4 lời khuyên "vàng" cho bạn trẻ khởi nghiệp
Hôm nay ta bắt tay vào việc khởi sự một doanh nghiệp đây. Mấy năm nay đi làm công ăn lương cho người ta tất nhiên cũng có cái hay. Rõ ràng rằng không phải ngày hôm nay mới có cái gọi là công ty. Công ty là một tổ chức được hình thành để thực hiện một nhiệm vụ mà xã hội trao cho. Ví dụ công ty Colgate Palmolive chuyên làm kem đánh răng, có số tuổi vào khoảng 180 năm. Nếu có may mắn làm việc ở đây vài năm thì dù có ngốc đến mấy cũng hấp thụ được, như một đứa bé hấp thụ tiếng mẹ đẻ, rằng tổ chức một công ty hoạt động ra sao và nên làm gì trong những hoàn cảnh nào. Tự nhiên cũng biết được rằng không bao giờ trả lương trễ cho nhân viên vì điều đó làm nhân viên lo lắng e rằng công ty đang có vấn đề, mất niềm tin và ngấm ngầm tìm việc làm khác. Cùng hàng ngàn những điều mà chỉ có người đã đi làm trong công ty mới biết.
Lời khuyên thứ nhất: Các bạn trẻ nên có vài năm đi làm cho một, hai công ty để rút tỉa kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp. Điều này giúp bạn thoát khỏi vô vàn câu hỏi sẽ đeo bám bạn suốt đời, nếu không đi làm đâu hết và tránh cho bạn rất nhiều sai lầm mà nếu không có kinh nghiệm làm việc tại công ty bạn sẽ có nhiều khả năng vấp phải. Một lần nói chuyện với sinh viên Malaysia ông trùm CNTT Bill Gates đã chân thành khuyên sinh viên như trên, để tránh cái nỗi hoang mang ông đã gánh chịu khi điều hành Microsoft, mà nếu như có chút kinh nghiệm công ty có lẽ công ty của ông đã không “nhỏ bé” như thế này.
Đi làm mấy năm nay kinh nghiệm thu lượm được xem ra cũng khá, hôm nay bước ra khởi nghiệp mình cho cũng là vừa rồi. Nhưng khởi cái “nghiệp” gì đây? Mình chợt nhớ câu người Mỹ rất lấy tâm đắc “bạn phải học được cái nghệ thuật kiếm tiền từ công việc mà mình yêu thích”. Sao không áp dụng cái chân lý đơn giản đấy nhỉ. Nhân lại nói đến người Mỹ. Có người bạn giới thiệu tới thăm tiệm Mbook trên đường Vườn Chuối, ở đây chỉ toàn sách kinh doanh do toàn tác giả người Mỹ viết, chẳng thấy tác giả người Anh, người Pháp, người Úc… rặt người Mỹ. Chẳng hóa ra người Mỹ là giỏi kinh doanh nhất à? Theo mình thì “còn phải hỏi”. Vậy thì đừng phí tổn những năm tháng làm việc trong công ty, lúc này “cậu chủ” nên nuôi nấng một phương án kinh doanh thật sự phù hợp với tư chất của mình, và là thứ mình làm giỏi nhất. Ví dụ mình ưa thích computer, say mê ôm máy nghiện cứu mày mò tối ngày, thì hãy tìm xem cơ hội của mình ở đâu trong ngành vi tính. Thích tiền, ham lời, ưa mua đắt bán rẻ, nhắm mắt cũng biết chỗ nào bán món hàng này giá tốt nhất, không cần hỏi ai cũng biết chỗ nào sẳn sàng mua giá cao thì còn chần chờ gì mà không mở công ty thương mại? Tánh mình ưa son phấn, quần chùng áo dài, tóc tai, thời trang, trang điểm, modern… thì xem coi có cơ hội gì trong ngành thời trang, cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, hay viết báo tham gia bài vở với mấy tờ lá cải, lifestyle rình cơ hội tham gia vào ngành xuất bản...
Lời khuyên thứ hai: Khi mình kéo lê cuộc sống một đời làm một thứ công việc chẳng có chút hứng thú gì vì nó không phải là thứ mình thích làm và mình làm chỉ vi tiền thì bản thân mình không hạnh phúc vui vẻ đã chớ, mà cơ hội thành công cũng không lớn. Hãy thử tưởng tượng hai người cạnh tranh, một người thì say mê làm với tất cả tâm hồn vì đây là việc anh ta ưa thích còn một người làm miễn cưỡng thì kết quả về lâu dài người nào sẽ thắng? Một người đáng để chúng ta học hỏi ở đây là ông chủ Starbucks Coffee, ông Howard Schulz có viết cuốn sách “Pour Your Heart” (tạm dịch: Hãy đổ vào đây cả tâm hồn) kể lại niềm đam mê thế nào của ông ta với cà phê, và theo ông chính niềm đam mê này đã giúp ông thành lập vương quóc Cà phê Starbucks lừng danh thế giới như hôm nay.
