Chinh phục thị trường nội địa: Vào chợ

Dù sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng khi quay về "sân nhà” vẫn rất khó tiêu thụ. Và một trong những cách để bán được những loại hàng ấy là... vào chợ!

Tiếp cận tiểu thương

Tại Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP.HCM cách đây hơn một tuần, nhiều khách hàng tỏ ra ngạc nhiên khi biết được thị trường có loại tiêu tiệt trùng vi sinh TopSpice.

Đây là sản phẩm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PitCo) được chế biến đạt tiêu chuẩn ASTA (khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế) và tiệt trùng vi sinh, được đóng chai thủy tinh, gắn nắp xay ăn liền có hình thức không hề thua kém những sản phẩm nhãn hiệu Medallion hay McCormick đến từ Mỹ.

TopSpice có giá bán chỉ bằng 1/5 các thương hiệu ngoại và dù đã xuất đi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ nhưng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là chợ truyền thống thì hoàn toàn vắng bóng.

Chinh phục thị trường nội địa: Vào chợ

Nhiều DN chọn cách đưa hàng vào chợ để khai phá thị trường nội địa - Ảnh: X.Thảo

Giá bán rất cạnh tranh, chất lượng được "bảo chứng từ thị trường châu Âu, Mỹ”, vậy lý do nào khiến TopSpice chưa chinh phục người tiêu dùng trong nước? Có phải do PitCo không am hiểu thị trường hay chưa đánh đúng phân khúc người tiêu dùng?

Những vấn đề ấy được lãnh đạo PitCo "mổ xẻ” và đi đến quyết định: Tiếp cận tiểu thương. Bà Trịnh Thị Thu Hồng, đại diện PitCo, cho biết, Công ty đang tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh chợ truyền thống và có chính sách hợp lý, đảm bảo cho tiểu thương trong quá trình hợp tác.

Cũng như PitCo, sau nhiều năm chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản, Công ty TNHH TM - DV - SX Hòa Mỹ quyết định mở rộng thị trường trong nước.

Thế nhưng, "các sản phẩm nội y Vonzer, Gwens dù đã xuất sang thị trường khó tính như Nhật Bản, nhưng trong nước vẫn phải cạnh tranh gay gắt với hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc", bà Ngô Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Hòa Mỹ, cho biết.

Cạnh tranh khốc liệt như thế nên lần này, bà Ngọc Mỹ quyết định chinh phục thị trường bằng cách khác: Đưa sản phẩm vào chợ truyền thống. "Phiên chợ hàng Việt và nông sản sạch" là cơ hội để Hòa Mỹ giới thiệu đến tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, qua đó đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

"Nếu thắng được trong các chợ truyền thống sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó, quan trọng nhất là giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng có chất lượng, thương hiệu uy tín", bà Ngọc Mỹ chia sẻ.

"Nếu thắng được trong các chợ truyền thống sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó, quan trọng nhất là giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng có chất lượng, thương hiệu uy tín."

bà Ngô Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Hòa Mỹ

Và để chiến thắng ở kênh phân phối này, các sản phẩm của Hòa Mỹ cho kênh chợ truyền thống vẫn giữ nguyên chất lượng nhưng sẽ hạ giá thành cho phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Mức giá Hòa Mỹ đưa ra ở tầm 200.000đ/sản phẩm nội y, đồ ngủ thương hiệu Vonzer, Gwens, Mson...

"Phủ sóng" hàng Việt

Không chỉ có PitCo, Hòa Mỹ, các DN khác như Bột Vĩnh Thuận, Yến sào Sài Gòn Anpha, Trà Tâm Lan, Đồ gia dụng Sunhouse... cũng đang tìm cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua tiểu thương các chợ ở TP.HCM.

Và hầu như các chương trình "Phiên chợ hàng Việt vào chợ truyền thống" nào của BSA cũng được những DN này tham gia nhiệt tình.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Marketing Công ty Thế Giới Túi Xách, thừa nhận, tiếp cận đến tiểu thương là một cách làm mới và Công ty đang khai thác theo hướng này. Đó là lý do để Thế Giới Túi Xách xuất hiện tại "Phiên chợ hàng Việt và nông sản sạch" lần này.

Việc "phủ sóng" hàng Việt vào các chợ truyền thống đang được BSA đẩy mạnh triển khai. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, cho rằng, dự án "Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống" là một kênh để DN đưa hàng Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng.

Chương trình là cầu nối để DN "bắt tay" tiểu thương và người tiêu dùng, qua đó, tạo lập kênh phân phối vững chắc tại chợ truyền thống".

Bà Hạnh cũng tin rằng, chương trình sẽ thành công trên bình diện rộng. Bởi BSA và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao có gần 500 DN có sản phẩm đạt tiêu chuẩn "chất lượng cao" sẽ là "những cánh tay nối dài" cho chương trình.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có trên 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Sau nhiều năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại đã tăng lên 90% thì tại các chợ truyền thống, tỷ lệ này chưa đáng kể.

Chinh phục thị trường nội địa: Vào chợ

Không ít DN đang tìm cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua tiểu thương các chợ

Hàng hóa sản xuất trong nước chủ yếu tập trung ở một số nhóm ngành hàng bánh kẹo, đồ thủ công..., các mặt hàng điện tử, may mặc, trái cây... chiếm đa số là hàng nước ngoài và đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Chính vì thế, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đưa ra mục tiêu: năm 2015 sẽ tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên 70%.

Hiện tại, với tỷ lệ 72% người tiêu dùng chọn chợ truyền thống là nơi mua sắm mang đến những thông tin đầy hy vọng cho những DN khai thác kênh này.

Hơn nữa, bên cạnh các chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, hiện nay, nhiều tổ chức xã hội cũng đã có nhiều hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, ưu tiên dùng hàng Việt... đang giúp hàng Việt "phủ sóng" thị trường.

Và quan trọng hơn đây là một cách để DN cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay chính trên sân nhà, đặc biệt là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay.

Thanh Ngân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn