Việt Nam - Thị trường PR đang phát triển nổi bật trong khu vực Châu Á
Trong bài phân tích này, tác giả Kim Benjamin của tạp chí PRWeek sẽ đánh giá về quang cảnh kinh tế quốc gia, tình hình truyền thông và những cơ hội cho PR tại Việt Nam.
Thông tin chung về Việt Nam
- Dân số: 91 triệu người trong đó thành thị chiếm 33%
- GDP: 186.2 tỉ đô la Mỹ
- GDP bình quân đầu người: 2.052 đô la Mỹ
- Tỉ lệ thất nghiệp: 2%
- Tuổi thọ trung bình: 76
- Tỉ lệ đói nghèo: 17% dân số (2012)
- Ngôn ngữ: tiếng Việt
Tình hình kinh tế
Sự hồi phục của nhu cầu nội địa và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã làm GDP Việt Nam quý II, năm 2015 tăng 6.4% so với cùng kì năm trước (theo số liệu của Cục Thống kê Việt Nam). Công nghiệp và xây dựng có đóng góp lớn trong sự tăng trưởng GDP, trong đó, ngành công nghiệp bán lẻ cũng có sự phát triển mạnh trong nửa đầu năm nay.
Thói quen truyền thông
Khảo sát năm 2015 về thực trạng sử dụng các phương tiện truyền thông tại Việt Nam được công bố bởi tổ chức Broadcasting Board of Governors (BBG) và Viện Gallup (cơ quan thăm dò dư luận nổi tiếng của Mỹ), đã chỉ ra sự thay đổi về cách mà người trẻ Việt tiếp cận tin tức. Họ chủ yếu sử dụng các nguồn tin tức trực tuyến trên Facebook hay Google để đọc báo, cập nhật thông tin, thời sự chứ không phải xem TV như trước đây.
Sự gia tăng ảnh hưởng của các trang mạng xã hội đồng thời cũng cho thấy người Việt đang dành ít thời gian hơn cho các kênh thông tin truyền thống như TV, báo đài. Từ năm 2010 đến 2014, thời gian xem TV trung bình hằng ngày đã giảm từ 134 phút xuống còn 108 phút, trong khi đó, thời gian sử dụng internet trung bình đã gia tăng đáng kể từ 84 phút lên 310 phút một ngày. Ngoài ra, người Việt đang có xu hướng truy cập internet bằng điện thoại di động.
Xu hướng truyền thông số
Simon Kemp, Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á tại công ty quảng cáo We Are Social phát biểu rằng, một trong những xu hướng truyền thông số chủ chốt tại Việt Nam là những ứng dụng trò chuyện trên điện thoại.
“Tại Việt Nam, 87% người sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị di động, điều này cũng cho thấy rằng số người chỉ sử dụng thiết bị di động nhiều hơn so với chỉ sử dụng máy tính cá nhân. Việc chuyển qua các ứng dụng trò chuyện trên điện thoại cũng dẫn đến sự khác biệt trong hành vi. Ứng dụng trò chuyện trên điện thoại là nơi của những cuộc đối thoại thời-gian-thực (real-time conversation) chứ không còn là những câu chuyện được chọn lọc kỹ càng trên các trang mạng xã hội như Facebook, nơi người ta chỉ chọn đăng những tin tức nổi bật trong cuộc sống của họ - thường có nội dung liên quan đến một bên thứ ba hơn là những cập nhật về hoạt động thường ngày của họ.”
Những cuộc đối thoại hằng ngày đã được chuyển lên ứng dụng trò chuyện qua điện thoại, và theo đó, đây trở thành nơi chiếm nhiều thời gian và sự chú ý của người dùng. Nghiên cứu về Truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội và thiết bị di động tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 thực hiện bởi We Are Social cùng với IAB Singapore, cho thấy rằng Facebook Messenger và Viber là hai nền tảng hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam.
Kemp cũng nói thêm rằng những nền tảng đại chúng như Facebook và Twitter đang dần trở thành nơi của những nội dung được chọn lọc hơn là nơi người ta kết nối với bè bạn.
Phân tích của chuyên gia
Hùng Võ – CEO, REDDER Advertising
Ông Hùng Võ cho rằng PR tại Việt Nam đang bắt đầu phát triển mạnh, với sự gia tăng nhu cầu về những dịch vụ truyền thông phức tạp hơn, như dự báo và quản lý khủng hoảng hay chiến lược tiếp thị nội dung,... Và trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số phát triển với tốc độ chóng mặt và việc sử dụng thiết bị di động đang gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ, có thể thấy các chiến dịch đang hướng dần về truyền thông kỹ thuật số là chủ đạo, và kết hợp cả hai hình thức trực tuyến và PR truyền thống.
