6 chiến thuật tiếp thị bằng video trên Youtube

Những ấn tượng do các video tạo ra cũng đồng nghĩa với sự gia tăng trong quyết định mua hàng của khách hàng. Theo MultiVision Digital, một công ty chuyên sản xuất video chuyên nghiệp thì có tới 64% người tiêu dùng có xu hướng đưa ra quyết định mua một sản phẩm sau khi đã xem đoạn phim video quảng cáo của sản phẩm đó.

Hiện nay, các thương hiệu lớn trên thế giới cũng rất thường xuyên sử dụng các video trên Youtube để tăng nhận diện của thương hiệu, đặc biệt là các nhãn hiệu tiêu dùng lớn trên thế giới như OMO, Coca-Cola, hay Dutch Lady…

Trước khi đi sâu vào quyết định sử dụng video marketing qua Youtube, có một điều quan trọng bạn cần hiểu: Bạn đang kể một câu chuyện về chính bạn, sản phẩm của bạn, chứ một video để gây dựng sự nổi tiếng cá nhân, do vậy hãy tập trung vào độ gắn kết, tương tác với khách hàng, thay vì đơn thuần nhìn vào con số lượt người xem video đó. Nói cách khác, không nhất thiết phải có một video có tính lan truyền mới có thể thu được hiệu quả.

Hãy cùng tham khảo một vài chiến thuật tiếp thị qua video trên Youtube dưới đây:

1. Sử dụng những đoạn video ngắn

Một phân tích gần đây của trang Socialbakers chỉ ra rằng, những video trên Youtube có độ dài dưới 2 phút thường chiếm tới 50% tổng số những video được xem nhiều nhất.

6 chiến thuật tiếp thị bằng video trên Youtube

Đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Bởi sự thật là chẳng ai muốn bỏ thời gian ra xem những đoạn video dài dòng nói về lịch sử hình thành của một doanh nghiệp hay chi tiết việc sản phẩm của bạn được tạo ra ở đâu.

Đừng cố đưa quá nhiều thông tin vào video một lúc, thay vào đó hãy cố gắng giữ cho nội dung thông điệp được truyền tải một cách cô đọng và súc tích.

Một lý do khác để doanh nghiệp cần giữ cho nội dung câu chuyện của mình thật ngắn gọn là Youtube gần đây đã cho thay đổi cách tính lượt người xem các video. Theo cách tính mới, những video nào được xem từ đầu tới cuối sẽ được tính lượt xem cao hơn so với những video bị dừng lại giữa chừng. Do vậy, luôn ghi nhớ rằng chất lượng người xem quan trọng hơn nhiều so với số lượng người xem.

2. Tạo một kênh video riêng cho thương hiệu

Trừ khi bạn chỉ có ý định sử dụng video quảng cáo một lần, nếu không, bạn nên tạo hẳn cho thương hiệu của mình một kênh video riêng trên mạng xã hội.

Việc thương hiệu sở hữu một tài khoản riêng không chỉ khiến cho những đọan video trở nên chuyên nghiệp hơn và còn giúp tăng mức độ phủ sóng của thương hiệu trên mạng internet.

Sở hữu một tài khoản riêng trên Youtube tức là thương hiệu đã mở cho người tiêu dùng thêm một kênh khác để tiếp cận với các sản phẩm của mình. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích đăng kèm câu khẩu hiệu, logo của thương hiệu trên các kênh này để tạo hiệu ứng chuyên nghiệp hơn.

Chẳng hạn, kênh Youtube video của thương hiệu Beardbrand – một cửa hàng online chuyên cung cấp các bộ sản phẩm chăm sóc râu dành cho phái mạnh là một ví dụ điển hình về một thương hiệu triển khai rất tốt các yếu tố của một kênh video chuyên nghiệp. Nếu như quan sát kỹ, khách hàng sẽ thấy logo của Beardbrand được đặt bên phải của banner thương hiệu cùng với hàng loạt bài nhận xét và hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Tất cả các video đều mang tính giải trí rất cao và chính là một kênh khác để khách hàng cảm thấy gắn kết và gần gũi hơn với sản phẩm. Với con số người theo dõi (followers) lên tới 10.000, rõ ràng Beardbrand là một ví dụ điển hình về thành công nhờ quản lý tốt kênh video trên mạng xã hội.

