CEO Giaohangnhanh và lời giải cho bài toán 7 tỉ USD

Mới đây, công ty Giaohangnhanh đã chính thức cho mắt ứng dụng gọi xe tải Ahamove để người dùng gọi các loại xe tải nhẹ, xe ba gác khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nội thành.

Ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty Giaohangnhanh, cho biết: "Quy mô thị trường vận tải đường bộ tại Việt Nam là 7 tỉ USD mỗi năm, Tp Hồ Chí Minh đạt 700 triệu USD/năm còn Hà Nội là gần 600 triệu USD/năm. Tuy nhiên, hầu hết các xe vận tải đều không dùng hết công suất của mình. 70% xe vận tải chiều về là xe đi không. Có một sự lãng phí khủng khiếp đang diễn ra”.

Với Ahamove, CEO của Giaohangnhanh tin rằng, mình có thể giải quyết được bài toán lãng phí, cũng như gặt hái thành công tại thị trường màu mỡ chưa ai khai phá này. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi nhanh với ông Hoài về dự án mới này.

* Ông có thể chia sẻ qua ý tưởng hoạt động của Ahamove?

Ý tưởng đến từ bài toán muốn tận dụng tối đa công suất của các xe vận tải hàng. Theo viện nghiên cứu và phát triển xe Việt Nam thì 70% xe vận tải chiều về là đi xe không. Ahamove hướng tới giải quyết bài toán này. Chúng tôi muốn tận dụng tối đa công suất của xe vận tải để giảm thiểu tối đa chi phí xe chạy không và tận dụng được khung thời gian trống.

CEO Giaohangnhanh và lời giải cho bài toán 7 tỉ USD

Ahamove là nền tảng hoạt động trên hệ thống smartphone, kết nối nhu cầu của người dùng tới tài xế.

Khi người dùng có nhu cầu, tín hiệu sẽ phát từ vài trăm mét cho tới tối đa là 7 km. Những tài xế ở gần nhất sẽ nhận được yêu cầu sớm nhất và có đầy đủ thông tin về khối lượng hàng hóa, quãng đường, thời gian, thông tin khách hàng,… Tương tự, khách hàng cũng sẽ có thông tin đầy đủ của tài xế, quản lý xe chạy theo thời gian thực thông qua hệ thống bản đồ. Cả hai bên khách hàng và tài xế đều có thể chấm điểm lẫn nhau trên Ahamove.

* Thoạt nghe thì Ahamove có nhiều nét khá tương đồng với Uber?

Đúng là rất giống. Điểm khác ở đây chỉ là thay vì chở người chúng tôi sẽ tập trung vào hàng hóa. Bây giờ chỉ có 2 loại xe là xe tải và xe ba gác. Trong tương lai chúng tôi sẽ mở rộng ra nhiều loại xe hơn nhưng cũng sẽ chỉ tập trung vào vận tải hàng hóa, từ nhỏ đến lớn. Phục vụ nhu cầu tức thời của người dùng.

* Như vậy Ahamove là công ty công nghệ hay công ty vận tải?

Công nghệ. Chúng tôi thu phí 20% phí cho mỗi đơn hàng từ tài xế. Đây là khoản phí tài xế trả cho hệ thống công nghệ chúng tôi cung cấp. Ahamove là một sản phẩm công nghệ và thu phí cho dịch vụ công nghệ của mình.

* Ahamove có sợ vướng vào những vấn đề về pháp lý giống như Uber Việt Nam đang gặp phải?

Như đã nói ở trên, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Uber và Ahamove đó là chúng tôi chở hàng hóa. Điểm khác biệt này giúp Ahamove vận hành dễ dàng hơn nhiều. Với Uber, việc chở hành khách có liên quan đến an toàn, tính mạng con người nên Nhà nước quản lý rất chặt. Một doanh nghiệp chỉ có thể chở người nếu cung cấp dịch vụ taxi, là xe trong bến bãi, hoặc là người có hợp đồng với hành khách đang ngồi trên xe.

