Khách hàng nhí - mục tiêu mới của truyền hình trực tuyến
Ngày nay, khi các kênh video trực tuyến không còn đủ sức hấp dẫn người lớn bên cạnh những bộ phim truyền hình dài tập bom tấn thì các hãng dịch vụ lại hướng đến một đối tượng mới: Trẻ em.
Việc HBO - kênh truyền hình đồng thời là nhà sản xuất của những loạt phim truyền hình nổi tiếng như Game of Thrones, Broadwalk Emprime… - mới đây thông báo sẽ chiếu 5 phần tiếp theo của sê-ri chương trình hoạt hình nổi tiếng Sesame Street (tạm dịch: Phố Vừng) trên kênh truyền hình cáp cao cấp và những dịch vụ trực tuyến của mình cho thấy sức ép canh tranh từ thị trường này không hề nhỏ.
Cuộc chiến của các "ông lớn"
Trang Digitaltrends trích một thống kê của tổ chức Childwise công bố hồi đầu năm nay cho biết, tính từ năm 1995, thời gian trẻ em "dán mắt" vào màn hình đã tăng gấp đôi, từ 3 giờ lên 6,5 giờ mỗi ngày.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Netflix - hãng thống trị thị trường truyền hình trực tuyến hiện nay và Amazon – "gã khổng lồ" thương mại điện tử trực tuyến lại chú ý đến tầm ảnh hướng lớn của những khán giả nhí này và thời gian gần đây đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh doanh mới.
Bloomberg dẫn số liệu thống kê của SNL Kagan từ tháng 10/2014 cho thấy, 25% nội dung được phát sóng trên Amazon hiện nay là những chương trình dành cho trẻ em. Đối với Netflix, con số này là 17%.
Đầu tháng 8, THR thống kê Netflix đã phát sóng 17 chương trình dành riêng cho trẻ em - nhỉnh hơn một chút so với 16 bộ phim hài và phim dài tập khác của hãng gộp lại. Bên cạnh đó, Netflix cũng có nhưng dự án lớn trong việc tiếp tục sáng tạo ra những nội dung phù hợp với thị hiếu của các khán giả nhỏ tuổi.
Đồng thời, hãng cũng đã cho phát sóng lại một số phim hoạt hình nổi tiếng thời thập niên 80 như Inspector Gadget (tạm dịch: Thám tử Gadget), Danger Mouse và cả những bộ phim quen thuộc với các bậc cha mẹ ngày nay như Tarzan and Jane…
Do đó, để cạnh tranh với Netflix và Amazon, HBO không còn lựa chọn nào khác là hướng đến những chương trình truyền hình dành cho trẻ em.
Bloomberg cũng chỉ ra, cho dù HBO có thu về nhiều giải thưởng tiếng tăm đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận thực tế rằng sức ảnh hưởng của Hãng vẫn thua kém so với các đối thủ khác trong ngành dịch vụ trực tuyến.
Và Sesame Street được xem là chương trình đầu tiên "châm ngòi" cho cuộc chiến giữa các "ông lớn" trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến này, theo Time.
Ưu thế của "kẻ đến sau"
Nắm trong tay 118 giải Emmy và thu hút hơn 95% khán giả nhỏ tuổi trên khắp nước Mỹ, Sesame Street được xem là một trong những chương trình thiếu nhi được yêu mến nhất và được coi nhiều nhất trên khắp thế giới. Và sắp tới đây, khán giả sẽ nhìn thấy các chú rối sặc sỡ của Sesame Street trên kênh HBO thay vì PBS Kids như trước.
Cùng với việc nắm quyền phát sóng 5 phần tiếp theo của bộ phim, HBO cho biết trên Reuters rằng Hãng sẽ nâng số lượng tập phim trong mỗi phần của Sesame Street từ 18 lên 35 tập, và Sesame Network - công ty sản xuất của bộ phim cũng hứa sẽ sản xuất thêm những nội dung khác dành cho riêng cho kênh truyền hình này.
Chiến lược trên của HBO đã khiến nhiều người dự đoán trẻ em sẽ là khách hàng tiềm năng trong tương lai mà các công ty truyền hình đang nhắm đến, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến.
Thêm vào đó, hồi tháng 3/2015, trong khi giới công nghệ vẫn còn đang "đoán già đoán non" những sản phẩm tiếp theo của Apple thông qua hàng loạt công bố mới thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình đã nhanh chóng nhìn ra hướng đi của HBO sau thông tin Apple sẽ hợp tác với kênh truyền hình này để ra mắt dịch vụ trực tuyến HBO Now cho phép người dùng xem nội dung số trên HBO thông qua Apple TV với giá 14,99 USD/tháng.
Sở dĩ HBO, Netflix hay Amazon đều cho rằng trẻ em nắm giữ tương lai của các dịch vụ video trực tuyến là vì trẻ em đang ngày càng dành nhiều thời gian cho màn hình máy tính, điện thoại trong khi các chương trình giải trí trên internet thì phát triển với tốc độ chóng mặt.
Bên cạnh đó, trong bài phân tích hôm 5/6, Time còn cho biết, so với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ chấp nhận việc phát sóng lại những nội dung mà chúng yêu thích hơn, và ở thời đại mà chúng được sinh ra thì ti vi là một khái niệm hoàn toàn khác với smartphone hay laptop. Do đó, việc theo dõi những chương trình yêu thích trên các dịch vụ trực tuyến sẽ không giống với việc bọn trẻ ngồi xem màn hình ti vi.
Đồng thời, những nhà sản xuất truyền hình thấu hiểu tâm lý các bậc cha mẹ ngày nay khi họ sẵn sàng trả tiền để con cái của mình được vui vẻ và nếu biết đứa trẻ đang mê mẩn một chương trình thiếu nhi mang tính giáo dục cao (như Sesame Street) thì cha mẹ của chúng sẽ làm mọi cách để giữ cho các tập phim được tiếp tục phát sóng.
Ngoài ra, thêm một lý do nữa để khẳng định HBO vượt trội trong cuộc chiến tranh giành thị phần này nằm ở doanh thu quảng cáo.
Đối với những dịch vụ video trực tuyến phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo thì việc phát sóng chương trình dành cho trẻ em được cho là khó phù hợp.
Điển hình là đầu năm nay, khi Youtube tung ra dịch vụ Youtube Kids dành riêng cho trẻ em thì ngay lập tức, trang mạng xã hội này đã bị lên án gay gắt bởi những người phản đối việc chèn nội dung quảng cáo vào trong chương trình dành cho thiếu nhi. “Điều này thật không công bằng và họ đang lừa dối bọn trẻ”, những người này cho biết với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, theo Bloomberg.
Và tất nhiên, việc sử dụng những chương trình trẻ em để giữ chân khách hàng vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu của "ông lớn" HBO khi mà kênh truyền hình này đã có sẵn nhiều nguồn thu khác, nhờ vào các dịch vụ và hệ thống truyền hình cáp.
Vân Thảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn