Lộ diện 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam

Saigon Coop đứng số 1 về doanh số bán hàng. Nhưng xét về doanh số/m2 cửa hàng, Saigon Coop đang bị các nhà bán lẻ trang sức và điện máy bỏ xa.

Tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor vừa công bố danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015.

Danh sách trên có 10 doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam với những cái tên quen thuộc như Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Coop), CTCP bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Shop, CTCP Thương mại Nguyễn Kim, CTCP Pico, BigC… Cụ thể:

Lộ diện 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam

Xét về thứ hạng quốc tế, Saigon Coop vươn lên vị trí 190, vượt hơn 27 hạng so với năm trước. Các doanh nghiệp còn lại gồm Thế giới Di động (hạng 274), Nguyễn Kim (331), Big C (339) …

Lộ diện 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam

Một số nét đáng chú ý:

- Theo công bố trên, xét về doanh thu bán hàng, Saigon Coop đứng số 1 với doanh số năm 2014 đạt gần 29.000 tỷ đồng, tương đương 1,375 tỷ USD. Theo sau là Thế giới Di động (721 triệu USD), Nguyễn Kim (603 triệu USD), BigC (546 triệu USD), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC (421 triệu USD), PNJ (267 triệu USD)...

- Nhưng xét về doanh thu bán hàng/m2 cửa hàng, Saigon Coop đang bị các nhà bán lẻ trang sức và điện máy bỏ xa.

Về tiêu chí này, SJC đứng vị trí số 1 với doanh thu 31.525 USD/m2. Đứng thứ 2 là điện máy Nguyễn Kim, doanh thu 13.434 USD/m2. Thế giới Di động đứng thứ 3 với 12.545 USD/m2. Cùng ngành hàng trang sức, nhưng doanh thu bán hàng/m2 của PNJ chỉ đứng thứ 4 với doanh thu 9.245 USD/m2 không bằng 1/3 của SJC.

- Một số doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu sụt giảm so với năm ngoái. Doanh thu bán hàng của SJC năm 2014 đạt 421 triệu USD, sụt 60 triệu USD so với doanh thu năm 2013. Điều này cũng dễ hiểu với cuộc lao dốc thảm hại của giá vàng. Cùng với đó, kết quả kinh doanh cũng bị tác động một phần do số lượng cửa hàng giảm từ 158 xuống 132, theo số liệu của Euromonitor.

Lộ diện 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam

Giá vàng lao dốc kể từ năm 2013. Nguồn: Gold Price.

Đơn vị thứ 2 có doanh thu sụt giảm là hệ thống chuỗi siêu thị điện máy Pico, giảm từ mức 155 triệu USD năm 2013 xuống còn 127 triệu USD năm 2014. Pico cũng là cái tên “lạ” khi giảm số lượng cửa hàng năm 2014 xuống còn 4 so với 5 cửa hàng hồi năm 2013 (số lượng cửa hàng của Pico ở thời điểm hiện tại là 6, tập trung ở Hà Nội và 2 tỉnh vùng ven là Phú Thọ và Vĩnh Phúc).

- Tốc độ “bành trướng” kinh khủng trong ngành bán lẻ điện máy. Thế giới Di động tăng thêm 90 cửa hàng, nâng số lượng siêu thị lên 319 năm 2014 (con số hiện tại là 470 siêu thị).

Viễn thông A tăng từ 92 lên 126.

FPT Shop tăng hơn 200%, từ 60 cửa hàng lên tới 129 cửa hàng. Tuy nhiên, FPT Shop là cái tên duy nhất trong ngành bán lẻ điện máy có doanh thu bán hàng/m2 sụt giảm, từ 5.162 USD/m2 năm 2013 xuống còn 4.975 USD/m2.

Đây là năm thứ 12 danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương được công bố.

Xếp hạng này dựa trên nghiên cứu, khảo sát kết quả kinh doanh hàng năm của các doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ (Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam) do Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International thực hiện.

Các tiêu chí bình chọn dựa trên doanh thu bán lẻ, mức tăng trưởng, diện tích dành cho kinh doanh bán lẻ và số lượng cửa hàng. Từ đó, ban tổ chức chọn ra 500 doanh nghiệp xuất sắc nhất vào bảng xếp hạng và danh sách 10 nhà bán lẻ hàng đầu của mỗi quốc gia.

Bảo Bảo
Nguồn Trí thức trẻ