CEO Giaohangnhanh và lời giải cho bài toán 7 tỉ USD

Giao diện Ahamove khá giống Uber

Trong khi đó, chở hàng hóa đơn giản hơn rất nhiều. DN chỉ cần thỏa mãn 2 điều. Đầu tiên là tài xế và chiếc xe là pháp nhân đủ sức cung cấp dịch vụ vận tải. Ở đây là họ sở hữu chiếc xe đó và tham gia vào một hợp tác xã vận tải.

Vấn đề thứ hai đó là hàng hóa chở phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Nếu hàng để bán thì phải có hóa đơn. Chỉ với hai yêu cầu như vậy thôi là DN có thể vận tải hàng hóa được dễ dàng.

* Vậy Ahamove sẽ lấy xe từ đâu?

Xe tham gia vào hệ thống của Ahamove phải thuộc sở hữu của tài xế và thuộc một hệ thống hợp tác xã vận tải. Dù không phải là người sở hữu, chúng tôi có quy trình quản lý tài xế rất khắt khe. Bất cứ tài xế nào cũng phải có đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với chiếc xe và đủ khả năng cung cấp dịch vụ vận tải. Sau đó công ty sẽ cung cấp chương trình đào tạo cho tài xế để họ nắm vững được hệ thống trước khi tham gia.

* Trong 3 tháng thử nghiệm, Ahamove công bố có 100 tài xế, thực hiện 3.000 giao dịch và thu về 500 triệu đồng. Con số này nếu chia cho 100 tài xế thì khoản tiền thu về khá nhỏ. Liệu con số này có đủ hấp dẫn các tài xế tham gia vào Ahamove?

Thực ra trong con số 100 tài xế, chỉ có 20 tài xế đã chạy đủ trong 3 tháng thử nghiệm đầu tiên, còn đa phần các tài xế mới tham gia được 1 – 2 tuần trước khi chúng tôi chính thức ra mắt. Theo ghi nhận từ phía tài xế, việc sử dụng Ahamove giúp họ gia tăng thu nhập từ 20 – 40% so với mức trước kia.

Nếu là trước kia, các tài xế chỉ có thể chạy 1 – 2 chuyến hàng/ngày, chủ yếu là với khu vực quen, khách hàng quen. Với việc tham gia vào nền tảng của Ahamove, các tài xế có các đơn hàng cộng thêm để gia tăng thu nhập cho mình.

Theo tính toán, một xe vận tải có thể nâng tối đa công suất lên 6 -7 chuyến/ngày. Việc mới chạy với công suất 1 – 2 chuyến/ngày như hiện nay cho thấy sự lãng phí.

Theo tính toán của chúng tôi, một xe vận tải có thể nâng tối đa công suất lên 6 -7 chuyến/ngày. Việc mới chạy với công suất 1 – 2 chuyến/ngày như hiện nay cho thấy sự lãng phí. Ahamove có thể cải thiện vấn đề này.

* 3.000 giao dịch trong 3 tháng liệu quá ít?

Sở dĩ chúng tôi chưa thực hiện nhiều giao dịch vì Ahamove đang trong giai đoạn Close beta. Chúng tôi hướng tới việc thử cho khách hàng tiểu thương trước.

Khi bước vào hoạt động chính thức, Ahamove dự kiến sẽ đạt 50.000 chuyến từ giờ đến cuối năm và năm sau đạt 600.000 – 700.000 chuyến.

* Anh vừa nói đến tiểu thương. Đây có phải là nhóm đối tượng khách hàng chính mà Ahamove nhắm tới?

