Cửa hàng đồng giá 
có dễ làm?

Mô hình cửa hàng đồng giá có lợi nhuận thường rất thấp và các nhà quản lý luôn hướng tới việc hưởng lợi từ quy mô bằng việc liên tục mở cửa hàng...

Cuối tháng 8-2015, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị quản lý nhượng quyền chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật) - vừa khai trương cửa hàng thứ tư tại TP.HCM với hơn 4.000 mặt hàng, giá bán 40.000 đồng/sản phẩm bao gồm đồ gia dụng, văn phòng phẩm, phụ kiện, hộp đựng...

Cửa hàng đồng giá là mô hình đặc biệt thành công của người Nhật. Một tháng trước khi Komonoya mở rộng ở VN, một đơn vị của Nhật là Daiso đã mở thêm cửa hàng thứ 10 tại Mỹ, đặt ở Houston, nơi trước nay bị thống trị bởi Wal-Mart trên thực địa và eBay cùng Amazon trên mạng, đồng giá 1 USD.

Cửa hàng đồng giá 
có dễ làm?

Một cửa hàng đồng giá của Daiso ở Mỹ - Ảnh: Dallas News

Ở Nhật, mức đồng giá của Daiso là 100 yen, tương đương 18.900 đồng. Daiso bán khoảng 10.000 sản phẩm gia dụng khác nhau. Các món được mua nhiều nhất là xà phòng, sản phẩm tẩy trang, mì ăn liền, đồ chơi, đồ điện gia dụng. Hãng chiếm tới 65% thị phần mảng này tại đây với 2.800 cửa hàng. Ở nước ngoài, hãng có hơn 600 cửa hàng đồng giá ở 28 nước, mang về doanh thu 3 tỉ USD năm 2014.

Theo NewYork Times, mô hình đồng giá thường trở nên hấp dẫn nơi có đông người thu nhập thấp hoặc khi kinh tế lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, mô hình này có lợi nhuận thường rất thấp và các nhà quản lý luôn hướng tới việc hưởng lợi từ quy mô bằng việc liên tục mở cửa hàng.

Đánh giá về mô hình này tại VN, ông Robert Trần, giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny của Canada khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nêu ra điểm lợi của mô hình này là vận hành đơn giản, chi phí đầu tư cho phần mềm hay hậu cần cửa hàng không lớn, nhân sự không cần nhiều, chỉ cần một vài người quản lý để không xảy ra trộm cắp vặt gây thất thoát.

Theo ông, đây là cơ hội cho khách hàng, nơi họ có thêm lựa chọn tiêu dùng, đồng thời là cơ hội cho nhà sản xuất có thêm kênh đưa hàng tới người dùng nhanh và tiện lợi.

Mô hình này có lợi nhuận thường rất thấp và các nhà quản lý luôn hướng tới việc hưởng lợi từ quy mô bằng việc liên tục mở cửa hàng.

Các cửa hàng của Komonoya hay Daiso được mở ở bất cứ nơi nào, từ các tòa nhà văn phòng, sân bay, mặt tiền đường phố tới trung tâm thương mại. Về vấn đề then chốt này, ông Robert Trần dẫn giải chi phí mặt bằng cho thuê bán lẻ hiện nay ở các khu trung tâm mỗi tháng thường là 30 - 50 USD/m2, trong khi cửa hàng thường chỉ có lãi với mức thuê ở khoảng 9 - 10 USD/m2.

“Muốn lãi từ mô hình này phải đạt số lượng cửa hàng lớn gấp đôi hoặc gấp ba lần so với các nước, tức phát triển ở mức hàng trăm cửa hàng. Tuy nhiên, các công ty vẫn mở tại VN để tạo được chỗ đứng ở một thị trường đông dân, giúp họ có lợi thế trong đàm phán về giá, về nợ và hoa hồng với nhà sản xuất”.

Theo vị này, đây cũng là mấu chốt thành bại của cửa hàng đồng giá, nơi khách hàng muốn đến để tiêu vài đồng tiền lẻ sót lại vào những thứ lặt vặt hữu dụng nhưng không tốn kém. Để giá được như vậy, chủ cửa hàng phải đàm phán được với nhà sản xuất.

“Nhiều cửa hàng đồng giá one dollar shop ở Mỹ và Canada đã thất bại vì chưa có được vị thế cao trong đàm phán khi so sánh với các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi lớn hơn” - chuyên gia này cảnh báo.

Hồng Quý
Nguồn Tuổi Trẻ Online