Khởi sự việc gì có lẽ không nên tự làm hết mọi việc mà nên tìm lấy “partners”. Việc có vài người cùng bàn bạc thực hiện công việc thì càng có nhiều điều lợi. Có mấy lợi điểm như sau: về vốn liếng có thể chia sẻ cho các bên góp vốn để giảm thiểu gánh năng tài chánh. Về chỗ này có thể học nguời Mỹ một quan niệm, “không ai có thể làm giàu bằng cách vay nợ ngân hàng”. Rõ ràng rằng người Mỹ ưa tìm người góp vốn đầu tư. Khi hùn hạp làm ăn tất nhiên chúng ta sẽ phải chia sẻ lợi nhuận cho người khác nhưng đồng thời cũng là chia sẻ rủi ro và khỏi phải trả nợ vay ngân hàng. Khởi nghiệp khi còn trẻ bạn nên tìm lấy những người cùng chí hướng. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là partners của mình đóng góp bao nhiêu tiền, mà quan trọng hơn hết là anh ta đóng góp được chuyên môn gì cho công việc khởi nghiệp mà mình đang mưu đồ này? Tốt hơn hết các đối tác tham gia khởi động doanh nghiệp nên có những năng lực chuyên môn bổ sung lẫn nhau để thực hành công việc. Một việc nữa cần phải nhấn mạnh là các bên đối tác sáng lập phải thật sự thành thật, tin cậy lẫn nhau, trọng chữ tín, và tất cả phải đồng lòng cho mục tiêu chung chớ có những ý nghĩ hoặc lo toan riêng mà phải hết lòng vì sự thành bại của doanh nghiệp do mình lập ra.
Lời khuyên thứ ba: Điều quan trọng hơn không phải là một ý kiến, về một sản phẩm hay dịch vụ mà chúng ta sẽ đưa ra thị trường mà là công ty tương lai sẽ làm sản phẩm hay dịch vụ gì mà qua đó tận dụng hết khả năng thế mạnh của các đối tác tham gia sáng lập công ty. Trong quyển “Build To Last” (tạm dịch: Xây dựng để trường tồn) tác giả James C. Collins và Jerry I. Porras kể nhiều những ví dụ về những sự kết hợp tuyệt vời giữa các nhóm đã thành lập HP, Microsoft, Sony… Lấy ví dụ trường hợp của Sony khi được thành lập, năm 1947 , Sony chỉ là một tập hợp gồm 7 kỹ sư đứng đầu bởi Masaru Ibuka, với chỉ một ý niệm là hãy làm một cái gì để góp phần tái thiết nước Nhật sau chiến tranh. Họ đã thất bại với nồi nấu cơm, soup đậu ngào đường, và gối sưởi dùng dầu giữ hơi ấm… và sau 2 năm loay hoay với bao thất bại họ mới có được thành công đầu tiên với việc sản xuất ổ cắm điện....
Làm gì đây? Khi bắt đầu thiết kế sản phẩm hay dịch vụ bạn phải hiểu rõ sản phẩm hay dịch vụ mà mình sắp tung ra đó có gì KHÁC BIỆT. Có một nguyên tắc bạn phải nhớ nằm lòng là nếu sản phẩm của bạn không có sự khác biệt trong một chiều hướng nào đó thì cơ hội thành công của bạn rất nhỏ. Lấy ví dụ bạn muốn mở một quán cà phê. Hiện nay có các loại quán cà phê như sau: loại phòng trà, loại quán bar, cà phê sân vườn, cà phê máy lạnh, cà phê vỉa hè, cà phê nhiều loại hình trong một (Viettop), cà phê sách, cà phê hoài cổ (nhạc Trịnh, Tiền Chiến,ca sĩ Khánh Ly, Tuấn Ngọc)… Vậy tiệm cà phê của bạn là loại hình gì và có điểm gì khác biệt. Nếu bạn cũng vậy không có điểm khác biệt thì vì lẽ gì mà khách hàng có lý do rời bỏ tiệm cà phê quen thuộc để đến với quán cà phê của chúng ta. Gần đây chúng ta thấy có Phở 24 với rất nhiều điểm độc đáo đã thành công khi thỏa mãn được khẩu vị và yêu cầu của người nước ngoài và người Việt có thu nhập cao. Đặc biệt việc phục vụ phở dưới một hình thức trân trọng và hết sức vệ sinh cho người khách một cảm nhận như đang thưởng thức một loại thực phẩm trong một chuỗi cửa hàng fastfood lừng danh nào đó của thế giới. Đây chính là điểm khác biệt. Và đây là lý do thành công.
Lời khuyên thứ 4: Bây giờ người ta không nói chất lượng hay là chết mà người ta nói “khác biệt hay là chết”. Cái ranh giới giữa một thương hiệu như Phở 24 và một tô phở bình thường khác chính là sự khác biệt về phong cách phục vụ mà nhờ đó Phở 24 bán được với giá cao hơn gấp 2 lần và với số lượng tô phở múc ra hàng ngày tại hàng chục điểm bán rõ ràng đã nhiều lần hơn bất kỳ một tiệm phở nào... .Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh với các bạn trẻ một yếu tố quan trọng khác nữa mà người Mỹ thường nói “do differently not different things” nghĩa nôm na là làm khác biệt chứ không phải là lập dị.