Chuyện gì xảy ra khi Thế giới Di động bán cả… thực phẩm tươi sống?
Nhiều hoài nghi dành cho Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) khi thử nghiệm mô hình kinh doanh thực phẩm tươi sống. Liệu công ty này có sa lầy vào đầu tư đa ngành giống như nhiều doanh nghiệp khác.
Hai kịch bản cho MWG
MWG công bố sẽ thử nghiệm mở chuỗi bán lẻ mới, kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng. Chuỗi bán lẻ mới sẽ có từ 30 - 50 cửa hàng, diện tích từ 150 - 400 m2/cửa hàng. Dự kiến, cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương vào quý IV/2015 và hoàn tất thử nghiệm trong năm 2016. Ngân sách cho việc triển khai thử nghiệm dự kiến từ 20 - 50 tỷ đồng. Trong giai đoạn thử nghiệm, MWG chỉ làm vài chục cửa hàng, trong phạm vi 1-2 quận ở TP.HCM.
Sau khi thông tin này được công bố, nhiều người cho rằng MWG lại đầu tư đa ngành và lo ngại tên tuổi dẫn đầu ngành bán lẻ điện tử, điện máy này sa lầy, giống như nhiều doanh nghiệp khác đầu tư ra ngoài ngành.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG khẳng định, bán lẻ thực phẩm không phải là đầu tư đa ngành. “Chúng tôi sẽ thử nghiệm lĩnh vực này trong 2 năm tới, nếu làm tốt và tìm ra được sự khác biệt so với các thương hiệu khác, thì sẽ đóng góp rất lớn vào tổng doanh thu của MWG. Nếu sau thời gian thử nghiệm, không đạt hiệu quả như kỳ vọng thì MWG sẽ đóng hẳn mô hình mới này. Chúng tôi vẫn rất kiên định với ước mơ của những người sáng lập là trở thành công ty bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam. Mọi ý tưởng kinh doanh có hé mở cũng chỉ xoay quanh trục bán lẻ. Bán lẻ có thể làm nhiều sản phẩm, biết đâu chúng tôi còn bán thời trang, ô tô…”, ông Doanh nói.
MWG gần như đã hoàn thành câu chuyện kinh doanh thành công đầu tiên. Với lĩnh vực bán lẻ lap top, máy tính bảng, di động… đã chiếm khoảng 35% thị phần toàn quốc. Cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, chuỗi này sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ USD/năm.
Được biết, sau thương hiệu vàng/đen, MWG đang dốc sức bành trướng thương hiệu Điện Máy Xanh. MWG bắt đầu làm Điện Máy Xanh từ năm 2011, nhưng chỉ thực sự tăng tốc vào cuối năm 2014. Hiện MWG đã có 36 cửa hàng trên cả nước. Đến năm 2017, Điện Máy Xanh sẽ trở thành thương hiệu bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam cả về doanh thu và lợi nhuận, với mục tiêu chiếm 15-20% thị phần. Nếu đúng kế hoạch, cuối năm nay sẽ cán mốc 60-70 cửa hàng, năm 2016 là 120 cửa hàng.
Ông Doanh cho biết, dự kiến cuối năm nay, doanh thu Điện Máy Xanh sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, đóng góp 20% tổng doanh thu của MWG.
MWG gần như đã hoàn thành câu chuyện kinh doanh thành công đầu tiên, cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, chuỗi này sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ USD/năm.
Đâu là thách thức?
Khi dung lượng thị trường điện máy và điện thoại đã hết, tốc độ tăng trưởng chậm lại, để tiếp tục phát triển thì MWG phải nghĩ ra một ngành hàng mới để làm vào năm 2017. “Không có thị trường nào có dung lượng lớn hơn để MWG tiếp tục đầu tư, chỉ có bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại, siêu thị mi-ni là còn dư địa”, ông Doanh nói.
Theo phân tích của ông Doanh, quy mô giá trị thị trường điện máy, laptop chỉ khoảng 5-7 tỷ USD, nhưng thị trường thực phẩm, tiêu dùng phải gấp 5 lần. Trong khi đó, người tiêu dùng được tiếp cận với kênh bán hàng hiện đại chỉ khoảng 15%. Mặc dù đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, như Aeon, Lotte, Coopmart, Big C… nhưng vẫn chưa đáp ứng được là bao so với nhu cầu người tiêu dùng. Vẫn còn nhiều dư địa cho những doanh nghiệp xông vào lĩnh vực bán lẻ. MWG có sẵn ưu thế về tốc độ mở cửa hàng nhanh, cho thấy năng lực tìm kiếm và thuê được địa điểm tốt.
Ngoài ra, MWG còn ưu thế về quản trị, nhân sự, công nghệ thông tin tốt. Tuy nhiên, việc mà công ty cần làm là tìm được đâu là điểm khác biệt của bán thực phẩm, dầu ăn, bột ngọt so với điện thoại, điện máy...
“Thách thức nhất đối với MWG khi bước vào ngành hàng mới không nằm ở nhân sự hay nguồn cung hàng, mà ở chỗ làm sao mua được giá tốt nhất và bảo quản đồ tươi sống, đảm bảo bán được cho khách hàng với giá cạnh tranh”, ông Doanh cho biết.
Anh Hoa
Nguồn Báo Đầu tư