Những nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn trong giới doanh nhân
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, với khả năng hình thành lên những tư duy mới trong lĩnh vực quản trị hiện đại, họ là người dẫn đường cho hàng triệu doanh nhân thế kỷ 21 trên toàn thế giới bước đến thành công trong kinh doanh.
1. Michael Porter
Michael Eugene Porter (sinh năm 1947) là Giáo sư của Đại học Harvard, Hoa Kỳ; nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới; chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách cạnh tranh của thế giới; là cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh của các quốc gia. Michael E. Porter là cố vấn trong lĩnh vực cạnh tranh cho lãnh đạo nhiều nước như Hoa Kỳ, Ireland, Nga,Singapore, Anh. Ông đã được chính phủ nhiều nước mời tư vấn về chiến lược cạnh tranh quốc gia. Năm 2009 và 2010, ông chủ trì thực hiện “Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010”.
Michael Porter là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Đại học Harvard. Những tác phẩm kinh điển như “Chiến lược cạnh tranh” (competitive strategy), “Lợi thế cạnh tranh” (competitive advantage) và “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” (competitive advantage of nations) được xem như là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 30 năm qua.
2. Peter Drucker
Peter Ferdinand Drucker (sinh năm 1909 - mất năm 2005) là chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn “Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21”. Những đóng góp của ông được đánh giá rất cao, tạp chí Financial Times (Thời báo Tài Chính) đã bình chọn ông là 1 trong 4 nhà Quản lý bậc thầy của mọi thời đại (cùng với Jack Welch, Philip Kotler và Bill Gates)
Hai cuốn sách đầu tiên của ông "Kết cuộc của con người kinh tế" (1939) và "Tương lai con người công nghiệp" (1942) đã tạo ra 1 bước ngoặt mới, giúp ông tiếp cận với 1 trong những tập đoàn lớn nhất thế giới lúc đó là General Motors(GM). Cuốn sách tiếp theo của ông "Khái niệm công ty" đã nhanh chóng trở thành best seller, và vẫn còn được tái bản tới ngày nay. Nội dung sách viết về những điều ông rút ra đựoc trong quá trình làm cố vấn cho GM, đồng thời chỉ ra những khái niệm mới về "phân cấp", "phân quyền"... đã trở thành phong trào trong quản trị hiện đại.
Ông nắm giữ 25 chứng chỉ học vị tiến sĩ các loại của các trường Đại học từ Hoa Kỳ, Bỉ, Czech, Anh, Tây Ba Nha cho đến Thụy Sĩ.
3. Philip Kotler
Philip Kotler sinh năm 1931 tại Chicago, Hoa Kỳ; là Giáo sư Marketing nổi tiếng thế giới; “cha đẻ” của marketing hiện đại, được xem là huyền thoại duy nhất về marketing, ông tổ của tiếp thị hiện đại thế giới. Ông là giáo sư của Trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ; là chuyên gia hàng đầu của Tập đoàn tiếp thị Kotler trong lĩnh vực hoạch định chiến lược marketing, và là giáo sư tại các trường đại học như Johnson & son, Viện Marketing Kellogg. Ông đã từng tư vấn cho nhiều chính phủ và các công ty nổi tiếng trên thế giới như IBM, General Electric, AT&T, Honeywell, Bank of America, ... Những nguyên lý và phương pháp tiếp thị của ông được tiếp nhận, áp dụng rộng rãi trong giới kinh doanh toàn cầu.
Kotler là người đi tiên phong trong việc phổ biến khái niệm “marketing xã hội” (social marketing) và “trách nhiệm xã hội của marketing” - Những tư tưởng này có ảnh hưởng rất sâu rộng đến giới kinh doanh trên toàn thế giới trong suốt nhiều thập niên. Qua đó cũng đã góp phần xây dựng một nền kinh doanh nhân bản hơn và kiến tạo một xã hội toàn cầu tốt đẹp hoàn hảo hơn.
