Vì đâu KFC, Lotteria hay McDonald’s vẫn nói không với nhượng quyền ở Việt Nam?
Những thương hiệu fastfood không đòi hỏi ninh nước dùng lâu hay bánh phở nóng cũng không dễ dàng để nhượng quyền như nhiều người vẫn tưởng.
Năm 2011, Phở 24 bị bán lại cho chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Jolibee của Philippines khiến nhiều người Việt cảm thấy tiếc nuối. Thương hiệu nội với món ăn thuần Việt từng đình đám một thời lâm vào cảnh khó khăn tứ phía: Quỹ đầu tư đòi rút vốn, quản trị nhân sự gặp khó khăn và quan trọng nhất là mô hình nhượng quyền cửa hàng khiến chất lượng Phở 24 không đồng đều ở tất cả các quán.
Lý giải cho thất bại, có chuyên gia cho rằng đó là do bản chất phở khác với các loại đồ ăn nhanh khác trong ngành công nghiệp: Bánh phở phải nóng, nước dùng ninh lâu, mùi vị phải có tính địa phương hóa rõ ràng,…
Đây chỉ là yếu tố phụ. Thách thức lớn nhất vẫn là việc quản lý chuỗi yếu kém sau khi tiến hành nhượng quyền của Phở 24. Đây là yếu tố vô cùng rủi ro với các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Việt Nam, vì vậy các thương hiệu này rất hạn chế tiến hành nhượng quyền.
Trên thực tế, KFC, McDonalds, Burger King hay cả Jolibee – đơn vị mua lại Phở 24 cũng không sẵn sàng nhượng quyền tại Việt Nam.
Những thương hiệu này chỉ có master franchise – Công ty lớn nhận nhượng quyền thương hiệu chung cho cả một khu vực (quốc gia). Những cửa hàng phát triển trong khu vực này đều do các công ty lớn này tự mở chứ không tiếp tục nhượng quyền cho các đối tác nhỏ hơn.
Những master franchise kể trên đều là những doanh nghiệp lớn hàng đầu tại Việt Nam, thậm chí có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Chẳng hạn, Burger King là do công ty của ông Jonathan Hạnh Nguyễn (một doanh nhân nổi tiếng trong ngành kinh doanh fastfood) nhận nhượng quyền, hay McDonald’s gắn liền với cái tên Nguyễn Bảo Hoàng.
Một số công ty thì trông chờ vào những đối tác thân quen của mình để nhượng quyền lại. Như Starbucks khi đến Việt Nam thì chọn Maxim, một tập đoàn Hồng Kông đã triển khai mô hình Starbucks tại nhiều quốc gia ở châu Á.
Lotteria, thương hiệu fastfood đến sau nhưng nhanh chóng vượt lên dẫn đầu thị trường vài năm trở lại đây, thì chọn cách phân phối trực tiếp. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc hiện có khá nhiều dự án tại Việt Nam như bất động sản, khách sạn, trung tâm thương mại và chuỗi đồ ăn nhanh Lotteria sẽ là một trong những mũi nhọn của tập đoàn này.
Trước đó, Lotteria từng tuyên bố sẵn sàng nhượng quyền thương hiệu của mình với chi phí vào khoảng 250.000 USD, tuy nhiên, kế hoạch này đã tạm dừng và tới đầu năm nay, việc nhượng quyền có thể sẽ trở lại với những bước đi thận trọng.
Có lẽ, trong nhóm các thương hiệu đồ ăn nhanh, chỉ có BBQ của Hàn Quốc là mạnh tay thúc đẩy. Tuy nhiên, đây là thương hiệu nhỏ và sau một thời gian triển khai cũng không gặt hái được nhiều thành công.
Hóa ra, những thương hiệu fastfood không đòi hỏi ninh nước dùng lâu cũng không dễ dàng để nhượng quyền như nhiều người vẫn tưởng. Theo ông Nguyễn Cao Trí, một chuyên gia lâu năm trong ngành nhà hàng tại Việt Nam, các thương hiệu quốc tế không mặn mà với việc nhượng quyền vì rủi ro thương hiệu là quá cao.
“Đúng là nhượng quyền thương hiệu giúp giảm gánh nặng chi phí mở cửa hàng và giúp thương hiệu phát triển nhanh hơn, tuy nhiên đi kèm nó là bài toán quản trị. Chi phí phục vụ cho việc quản lý, giám sát hoạt động các chuỗi cửa hàng sẽ tăng lên đáng kể. Một thương hiệu quốc tế không thể chỉ vì vài cửa hàng mà đánh đổi tên tuổi của mình”, ông Trí cho biết.
Một khó khăn lớn khiến bên nhượng quyền lo ngại hiện nay là các nhà đầu tư rất ít khi thực hiện đúng cam kết về công nghệ và kỹ thuật được bàn giao, đồng thời việc bảo mật công nghệ rất kém.
Đại diện phía Lotteria từng cho biết: “Hệ thống cơ quan quản lý thị trường ở Việt Nam làm việc còn chưa thực sự sâu sát, chưa có nhiều chế tài bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nên họ e ngại mở rộng chuỗi nhà hàng nhượng quyền mặc dù tiềm năng thị trường còn dồi dào”.
Trang Lam
Nguồn Trí thức trẻ