“Thách thức lớn các PR agency như chúng tôi đang phải đối mặt là phải trở nên “kỹ thuật số hơn”, phải không ngừng tạo ra các tương tác thực hiệu quả giữa thương hiệu và người tiêu dùng dựa trên việc phải xây dựng được các nội dung người tiêu dùng đánh giá cao; và phải chứng minh được với khách hàng về vai trò và hiệu quả của PR đối với việc phát triển thương hiệu & doanh số của họ”, ông Hùng Võ chia sẻ, “Người tiêu dùng hiện tại đã không còn hứng thú với quảng cáo thuần túy. PR cần phải hướng đến việc tạo ra các nội dung tốt phù hợp để phát triển trên cả các kênh trực tuyến và truyền thống, phải tạo ra những tương tác và kết quả cụ thể có thể đo lường được”.
REDDER Advertising được thành lập từ năm 2012, là agency chuyên cung cấp dịch vụ PR, content & social marketing, và là agency đứng sau những chiến dịch PR nổi bật gần đây tại Việt Nam như Vinacafé Tết – The Cup of Love (sử dụng PR để khuyến khích người trẻ Việt Nam thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ), chiến dịch viral Oreo Tết 2015, hay gần đây nhất, REDDER đã thực hiện một chiến dịch PR khá đình đám để xây dựng sự yêu thích của người tiêu dùng với nhãn hàng nước mắm Nam Ngư.
Bùi Ngọc Anh, Managing Director, AVC Edelman
Ông Bùi Ngọc Anh, người sáng lập AVC vào năm 2000, hiện là Giám đốc Điều hành của AVC Edelman, phát biểu rằng với việc nhiều công ty đa quốc gia mới đang được xây dựng tại Việt Nam, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về tư vấn thâm nhập thị trường, bao gồm các lĩnh vực quan hệ công, xây dựng và tương tác với các nhà đầu tư, quản lý khủng hoảng, các chương trình gắn kết nhân viên và phát triển danh tiếng công ty.
Năm nay, AVC Edelman đã thực hiện chiến dịch tăng độ nhận biết của công chúng về Shell tại Việt Nam trước thềm Sự kiện Shell Eco-marathon Asia 2015, cuộc thi thách thức sinh viên toàn thế giới thiết kế, tạo ra và điều khiển những chiếc xe tiết kiệm năng lượng nhất. Chiến dịch nhắm vào thế hệ millenial (những người trẻ sinh vào khoảng đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000), với nội dung hướng đến việc tiết kiệm năng lượng và được truyền thông thông qua mạng xã hội, các kênh kỹ thuật số khác, và các kênh truyền thống.
Trong những năm gần đây, các thương hiệu tại Việt Nam đang dần chuyển qua những nền tảng co-creation với người tiêu dùng, nhằm tạo ra các cuộc đối thoại giữa thương hiệu và người tiêu dùng của họ. Và ông Bùi Ngọc Anh tin rằng PR chính là công cụ hiệu quả để gắn kết và thu hút sự tham gia của khách hàng trong dài hạn, và đó là lý do PR đang được các marketer tại thị trường Việt Nam sử dụng nhiều hơn.
Dân số trẻ của Việt Nam cũng đang tạo ra sự thay đổi. Người tiêu dùng Việt Nam, với hơn một nửa dân số dưới 25, đang tìm kiếm những nội dung hay trên internet và tin tưởng các nội dung được lan truyền nhiều hơn. Trong khi đó, các marketer cũng đang tìm kiếm xây dựng những chiến dịch truyền thông tích hợp trải dài từ các kênh truyền thống đến mạng xã hội trong nỗ lực tiếp cận và tương tác với các nhóm khách hàng của họ.
Đối với AVC Edelman, thử thách lớn nhất mà tập đoàn phải đối mặt là tìm kiếm những chuyên viên PR có kinh nghiệm trong những lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt về truyền thông số và mạng xã hội.
Ông Bùi Ngọc Anh nói thêm, “Tại Việt Nam, PR vẫn còn khá mới, chưa có nhiều những khoá đào tạo học thuật phù hợp cho người trẻ có hứng thú với lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng tôi đã thấy nhiều công ty quảng cáo đã chủ động nỗ lực tìm kiếm những tiềm năng trẻ, đào tạo và bồi dưỡng những tiềm năng này để có thể phát triển nguồn lực nhân sự cho công ty.”
Với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh kĩ thuật số, các công ty PR tại Việt Nam nếu có trang bị tốt về mảng sản xuất và sáng tạo ở các kênh này, và có khả năng tư vấn cho khách hàng những chiến dịch truyền thông tích hợp mang tính chiến lược, tập trung vào nội dung và ý tưởng, sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn cả.
Tập đoàn PR toàn cầu Edelman, đã có mặt tại Việt Nam trong năm 2012 thông qua sự sát nhập với AVC Communications, hình thành AVC Edelman. Kinh tế phát triển bền vững và sự gia tăng được báo trước trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã cho AVC Edelman cái nhìn lạc quan về ngành PR trong nước.
Ngọc Vương / Brands Vietnam
Nguồn PRWeek