Tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh đang chững lại
Trong quý II/2015, ngành hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng 0,9% chủ yếu đến từ việc tăng giá, trong khi khối lượng tiêu thụ gần như không tăng.
Theo báo cáo mới nhất của công ty đo lường hiệu suất toàn cầu Nielsen, sau sự phục hồi nhẹ vào thời điểm Tết, ngành hàng tiêu dùng nhanh chững lại trong quý II vì khối lượng tiêu thụ không tăng.
Cụ thể, trong quý II, ngành hàng này có tốc độ tăng trưởng ở mức 0,9% so với năm trước, chủ yếu đến từ việc tăng giá, trong khi đó tăng trưởng khối lượng tiêu thụ “dậm chân tại chỗ” với mức 0,0%.
Bức tranh giữ các nhóm sản phẩm chính cũng khác nhau.
Nhóm sản phẩm đồ uống tiếp tục là ngôi sao sáng khi đóng góp 38% vào tổng doanh số bán hàng của toàn ngành. Nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất với 6,7%, giảm nhẹ so với 9,7% trong quý I. Điều đáng nói là sự tăng trưởng trong nhóm này chủ yếu do tăng trưởng khối lượng, phần lớn đến từ bia, nước uống tăng lực và nước uống thể thao.
Ngược lại với nhóm sản phẩm đồ uống, thị trường tiêu thụ cho các nhóm sản phẩm chính còn lại vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức.
Trong khi tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính dường như bị bão hòa trong thời gian gần đây, thì thị trường nông thôn nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất.
Alex Jeater, Quản lý cao cấp phụ trách Dịch vụ đo lường bán lẻ của công ty Nielsen Việt Nam nhận định, thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến.
Hiện dân số nông thôn chiếm 68% dân số Việt Nam nhưng chỉ chiếm khoảng 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh. Thu nhập tại nông thông đã tăng khoảng 44% trong ba năm qua, theo nghiên cứu của Nielsen.
Theo Ashwin Sukumaran, Trưởng Bộ phận Tư vấn và Phân tích Chuyên sâu của Nielsen Việt Nam, việc mở rộng đến thị trường nông thôn gặp thách thức là chi phí cao khi tiếp cận đến các thị trấn nằm phân tán ở nhiều khu vực khác nhau. Do đó, các nhà sản xuất cần có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp vào các vùng nông thôn ưu tiên.
Trường Văn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư