Vì sao Thế Giới Di Động đi bán thực phẩm?

Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, TGDĐ sẽ mở chuỗi bán lẻ rộng khắp, nhắm đến khách đang mua hàng tại các cửa hiệu tạp hóa và chợ truyền thống. Nhóm này chiếm 85% thị phần.

Thông tin bán lẻ thực phẩm của Thế Giới Di Động (TGDĐ) đang gây bất ngờ cho người tiêu dùng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc CTCP Thế Giới Di Động, cho rằng, đây không phải là nghề tay trái, "mà trái phải gì cũng nằm trên một cơ thể, là kinh doanh bán lẻ với giá trị sẵn có của nó".

* Đâu là lý do để TGDĐ quyết định lấn sân sang lĩnh vực hoàn toàn mới? Vì sao lại là thời điểm này?

Thị phần bán lẻ hiện đại của nhóm hàng này rất tiềm năng. Chúng tôi hướng đến mở các chuỗi mạng lưới rộng khắp, nhắm đến khách đang mua hàng tại các cửa hiệu tạp hóa và chợ truyền thống. Nhóm này đang chiếm đến 85% thị phần hàng tiêu dùng thiết yếu. Và chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm rất hợp lý để tung ra.

Vì sao Thế Giới Di Động đi bán thực phẩm?

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ: Bán thực phẩm hay di động, điện máy, thì cũng là kinh doanh bán lẻ, mang các giá trị phục vụ tốt nhất đến người tiêu dùng. Ảnh: Việt Dũng.

* Kế hoạch kinh doanh ban đầu của các ông sao khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nào về sự xuất hiện các cửa hàng thực phẩm của TGDĐ?

Chúng tôi sẽ triển khai khoảng 30 đến 50 cửa hàng trong một địa bàn rất nhỏ tại một quận của TP HCM. Hiện chúng tôi đã dần hoàn thiện các khâu.

* Bất ngờ tung thông tin bán lẻ thực phẩm, liệu TGDĐ có ôm đồm và đi quá xa ngành kinh doanh cốt lõi?

Chúng tôi nhận thấy, dù có bán thực phẩm hay di động, điện máy, thì cũng là kinh doanh bán lẻ, mang các giá trị phục vụ tốt nhất đến người tiêu dùng. Nó đúng với những giá trị cốt lõi mà chúng tôi đang theo đuổi.

* Thử nghiệm cùng lúc tới 50 cửa hàng, chuyện mặt bằng không phải là vấn đề đơn giản?

Chúng tôi có nguồn nhân lực đủ mạnh để làm điều này. Nếu có rủi ro, ví dụ như phải dừng lại vì không hiệu quả, chúng tôi thương lượng với đơn vị cho thuê. Không có gì khó khăn vì hợp đồng có sẵn rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng các hợp đồng này sẽ là dài hạn.

* Ông đánh giá thế nào về các đối thủ đang hoạt động tương đối tốt trên thị trường? Điều gì khiến ông tự tin có thể cạnh tranh và phát triển ở lĩnh vực thực phẩm?

Nếu thành công, mục tiêu hướng đến là triển khai rộng, kỳ vọng đạt 10-15% thị phần, với mạng lưới 6.000-8.000 cửa hàng giai đoạn 2018 - 2020.

Chúng tôi thấy đây là một thị trường tiềm năng và dồi dào. Chúng tôi không đặt ai làm đối thủ, mà luôn hướng đến việc chinh phục khách hàng làm mục tiêu. Nếu làm tốt và hài lòng khách hàng thì chúng tôi sẽ dễ dàng phát triển trên thị trường.

* Ông xử lý vấn đề kho hàng như thế nào?

Đó thuộc về giai đoạn bành trướng, về logistics, kho bãi, về chuỗi cung ứng... Nhưng giai đoạn đó làm sau. Giai đoạn này, tham vọng của chúng tôi chỉ là thay đổi thị trường hàng hóa.

* Nhiều đơn vị đang chủ động từ đầu vào tới đầu ra sản phẩm nên có lợi thế về giá. Chiến lược giá của TGDĐ được xây dựng ra sao? Các ông có tính đến đầu tư sản xuất nguyên liệu?

Điều này chúng tôi còn trong quá trình thảo luận, chưa thống nhất và chưa thể chia sẻ được. Nhưng mục tiêu hướng đến là nếu thành công, triển khai rộng thì chúng tôi kỳ vọng đạt 10-15% thị phần, với mạng lưới 6.000-8.000 cửa hàng giai đoạn 2018 - 2020. Còn việc đầu tư sản xuất nguyên liệu lại là một câu chuyện khác, chưa thể bàn lúc này.

* Ông có thể tiết lộ về thương hiệu của chuỗi thực phẩm?

Hiện chúng tôi vẫn chưa thống nhất được tên cho thương hiệu mới.

Việt Dũng
Nguồn Zing News