Chúng tôi hướng tới 3 nhóm khách hàng: Cá nhân, nhóm tiểu thương – hộ kinh doanh và Doanh nghiệp lớn. Cá nhân cũng là nhóm khách hàng quan trọng với chúng tôi. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải của họ không thường xuyên mà mỗi năm chỉ có vài ba lần. Trong khi đó, với nhóm tiểu thương – hộ kinh doanh là những người có nhu cầu vận tải cao và thương xuyên hơn. Ahamove sẽ tập trung tạo mạng lưới với nhóm này, chẳng hạn như tiểu thương bán đồ nội thất, đệm, bán ghế,…

Riêng với nhóm DN lớn, chúng tôi yêu cầu phải tài xế cấp cao trong mạng lưới mới có thể tham gia. Hiện tại, tài xế đạt rating trung bình 4.9/5, đã chạy trên 50 chuyến mới đạt yêu cầu để được đào tạo tốt hơn, sau đó mới có thể vận tải cho DN.

* Không được đầu tư lớn như Uber, Ahamove sẽ làm thế nào để thu hút mọi người sử dụng dịch vụ của mình?

Tiềm lực tài chính không cho phép chúng tôi thực hiện các chương trình như Uber hay GrabTaxi, thay vào đó, chúng tôi sẽ tập trung vào sự tiện lợi và lợi ích của Ahamove mang lại. Trước đây việc vận tải hàng gần như không có công cụ nào để quản lý. Ahamove lại có thể làm điều này theo thời gian thực.

* Tuy nhiên tiểu thương chắc chắn sẽ quan tâm tới chi phí. Nếu không có khuyến mãi nhiều như Uber, mức giá mà Ahamove đưa ra có đủ sức cạnh tranh với các mô hình truyền thống khác?

Hiện tại giá chúng tôi đưa ra ngang ngửa với mức bình quân thị trường. So với thị trường tự do thì nó đã thấp hơn một chút. Còn so với các DN vận tải khác thì tương đương.

CEO Giaohangnhanh và lời giải cho bài toán 7 tỉ USD

Vì không có trợ giá, nếu chúng tôi thu thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh thì đồng nghĩa với việc tài xế cũng sẽ có thu nhập kém hơn so với thị trường. Như vậy rất khó để thu hút họ tham gia vào hệ thống.

Do đó, chúng tôi tập trung vào trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng là chính, cho họ thấy họ có thể quản lý hàng hóa của mình tốt hơn. Trên thực tế, với sharing economy (kinh tế chia sẻ), yếu tố bắt buộc để giá thành hạ là khi thị trường có nhu cầu cao, số lượng tài xế tham gia đang kể thì giá mới có thể giảm.

* Hiện tại, Ahamove mới có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch mở rộng của công ty là như thế nào?

Chúng tôi vẫn đưa ra kế hoạch tương đối khiêm tốn. Từ giờ đến cuối năm, Ahamove sẽ chỉ tập trung hoàn thiện sản phẩm và đặt mục tiêu từ giờ đến cuối năm đạt 50.000 chuyến hàng cho tài xế. Giá trị giao dịch qua hệ thống đạt khoảng 10 tỉ đồng.

Về thị trường, sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội chắc chắn sẽ là thành phố tiếp theo. Lộ trình của Ahamove là sẽ mở ra tại 5 – 6 thành phố lớn, sau đó là giải quyết những bài toán vận tải liên tỉnh.

* Đã có giao hàng nhanh, anh có lo ngại Ahamove sẽ "chồng lấn" vào lĩnh vực kinh doanh của người đàn anh không?

Trái lại. Ahamove ra đời để giải quyết những bài toán mà giao hàng nhanh không làm được. Đó là dịch vụ giao tức thời. Giao hàng nhanh với một số lượng hàng rất là lớn, phải được đưa đến các trung tâm xử lý, phân loại và giao nhận thì không thể đáp ứng được nhu cầu giao hàng tức thời.

Trong khi đó Ahamove sẽ đáp ứng được điều đó. Giao hàng dưới 1 - 2 tiếng đồng hồ sẽ là nhu cầu gia tăng rất lớn trong thời gian tới, và Ahamove sẽ giải quyết bài toán đó.

* Xin cảm ơn ông!

Trang Lam
Nguồn Trí thức trẻ