Manchester City tới Việt Nam: Vì sao truyền thông thất bại?

Người ta không thấy một lộ trình truyền thông bài bản cho sự kiện này, cả trước, trong và sau sự kiện.

Chính ông bầu Đỗ Quang Hiển đã thừa nhận, truyền thông là điểm yếu của sự kiện này, bên cạnh việc phân phối vé. Lý do đưa ra là thời gian chuẩn bị gấp rút, tuy nhiên sau một tuần nhìn lại, có nhiều nguyên nhân khiến một sự kiện tưởng chừng sẽ hot, lại nguội đi nhanh chóng.

Manchester City là đội bóng mới nổi mấy năm gần đây, nên lượng fanbase của họ không thể bằng Arsenal, Dortmund, chứ đừng nói đến MU hay Barca (xét trên bình diện quốc tế). Không thể phủ nhận sự kiện lần này nếu so với việc Arsenal sang Việt Nam 2 năm trước thì sự háo hức cũng đã giảm đi ít nhiều. Nhưng vẫn có nhiều cách để tô điểm cho sự kiện này, nhất là khi Man City cũng tập trung nhiều cái tên quen thuộc với người hâm mộ bóng đá như Joe Hart, Sterling. Chỉ tiếc rằng thời gian quá ngắn để SHB xây dựng được một chiến lược bài bản.

Manchester City tới Việt Nam: Vì sao truyền thông thất bại?

Các lãnh đạo VFF tham dự buổi họp báo công bố sự kiện Man City lần đầu tiên đến Việt Nam - Ảnh: Phan Tùng

Đầu tiên phải kể đến thái độ tiếp cận câu chuyện.

Với Man City, dường như họ không chú trọng lắm đến trận đấu với đội tuyển Việt Nam, ngoài khía cạnh tiền bạc. Cũng dễ hiểu và khó trách cho thái độ hời hợt, vô cảm của các cầu thủ nước Anh, khi họ vừa đá xong với Real Madrid ở Melbourne, đã phải bay hơn 13 tiếng đồng hồ tới Hà Nội, đá tiếp một trận vô thưởng vô phạt và lại tiếp tục bay thẳng về Anh ngay sau trận đấu. Cho nên trong các giao kèo được tiết lộ trước sự kiện, người ta chỉ để ý tới những chi tiết về bảo vệ an ninh, mà không thấy những khía cạnh quảng bá đội bóng tới thị trường Việt Nam.

Cũng không thấy một lộ trình truyền thông bài bản cho sự kiện này, cả trước, trong và sau sự kiện.

Không khí trước trận đấu mờ nhạt, các bài viết chỉ xoáy sâu vào sự vĩ đại của Man City, họ được bảo vệ và đón tiếp ra làm sao, rất dễ gây ác cảm với những anti-fan. Thiếu vắng những TVC quảng cáo cùng băng rôn quảng bá sự kiện chạy rầm rộ khiến người ta dễ có cảm giác Man City đang có chuyến du lịch ngắn ngày tại Việt Nam, hơn là một trận so tài với đội tuyển quốc gia. Và rồi khi người ta cảm thấy thất vọng với sự lạnh lùng từ phía Man City, những scandal như fan cuồng đốt vé, running man mặc áo Bayern Munich tới sân bay cũng được đẩy không tới. Khi trận đấu diễn ra với đúng đặc trưng của sự biểu diễn, ai cũng hài lòng và chẳng ai còn buồn nhắc đến sự kiện này nữa.

Manchester City tới Việt Nam: Vì sao truyền thông thất bại?

Không khí trước trận đấu mờ nhạt, các bài viết chỉ xoáy sâu vào sự vĩ đại của Man City, họ được bảo vệ và đón tiếp ra làm sao, rất dễ gây ác cảm với những anti-fan.

Nếu so sánh với những doanh nghiệp khác làm sự kiện mời các tài năng thế giới tới Việt Nam, SHB có lẽ đã phải trả mức cao hơn mà hiệu quả mang lại không bằng. Tôn Hoa Sen mời Nick Vujicic với một chuỗi các cuộc thi và giải thưởng diễn ra trước sự kiện, đủ để gây chú ý. VPBank mời Richard Clayderman với sự khéo léo gắn tên mình với buổi hoà nhạc “Richard Clayderman in concert with VPBank”. Còn so với Hoàng Anh Gia Lai, họ thiếu đi một Running Man, người được chính Arsenal quảng bá tới toàn thế giới.

Rất trân trọng nỗ lực của ông bầu Đỗ Quang Hiển khi mang đội á quân nước Anh tới Việt Nam, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu sự kiện được truyền thông xứng đáng với công sức của ông bỏ ra. Người hâm mộ có lẽ đã lãng quên Man City và mơ về một ngày gặp MU hay Barca, chắc chắn lúc đó sự kiện sẽ tự động được hâm nóng mà không cần tới nỗ lực truyền thông.

Nguyên Linh
Nguồn Trí thức trẻ