa Singapore và Thượng Hải - nơi đặt chi nhánh của Charles & Keith để quản lý công việc kinh doanh. Các nhà thiết kế của hãng tại Trung Quốc cũng phải thường xuyên phải đến châu Âu và Mỹ để tham dự các show trình diễn thời trang và tiến hành nghiên cứu thị trường, chi phí đào tạo các nhà thiết kế chiếm tới 3% lợi nhuận của công ty.
Kiều Châu
Nguồn BizLive