6 chiến thuật tiếp thị bằng video trên Youtube

Video clip của Beardbrand

3. Thường xuyên cập nhật nội dung mới

Nếu thương hiệu của bạn quyết định chọn marketing qua Youtube thì bạn cần có một sự cam kết lâu dài. Hãy chắn chắn rằng bạn có thể đều đặn đăng tải những nội dung mới lên kênh của mình và thường xuyên nghĩ ra những chiến lược đa dạng để thu hút lượt người xem.

Cần nhớ rằng Youtube cũng giống như nhiều mạng xã hội khác, nếu không được thường xuyên cập nhật sẽ dễ dàng bị rơi vào quên lãng. Bạn rất nên cân nhắc đăng tải video mới mỗi tháng một lần, hoặc tốt hơn là 2 tuần 1 lần nếu điều kiện cho phép.

4. Sử dụng những dữ liệu phân tích để đánh giá hiệu quả

Đừng quên rằng Youtube cung cấp khá nhiều dữ liệu phân tích cho từng video của bạn và hãy tận dụng những dữ liệu này. Những dữ liệu được cung cấp không chỉ bao quát mà còn đủ chi tiết để bạn biết được chính xác video nào hiệu quả, video nào không. Đồng thời, việc rà soát các thông tin này giúp bạn đánh giá được mình nên điều chỉnh lượng xem các video như thế nào, khám phá đâu là những thời gian “vàng” để chia sẻ video cũng như đặc điểm nhân khẩu của những người xem video.

Với thay đổi gần đây về cách tính lượt người xem trên mỗi video của Youtube, việc biết được có bao nhiêu người đã xem hết video của bạn rất có ích. Thông qua con số này, bạn không những nắm được khả năng giữ chân người xem của video mà còn có thể xác định những đoạn nào trong video mà người xem thường tua qua, từ đó điều chỉnh các phần nội dung chưa được ổn.

5. Sử dụng chú thích để kết nối với người xem

Bên dưới các video đăng trên Youtube của bạn có những ô nhỏ trông giống như phần bình luận hoặc để đường link “Subscribe” – đăng ký theo dõi, được gọi là phần chú thích.

Chú thích là một tính năng mà Youtube cho phép người dùng để chữ hoặc các đường liên kết bên dưới video của mình. Bạn có thể chèn thêm những câu cảm thán hài hước, vài dòng bình luận liên quan đến nội dung video, kêu gọi lượt người đăng ký theo dõi hoặc chèn các đường liên kết từ các trang bên ngoài Youtube.

Sử dụng thành thạo phần chú giải sẽ giúp bạn gia tăng đáng kể lượt người xem và đăng ký cho kênh của mình.

Lưu ý: Không nên chèn quá nhiều liên kết và ô chữ vào video bởi điều này sẽ dễ khiến video trở nên lộn xộn. Hãy nhớ rằng mục đích chính của người đọc vẫn là xem video chứ không phải là để đọc những thứ khác.

6. Làm PR

Nhớ rằng YouTube là một công cụ tìm kiếm, do vậy nên bạn cần phải tối ưu hóa công cụ tìm kiếm video của mình bằng các cách như đã nêu ở trên: đặt tiêu đề hấp dẫn, có phần chú giải đầy đủ, chọn từ khóa phù hợp...

Hãy xem các video của bạn như những bài đăng trên trang nhật ký điện tử và thường xuyên tuyên truyền chúng qua các trang mạng xã hội khác như Twitter, Facebook. Bạn nên chủ động quảng bá các video của mình dù cho việc này không tạo được hiệu ứng lan truyền thông tin quá lớn. Hãy chia sẻ các đoạn video qua mạng xã hội, hoặc hợp tác với các blogger khác để họ đặt liên kết tới video của bạn và đừng quên tìm đối tượng người xem phù hợp cho video của mình.

Cuối cùng, đừng quên rằng kể cả những phương pháp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm tốt nhất cũng không thể cứu vãn nổi một video có nội dung tệ hại. Cách tốt nhất để nâng cao thứ hạng trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm đó là tập trung tạo ra một nội dung thật hấp dẫn có khả năng thu hút người xem.

Trần Huyên / Shopify
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn