Kinh tế Châu Á "mắc kẹt" với thị trường bia rượu?

Rượu bia không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người mà còn tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Á.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời David Jernigan - Giám đốc Trung tâm Alcohol Marketing and Youth của Trường Y tế Cộng đồng Hopkins cho biết: “Việc các quốc gia “lờ” đi trách nhiệm xây dựng hoặc củng cố khung pháp lý liên quan đến bia, rượu sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của họ”.

Siết quy định sử dụng để bảo vệ giới trẻ

Trong vài năm trở lại đây, Thái Lan, Indonesia và một số tỉnh ở Ấn Độ đã cố gắng áp dụng nhiều chính sách nhằm kiềm chế nhu cầu dùng bia rượu của người dân.

Theo đó, chính phủ Indonesia ngày 16/4 đã ban hành luật cấm hơn 70.000 cửa hàng nhỏ lẻ được phép buôn bán rượu, với mục đích nhằm "bảo vệ thanh thiếu niên Indonesia", theo Wall Street Journal.

Thái Lan cũng vừa phê duyệt một luật mới (The Alcohol Control Act), trong đó quy định cấm bán đồ uống có cồn trong bán kính 300m quanh các trường đại học và cao đẳng.

Kinh tế Châu Á mắc kẹt với thị trường bia rượu?

Trước đó, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Thái Lan nằm trong số những nước có nguy cơ cao nhất cho số vụ người chết liên quan đến rượu hoặc tai nạn. Năm 2008, chỉnh phủ nước này cũng đã nâng số tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 20 tuổi.

Bloomberg dẫn lời Rehm, người từng làm việc với chính quyền Thái Lan về các chương trình về bia rượu cho biết: "Thái Lan có sẵn một cơ chế cho phép họ đánh thuế lên bất kỳ thức uống nào hấp dẫn đối với giới trẻ”.

Nghịch lý khó giải

Không giống như một số nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Myanmar không đưa ra những chính sách hoặc kế hoạch hành động quốc gia nào để giải quyết vấn đề trên, cũng không hề có các yêu cầu pháp lý đối với việc quảng cáo rượu hay tuyên truyền những cảnh báo về sức khỏe - WHO cho biết trong một báo cáo toàn cầu năm 2014.

Việc Chính phủ Myanmar "nới lỏng" các quy định về sử dụng bia rượu ở thời điểm hiện tại cũng không quá khó hiểu. Nhận định của Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Heineken Roland Pirmez có thể giải thích điều đó: "Myanmar có tiềm năng phát triển rất lớn trong ngành công nghiệp bia. Tất cả các đối thủ quốc tế đều đang nhòm ngó thị trường này”.

Một số quốc gia ban hành lệnh cấm buôn bán bia rượu cũng vấp phải sự phản đối của người dân, đa số trong đó là những người kinh doanh dịch vụ du lịch.

Tiểu bang Kerela của Ấn Độ mặc dù đã ban hành lệnh cấm buôn bán rượu trong 10 năm, tuy nhiên 23 khách sạn 5 sao và hơn 100 quán rượu vẫn được cấp phép hoạt động, bởi đây là địa điểm khách du lịch thường xuyên lui tới.

Kinh tế Châu Á mắc kẹt với thị trường bia rượu?

(Trái) Biểu đồ so sánh tốc độ tăng trưởng ngành đồ uống có cồn ở Việt Nam so với nền kinh tế. (Phải) Biểu đồ tăng trưởng doanh số đồ uống có cồn trung bình giai đoạn 2009-2014. Nguồn: VietinbankSc

Trong số các khu vực trên thế giới, châu Á được xem là thị trường tiêu thụ rượu bia tiềm năng nhất với sản lượng tiêu thụ tăng cao hàng năm. Reuters ngày 22/4 đưa tin sản lượng và doanh thu của Heineken trong quý I/2015 tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á, đặc biệt tại 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Trong 5 năm qua, doanh thu của thị trường bia ở Việt Nam đã tăng với tốc độ gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP, theo số liệu của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

Bloomberg cũng dẫn lời Michel Doukeris, Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev NV, cho biết: “Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực lớn thứ 3 trên thế giới đối với AB InBev, và Việt Nam được xem là điểm đến tiếp theo của chúng tôi trong khu vực Đông Nam Á”.

Đông Nam Á cũng là nơi hai thương hiệu bia Heineken và Carlsberg đang tranh giành sự thống trị bất chấp sự bất ổn tại một số quốc gia như Indonesia, theo Financial Times.

Do đó, không khó nhận ra ngành công nghiệp rượu bia đang phát triển thịnh vượng tại Châu Á khi doanh thu liên tục tăng cùng độ tuổi uống bia ngày càng trẻ. Kết quả này khiến nhiều quốc gia "đau đầu" khi chúng tác động trực tiếp đến lực lượng lao động nơi đây.

Vân Thảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn