Kinh Đô phiên bản 2: Cú hích tăng trưởng mới?
Theo tính toán của SSI, doanh thu năm 2016 của Tập đoàn Kido có thể lên đến 7.482 tỉ đồng, tăng vọt so với các năm trước.
Quyết đoán bán đi mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài, lãnh đạo tập đoàn Kinh Đô đã tạo ra tranh luận. Bên cạnh những ý kiến ngờ vực về tương lai của tập đoàn này sau khi mất đi mảng kinh doanh cốt lõi là những ý kiến lạc quan cho rằng, việc buông hẳn mảng bánh kẹo và tập trung đầu tư vào các ngành hàng tiềm năng khác sẽ tạo ra cú hích tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Triển vọng Kido
Sau khi đạt đến cột mốc doanh thu thuần hơn 4.000 tỉ đồng vào năm 2011, tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ đó đến năm 2014 của Tập đoàn Kinh Đô chỉ đạt mức khiêm tốn 5,5%. Năm 2014, lợi nhuận ròng của Tập đoàn tăng trưởng tốt, tăng lên 547 tỉ đồng từ mức 278 tỉ đồng (năm 2011), nhờ chi phí tài chính giảm mạnh.
Rõ ràng, bên cạnh cải thiện hiệu quả hoạt động trong ngắn hạn, tìm kiếm hướng đi mới để thúc đẩy doanh thu tăng trưởng cao trở lại là bài toán lâu dài của Tập đoàn Kido (phiên bản mới từ Tập đoàn Kinh Đô). Việc bán đi 80% cổ phần trong Kinh Đô Bình Dương đã giúp Tập đoàn Kido có thêm nguồn lực để “dấn thân” phát triển các ngành hàng mới, tiềm năng và ẩn chứa không ít rủi ro.
Cấu trúc hoạt động của Tập đoàn Kido được tổ chức lại theo hướng tinh gọn hơn. Trong số các công ty con còn lại của Kinh Đô, nổi bật có Công ty Kido sản xuất kem và sữa chua, được SSI ước tính mang lại khoảng 1.000 tỉ đồng cho Tập đoàn Kido trong năm nay.
Đối với mảng dầu ăn, Vocarimex hiện chỉ là công ty liên kết. Để biến Vocarimex trở thành một doanh nghiệp con, Tập đoàn Kido đã có kế hoạch nâng tỉ lệ sở hữu lên 51% trong vài tháng tới. Với doanh thu dự kiến đạt tới 5.625 tỉ đồng vào năm 2016, Vocarimex sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn trong những năm tới, có thể chiếm tỉ trọng lớn và đủ bù đắp phần thiếu hụt của mảng bánh kẹo.
Nắm được Vocarimex, Tập đoàn Kido sẽ lên ngôi vị độc quyền trong ngành dầu ăn nội địa, khi nắm giữ hơn 80% thị phần. Bởi lẽ, Vocarimex đang sở hữu tới 51% cổ phần của Dầu Thực vật Tường An, 49% cổ phần của Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, 27% cổ phần trong Dầu Thực vật Tân Bình (Nakydaco) cũng như có cổ phần tại một số doanh nghiệp dầu ăn nhỏ khác.
Khó khăn đặt ra với Tập đoàn Kido là hiệu quả hoạt động của Vocarimex tương đối thấp, tỉ suất lợi nhuận gộp trong các năm gần đây chỉ đạt 2-3%. Tuy vậy, với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực thực phẩm, các nhà lãnh đạo của Tập đoàn Kido có khả năng tạo ra sức sống hoàn toàn mới cho Vocarimex. Để tăng tốc cho mảng dầu ăn, mới đây Tập đoàn Kido đã ký thỏa thuận liên doanh với Felda Global Ventures, một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất của Malaysia, về việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy dầu ăn và tạo ra sản phẩm dầu ăn mới cho thị trường Việt Nam, điển hình như sản phẩm kết hợp giữa dầu cọ của Malaysia và dầu đậu phộng của Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn Kido công bố thành lập liên doanh sản xuất mì ăn liền với Saigon Ve Wong tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, trong đó tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Kido là 49%, nhằm đẩy mạnh quy mô sản xuất sản phẩm có thương hiệu Đại Gia Đình. Nhưng khác với dầu ăn, Tập đoàn Kido sẽ gặp thách thức lớn khi “chen chân” vào thị trường mì gói. Bởi lẽ, 3 doanh nghiệp dẫn đầu của ngành, Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods, đang nắm giữ đến 80% thị phần mì gói trong nước.
Lợi ích từ mảng bánh kẹo còn lại khá nhỏ vì Tập đoàn Kido chỉ còn sở hữu 20% tại hai công ty Kinh Đô Bình Dương và Kinh Đô Miền Bắc. Trong “phả hệ” của mình, Tập đoàn Kido vẫn duy trì lĩnh vực bất động sản (thông qua công ty Lavenue) nhưng sẽ không phải là mảng chiến lược trong thời gian trước mắt.
Nhìn chung, nếu tình hình diễn tiến thuận lợi, Tập đoàn Kido có thể gặt hái kết quả sáng sủa kể từ năm 2016 trở đi, khi hai mảng dầu ăn và mì gói bắt đầu mang lại doanh thu và lợi nhuận. Theo tính toán của SSI, doanh thu năm 2016 của Tập đoàn Kido có thể lên đến 7.482 tỉ đồng, tăng vọt so với các năm trước, chính thức đưa Tập đoàn bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Toan tính Mondelēz
Về phía Mondelēz International, tập đoàn này cũng có những toan tính lớn sau khi thâu tóm thành công mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô.
“Thương vụ thâu tóm này thật sự hoàn hảo cho sự tăng trưởng của chúng tôi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng thị phần các sản phẩm bánh của chúng tôi tại khu vực wđang phát triển tốc độ cao ở đây”, Tim Cofer, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và Nam Phi của Mondelēz cho biết.
Đến nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải là thị trường trọng điểm của Mondelēz International; khu vực này chỉ chiếm khoảng 14% tổng doanh thu hàng năm và đứng sau thị trường Mỹ Latinh, Đông Âu, Trung Đông và Nam Phi.
Quy mô vốn đầu tư/doanh thu của Mondelēz tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ khoảng 5,4%, thấp hơn so với 6,5% ở các thị trường khác và đặc biệt là 7,7% ở Mỹ Latinh. Chính vì vậy, theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, tấn công thị trường Việt Nam là bước đi đúng đắn và kịp thời của Mondelēz để khai khác cơ hội đang lên tại châu Á.
Việc hợp tác với Mondelēz cũng mang lại cho Tập đoàn Kido cơ hội phân phối sản phẩm ra thị trường thế giới, thông qua hệ thống phân phối của Mondelēz.
Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư