Cũng đành gia công cho đối thủ
Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc của Công ty Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC), một doanh nghiệp từng nổi tiếng với thương vụ bán thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, thừa nhận rằng mình sống được là nhờ làm gia công cho những hãng lớn cùng ngành.
Theo ông Nhơn, làm gia công đang là nguồn sống của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh với hàng loạt những sản phẩm ngoại. “Hơn nữa, công suất nhà máy của chúng tôi dư rất nhiều, nếu không làm gia công cho họ thì cũng bỏ không mà công nhân thì lại không đủ việc để làm. Hai bên đều cần nhau, do đó doanh nghiệp Việt buộc phải làm gia công để tồn tại”, ông nói.
Các công ty nước ngoài đều không có nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí có những thương hiệu không có nhà máy nhưng sản phẩm vẫn ra đều đặn. Việc gia công mang đến 40% tổng doanh thu của Công ty Bột giặt Lix. Lix vẫn đang tiếp tục phát triển thương hiệu bên cạnh nhận gia công cho các tập đoàn đa quốc gia và các siêu thị có nhãn hàng riêng. Hay như Công ty Dược Imexpharm, 70% doanh thu tới từ việc gia công cho hãng Sandoz.
Vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt là chỉ chăm chăm vào gia công để sống qua ngày mà chưa học hỏi được nhiều.
Ngoài việc gia công cho đối thủ, doanh nghiệp Việt còn gia công theo nhãn hàng riêng của các siêu thị. Với kênh phân phối sẵn có, những dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng của siêu thị đang ngày một nhiều.
Trước đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc chọn cách gia công cho những hãng sản xuất lớn trên thế giới để vừa kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm và công nghệ. Bắt đầu bằng việc nhập khẩu và lắp ráp cho những hãng sản xuất xe hơi Mỹ và Nhật, đến nay, xe hơi Hàn Quốc đã có thể cạnh tranh với các hãng này.
Nhưng vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt là chỉ chăm chăm vào gia công để sống qua ngày mà chưa học hỏi được nhiều. Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho rằng nếu gia công nhãn hàng riêng cho doanh nghiệp quá nhiều đồng nghĩa với việc đẩy hàng của chính công ty mình ra khỏi kệ siêu thị.
Biết vậy, nhưng doanh nghiệp Việt không có nhiều lựa chọn. Công ty Vĩnh Thành Đạt đang cung cấp trứng cho 3 siêu thị. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty, cho biết khi làm nhãn hàng riêng thì Công ty phải chấp nhận mất bớt thị phần, nhưng nếu không làm thì doanh nghiệp khác sẽ làm. Đó cũng là lý do ông Nhơn, ICC, chấp nhận gia công cho nước ngoài thay vì bắt tay với các doanh nghiệp trong nước, tự sản xuất và tạo cơ hội cho hàng Việt có đất sống. “Ai dám bắt tay với tôi ngừng gia công? Chúng tôi không thể, vì rồi cũng có doanh nghiệp khác làm và chúng tôi sẽ càng khó khăn, vì thực tế là chúng tôi sống nhờ gia công cho họ”, ông nói.
Ông Nhơn nói thêm, chỉ tính riêng sản phẩm hóa mỹ phẩm thì sản phẩm Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại vì yếu tố hương liệu kém hơn. “Do đó, cạnh tranh trực diện chỉ có bất lợi. Thay vào đó, chúng tôi cần gia công để kiếm tiền”, ông nói.
Mặt khác, theo ông Nhơn, khi gia công, các tập đoàn lớn hỗ trợ ICC đào tạo công nhân, quản lý chất lượng, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm. Qua đó, doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội học được một số công nghệ, kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý của họ để nâng cao trình độ sản xuất.
Thêm vào đó, cũng có những ý kiến cho rằng nhờ việc gia công cho đối thủ cùng lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước tận dụng được nguồn nguyên liệu dư thừa để sản xuất sản phẩm của mình. Đó cũng là một cách giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng và giảm giá bán sản phẩm so với đối thủ.