"Hạ màn thôi Flash, mọi người sẽ gửi một tràng pháo tay"
Việc chuyển đổi công nghệ luôn gây ra những màn tranh cãi, nhưng có lẽ khi ngẫm kỹ lại thì đã đến lúc Flash cần được nghỉ ngơi...
5 năm trước, Steve Jobs đã lên tiếng "từ mặt" nền tảng Flash trên các thiết bị di động của Apple. Theo ông, Flash là nguyên nhân dẫn tới các nguy cơ về bảo mật và gây tiêu tốn điện năng trên di động. Nhưng phải tới tận bây giờ, người ta mới bắt đầu rục rịch khai tử nền tảng lỗi thời này.
Cách đây vài năm, Flash là nền tảng xem video trực tuyến phổ biến nhất, nhưng tới nay, nền tảng này đang mất dần ưu thế trước những nền tảng mới và ưu việt hơn. Tuy nhiên, Flash vẫn là một phần vô cùng quan trọng trong thế giới Internet. Nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào nền tảng này như ảnh động, các mini games, hay một vài tính năng nền web khác.
Chúng ta đã thấy HTML5 đối đầu với Flash, nó biến Flash trở thành một "diễn viên phụ" trong thế giới Internet, chiếm hoàn toàn ưu thế trong cuộc chiến nền tảng đa phương tiện. Và hơn hết, cả Google và Mozilla đang hậu thuẫn cho HTML5 tiến lên vị trí bá chủ.
Trong những năm qua, Flash đang càng ngày càng tỏ ra già nua và cản trở trải nghiệm của người dùng. Đối với đối tượng doanh nghiệp, nó cũng ảnh hưởng tới việc tối ưu hóa khả năng tìm kiếm (SEO) và các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.
Mặc dù mang theo nhiều vấn đề nổi cộm như trên, ngành công nghiệp quảng cáo kĩ thuật số vẫn đang bắt buộc phải sử dụng Flash vì VPAID (Video Player - Ad Interface Definition), tạm hiểu là một tiêu chuẩn cho phép kết nối những nội dung quảng cáo với trình phát video nền web. Việc quảng cáo trên Video sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề nếu đột ngột khai tử Flash.
Bạn có thể nói rằng Flash yêu cầu bạn phải cài đặt, trong khi đó HTML5 không cần làm điều đó. Đó cũng là lí do mà nền tảng này đánh mất dần thị phần của mình, dễ hiểu vì sao Apple quyết định "nghỉ chơi" với Flash. Tuy nhiên, điều quan trọng là Flash đã được phát triển trong một thời gian dài cho máy tính cá nhân, thay vì di động.
Vậy cuộc cách mạng này có ý nghĩa như thế nào với những trang chia sẻ video?
Mặc cho những lí do kể trên, những trang chia sẻ video video, dù có hứng thú hay không, vẫn sẽ phải nói lời vĩnh biệt tới Flash. Với mục đích tăng tốc độ xử lý của trình duyệt và tải nội dung nhanh hơn, trình duyệt Chrome trên máy tính đã công bố sẽ tạm dừng sử dụng các plug-in cài đặt thêm (của Flash) mà nó cảm thấy không cần thiết từ đầu tháng 9 tới đây.
Điều này có nghĩa nếu những trang chia sẻ video trực tuyến không nâng cấp và định dạng lại nền tảng nội dung của mình, tất cả video của họ sẽ không thể xem được nữa. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khách hàng và túi tiền của họ.
Các đoạn video Flash trên máy tính luôn yêu cầu người xem phải nhấn vào quảng cáo trước khi nội dung bắt đầu phát. Với sự thay đổi của Chrome, quảng cáo vẫn sẽ hiển thị, nhưng video sau đó không thể chạy được. Điều này khiến ngươi xem cảm thấy như đang bị lừa, và sức hút từ những video kia sẽ giảm đi rất nhiều.
Những trang chia sẻ video cần phải đôn đốc khách hàng của họ, những người làm nổi dụng, cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho sự thay đổi này. Những video được làm ra phải thích hợp với nền tảng HTML5 tân tiến, bởi điều này ảnh hưởng rất nhiều tới số tiền họ kiếm được.
Các trang chia sẻ video cần chuẩn bị những gì?
Điều quan trọng nhất với những trang chia sẻ video chính là quảng cáo của họ và đối tác cần được nâng cấp lên nền tảng HTML5 trước cuộc cách máng tới đây. Các trang này cũng nên tự cải thiện công nghệ của họ. Nếu không chuẩn bị những quảng cáo mới trên nền HTML5, sẽ gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu từ quảng cáo và khách hàng mua quảng cáo của họ cũng sẽ giảm đi.
Đây không phải một dấu chấm hết, đó là sự thay đổi mang nhiều tiềm năng lâu dài cho việc kinh doanh quảng cáo, vì thế không nên e sợ nó. Nếu được chuẩn bị tốt, hệ sinh thái trên nền tảng mới sẽ giúp các trang web tự làm mới mình theo hướng tốt hơn nhiều.
Trong thực tế, nhiều công ty công nghệ quảng cáo đã bắt đầu tiến hành chuyển đổi quảng cáo Flash sang HTML5 để giúp cho viêc chuyển đổi của khách hàng dễ dàng hơn.
Sự cân đối lợi ích
Những trang nội dung, những trang chia sẻ video từng là "pháo đài" của Flash. Ngược lại, các trang web từng rất muốn có thêm những sự lựa chọn về nền tảng lưu trữ và trình chiếu, nhưng họ chỉ có thể sử dụng Flash do vấn đề VPAID đã nói ở trên.
Bằng cách sử dụng HTML5, các công ty đã gói gọn cả trình phát video lẫn phần mềm quản lý quảng cáo vào làm 1, nhờ vậy nếu xảy ra bất cứ lỗi nào, việc khắc phục trên một nền tảng duy nhất đơn giản hơn nhiều. Chưa hết, với lợi thế nói trên, nền tảng HTML5 có thể hoạt động tốt cả trên máy tính lẫn di động.
Mối quan tâm lớn nhất với các trang nội dung hiện nay là lượng người dùng di động đang tăng lên, họ phải ưu tiên cung cấp các trải nghiệm tốt nhất cho đối tượng này, và việc thay đổi nền tảng từ Flash sang HTML5 giải quyết vấn đề đó. Theo một cuộc khảo sát gần đây, người mỹ sử dụng tới 3/5 thời gian giải trí đa phương tiện của mình trên các thiết bị di động.
Trình duyệt máy tính để bàn phổ biến như Chrome quyết định ngừng hỗ trợ Flash là một chất xúc tác giúp HTML5 bùng nổ trong thời gian tới đây, và là khởi đầu của kỉ nguyên quảng cáo video mới.
Thắng lợi sau cùng
Tôi tin rằng việc ngừng phát triển Flash sẽ tốt hơn cho tất cả người dùng, chắc chắn là như vậy. Nhưng HTML5 không chỉ tốt cho người dùng, ngoài việc mang lại trải nghiệm tốt hơn, nó còn giúp việc phát triển nội dung quảng cáo mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nó chiếm băng thông ít hơn, tiết kiệm pin trên thiết bị nhiều hơn.
Sẽ có một số thử thách dành cho người làm video và các trang chia sẻ video trong quá trình chuyển giao này. Về mặt kĩ thuật, những người trong nghề cần cập nhật thông số kỹ thuật mới trên nền tảng này. Nhưng về lâu về dài, mọi thứ sẽ được cải thiện và hiệu quả ngày một rõ rệt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo.
Sự thay đổi này chắc chắn sẽ tạo ra những cuộc tranh cãi và các ý kiến trái chiều. Nhưng đây là một sự thay đổi mà tôi cho rằng cả những nhà xuất bản nội dung lẫn làm quảng cáo có thể xem xét để từ đó nhận ra rằng nó là một bước tiến vĩ đại.
Hạ màn thôi Flash, khán giả sẽ vỗ tay mà...
* Bài viết thể hiện quan điểm của Vijay Balan đến từ TechCrunch
Dee Tee / Techcrunch
Nguồn Trí thức trẻ