9 tình huống nên dùng quảng cáo so sánh
Thuật ngữ “quảng cáo so sánh” (comparative advertising) lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ năm 1930, khi Sears lấy những bản in quảng cáo để so sánh những mẫu trang sức của hãng với 8 nhãn hàng khác.
Năm 1931, Firestone lặp lại những gì Sears làm, nhưng những quảng cáo so sánh của Hãng đã bị rất nhiều tờ báo từ chối, trong đó có Chicago Tribune và New York Daily News.
Một năm sau, Plymouth phát hành một mẩu quảng cáo yêu cầu khách hàng “Nhìn ngắm cả ba”. Tháng 6 năm đó, doanh số của Plymouth tăng vọt lên 218% so với năm trước. Quảng cáo so sánh ra đời.
Cho dù không được những tập đoàn hay các công ty lớn ưa chuộng, nhưng quảng cáo so sánh vẫn là một hình thức thông dụng tại Mỹ, Canada, Anh, Thụy Điển và Úc. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có sự gia tăng thị phần đáng kể thông qua quảng cáo so sánh.
Tuy nhiên, một số khách hàng không thích loại hình quảng cáo này. Hơn 41% cho rằng nó không “đúng”, 37% tin quảng cáo thường bị phóng đại quá mức, 36% nghĩ rằng các nhà quảng cáo nên nhấn vào những điểm mạnh của sản phẩm hơn là cố hạ thấp đối thủ.
Với William LaMothe - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kellogg’s thì “quảng cáo so sánh là một cách làm lười biếng để bán sản phẩm”. Vậy khi nào thì nên và khi nào không nên sử dụng quảng cáo so sánh?
Trong cẩm nang 1001 ý tưởng đột phá trong quảng cáo, Luc Dopont - giáo sư khoa Truyền thông của Đại học Ottawa (Canada), chủ nhân của những chiến lược quảng cáo độc đáo bậc nhất - đã phân tích và trả lời cho câu hỏi trên. Ông nêu rõ, có 9 tình huống quảng cáo so sánh đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN).
1. Nếu sản phẩm của DN giữ thị phần nhỏ, DN là “tân binh” hoặc không nổi tiếng. Nhãn hàng đứng đầu đương nhiên chiếm ưu thế. Để đẩy mạnh hiệu quả, DN sẽ phải làm cho mọi người thay đổi suy nghĩ về nhãn hàng đứng đầu. Đây chính là chiến lược của Tylenol khi quảng cáo rằng aspirin có thể gây kích thích thành dạ dày. Tylenol hiện là thuốc giảm đau số 1 Hoa Kỳ với 30% thị phần.
2. Nếu bạn có thể chứng minh sản phẩm của mình tốt hơn. Tại Mỹ, Burger King đã rất thành công trong việc làm tăng doanh số bằng cách giải thích chính xác họ làm bánh hamburger như thế nào trên tivi. Tuy nhiên, tại Anh, quảng cáo của Hãng tiết lộ hamburger của Burger King chứa thịt bò nhiều hơn 41% so với hamburger của McDonald’s.
3. Nếu khách hàng không có sở thích đặc biệt hay lòng trung thành đối với riêng nhãn hiệu nào. Những khách hàng hay do dự luôn dễ tiếp nhận thông tin mới.
4. Nếu ngân sách của doanh nghiệp ít hơn đối thủ. Quảng cáo so sánh cho phép doanh nghiệp đặt mình ngang hàng với nhãn hàng đứng đầu, như Burger King đã làm với McDonald’s.
5. Nếu DN là nạn nhân của quảng cáo so sánh. Việc phản ứng lại đối thủ sẽ cho phép DN trả lời, đính chính và cuối cùng là cơ hội để vượt lên. Phản ứng của Hertz trước quảng cáo so sánh của Avis đã giúp Hertz lấy lại 5% trong số 10% thị phần đã mất trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, vẫn có kết quả ngược lại. Ngay sau khi Coca-Cola đáp trả những đợt công kích của Pepsi, thị phần của Pepsi tăng từ 8% lên 18% tại Dallas. Những dẫn chứng nêu trên nhằm chỉ ra rằng ảnh hưởng của thị trường còn phụ thuộc vào phản ứng thực tế.
6. Nếu sản phẩm của DN thực sự độc đáo. “Gas không chì” hay “Coca không đường” là những ví dụ điển hình cho việc làm cách nào những sản phẩm mới có thể so sánh với những loại truyền thống hơn.
7. Đối với quảng cáo công nghiệp. Khi độc giả muốn tiếp cận một cách hợp lý với quảng cáo của DN, những so sánh trực tiếp với các nhãn hàng khác thường mang lại kết quả tốt.
8. Khi đã thử nhiều cách mà vẫn không thành công. Sau một số chiến dịch quảng cáo không thành công, Vivitar quyết định thử cho hai nhãn hàng trưng bày cạnh nhau. Việc này đã đem lại doanh thu tăng vọt cho Vivitar, giúp họ sớm chiếm vị trí thứ hai với 10% thị phần.
9. Nếu đối thủ phải đương đầu với sự cố lớn. Tuy nhiên, Luc Dopont cũng lưu ý trong một số trường hợp, quảng cáo so sánh có thể kéo DN xuống vực thẳm. Đó là khi:
- Doanh nghiệp đang ở thế áp đảo trên thị trường. Nếu sản phẩm đứng đầu thị trường sử dụng quảng cáo so sánh, tức là muốn làm tăng độ tin cậy của các nhãn hàng khác. Khi một sản phẩm đứng đầu theo sau những đối thủ, khách hàng sẽ hiểu được thông điệp là sản phẩm của họ tốt hơn.
- Không có khác biệt gì giữa sản phẩm của DN và sản phẩm cạnh tranh.
- Có kinh phí quảng cáo eo hẹp. Hầu hết những chiến dịch quảng cáo so sánh đều tốn kém, trong thời gian dài có khi lên đến hàng năm trời.
- Nếu khách hàng mua sản phẩm của DN theo cảm tính.