4. James C. Collins
James C. Collins sinh năm 1958 tại Hòa Kỳ. Ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu tại đại học Đại học Stanford, nơi ông nhận được giải thưởng giảng dạy sắc trong năm 1992. Năm 1995, ông thành lập ra viện nghiên cứu về quản trị tại thành phố Boulder thuộc tiểu bang Colorado. Trong thời gian đó, ông là cố vấn cao cấp cho CNN International và nhiều tổ chức lớn.
Ông là cha đẻ của thuyết quản trị phát triển bền vững và là tác giả, đồng tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như Xây dựng để trường tồn(Build to Last), Từ Tốt Đến Vĩ Đại (Good to Great), Great By Choice,... Buid to Last đã được dịch ra 25 thứ tiếng và luôn nằm trong những cuốn sách bán chạy nhất do Business Week xếp hạng trong vòng 6 năm qua. Good to Great đã bán được 2,5 triệu cuốn ngay từ khi xuất bản và được dịch ra 32 ngôn ngữ.
Ngoài ra, ông là một nhà tư vấn kinh doanh cho các công ty hàng đầu của thế giới và thường xuyên có Các bài viết xuất hiện trên Harvard Business Review, Business Week, Fortune…
5. Patrick Dixon
Patrick Dixon sinh năm 1957 tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh. Ông được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới như là một nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó đặc biệt là lĩnh vực tương lai học. Ông được Wall Street Journal đánh giá là nhà tương lai học hàng đầu của thế giới và đã có nhiều dự đoán chính xác về khủng hoảng tại Hy Lạp, sự đi lên của những nền kinh tế mới nổi…
Nhiều năm liền, ông được Thinkers50 xếp cùng nhóm với các tên tuổi lớn khác như Michael Porter, Phillip Kotler hay Bill Gate trong danh sách những nhà tư tưởng quản trị xuất sắc nhất thế giới.
Hiện ông là Chủ tịch của Global Change, một tổ chức chuyên tư vấn chiến lược phát triển cho các công ty đa quốc gia như: Google, Microsoft, IBM, KLM, Air France, BP, ExxonMobil, World Bank, Siemens, Ford, Prudential, Aviva, Barclays, UBS, CreditSuisse, Freshfieds, PricewaterhouseCoopers, HewlettPackard, Gillette, Roche, Forbes, Fortune, BBC, Fedex,…
Bên cạnh đó, Patrick cũng là tác giả của 15 cuốn sách được xếp vào danh mục các đầu sách bán chạy nhất tại Mỹ và Châu Âu. Trong đó, cuốn Futurewise được dịch ra tới 27 thứ tiếng. Trang web cá nhân của ông đã có hơn 14 triệu người sử dụng và trao đổi thông tin với số lượng xem các video chia sẻ của ông là hơn 4 triệu lượt.
6. Thomas Friedman
Thomas Friedman (sinh năm 1953) là phóng viên kì cựu của tờ báo nổi tiếng The New York Times, nơi ông đã làm việc trong gần 30 năm và kinh qua nhiều vị trí khác nhau trên khắp thế giới. Ông đã viết nhiều về các vấn đề nước ngoài bao gồm cả thương mại toàn cầu, Trung Đông, toàn cầu hóa, và các vấn đề môi trường và đã 3 lần giành được giải thưởng Pulitzer, giải thưởng danh giá nhất của Mỹ về văn học và báo chí.
Thế giới biết tới Thomas Friedman qua những cuốn sách của ông nhiều hơn là những bài bình luận trên New York Times; trong đó nổi tiếng nhất là hai tác phẩm "Chiếc Lexus và cây Ô-liu" (1999), và "Thế giới phẳng" (2005).
Tác phẩm của Thomas Friedman nằm trong top best seller của New York Times trong nhiều năm. Trong đó, Friedman đã đưa ra nhiều đánh giá của mình về các xu hướng kinh tế mới như outsourcing, insourcing, và offshoring; đồng thời nhận định về hệ thống kinh tế toàn cầu đang ngày càng gắn kết với nhau, với hệ quả là tạo ra một "thế giới phẳng", khi các rào cản về kinh tế - chính trị - xã hội - tôn giáo đang bị bào mòn dần.