Chi phí bán hàng của Vinamilk "khủng" như thế nào?

Các đại gia ngành thực phẩm luôn chi rất mạnh cho công tác bán hàng.

Ngành hàng tiêu dùng nói chung và thực phẩm nói riêng luôn cần phải chi rất mạnh cho hoạt động bán hàng với các khoản chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi, xây dựng hệ thống phân phối…

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thực phẩm và chi phí cho bán hàng của công ty cũng “khổng lồ”.

Chi phí bán hàng của Vinamilk khủng như thế nào?

Cơ cấu các khoản chi thành phần trong chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm 2012 của Vinamilk

Trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí bán hàng tăng 30% từ 1.266 tỷ lên 1.645 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong chi phí bán hàng là các khoản chi cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ nhà phân phối.

Trong cơ cấu của chi phí bán hàng, chi phí khuyến mãi đã vươn lên thành khoản chi phí lớn nhất, với 463 tỷ đồng – tăng 42% so với 9 tháng đầu năm 2011.

Năm ngoái, thay vì gia tăng quảng cáo, Vinamilk cũng đã tăng gần gấp đôi chi cho khuyến mãi, từ 268 tỷ lên 502 tỷ đồng. Trong khi đó, chi quảng cáo năm 2011 giảm từ 485 tỷ xuống 400 tỷ đồng.

Chi phí quảng cáo trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng trở lại, đạt mức 392 tỷ đồng (tăng 27%).

Như vậy chi phí quảng cáo và chi phí khuyến mãi trong 9 tháng đầu năm nay đã xấp xỉ với cả năm ngoái.

Chi mạnh cho công tác bán hàng, doanh thu thuần của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25% lên mức 19.707 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 32% lên 4.146 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng của Vinamilk khủng như thế nào?

Doanh thu và chi phí bán hàng (tỷ đồng) của Vinamilk qua các năm

Một đại gia ngành thực phẩm khác là Masan Consumer đã chi hơn 900 tỷ cho công tác bán hàng trong 9 tháng đầu năm nay, chiếm 13,4% doanh thu thuần, tương đương với tỷ lệ của Vinamilk cách đây 5 năm.

Hai năm gần đây, chi phí bán hàng/doanh thu của Vinamilk ổn định ở mức hơn 8%.

Doanh thu của Masan Consumer hiện mới chỉ bằng ¼ so với Vinamilk và công ty đang phải chi rất mạnh để gia tăng thị phần trong ngành mì ăn liền, cà phê cũng như duy trì thị phần chi phối tại ngành hàng nước chấm.

Cuối năm ngoái, Masan Consumer mới chỉ chiếm 16% thị phần mì ăn liền, năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi lên 25-30% thị phần.

Nguồn Chiến lược Marketing