Làm sao bảo vệ cho thương hiệu không bị đánh cắp?
Ðể tránh lặp lại các trường hợp của cà phê Buôn Mê Thuột hay nước mắm Phú Quốc, doanh nghiệp cần dự phòng trước cho những thị trường quốc tế tiềm năng.
Vào siêu thị ở Mỹ, không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy hàng loạt các sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột hay kẹo dừa Bến Tre. Chỉ có điều đó là nước mắm Phú Quốc của Thái Lan, cà phê Buôn Mê Thuột và kẹo dừa Bến Tre của Trung Quốc.
Mới đây, tỏi Lý Sơn cũng gặp khó trên thị trường bởi người tiêu dùng không nhận biết được đâu là tỏi Lý Sơn chính gốc. Thực tế, tất cả các thương hiệu và chỉ dẫn địa lý của doanh nghiệp, hiệp hội hay thậm chí là của quốc gia nếu chậm đăng ký sở hữu ở thị trường nước ngoài tiềm năng sẽ đều có nguy cơ bị mất. Kéo theo là những vụ kiện tụng kéo dài làm suy yếu khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trả giá cho sự chậm trễ
Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Bross & Partners, cho biết cùng với việc đăng ký chậm trễ, còn có hai nguyên tắc nội tại của Luật Sở hữu Trí tuệ khiến thương hiệu dễ bị chiếm đoạt.
Một là nguyên tắc giới hạn quyền độc quyền theo lãnh thổ. Vì đặc trưng của quyền sở hữu công nghiệp, chẳng hạn như quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… bị giới hạn theo lãnh thổ. Ðiều này có nghĩa là đăng ký ở đâu thì chỉ được hưởng quyền độc quyền ở lãnh thổ đó, mà không mặc nhiên phát sinh hiệu lực ở lãnh thổ nước ngoài.
Thứ hai là nguyên tắc ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước. Hầu hết luật nhãn hiệu các nước trên thế giới (ví dụ như Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 hay Luật Nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001) đều quy định chỉ đơn đăng ký nhãn hiệu nào được nộp sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu đó thì mới được cấp đăng ký bảo hộ.
Thực tế cho thấy, thương hiệu của một doanh nghiệp (mang tính chất tài sản tư nhân) khi bị mất, thường chủ sở hữu đều có phản ứng nhanh và dứt khoát. Còn với các thương hiệu mang tính chất tài sản chung (thương hiệu quốc gia, thương hiệu các hiệp hội nghề nghiệp...) thì việc đăng ký hay bảo hộ đều xử lý chậm. Đa phần do là tài sản chung, nên việc tập hợp các doanh nghiệp để tiến hành đăng ký gặp nhiều khó khăn. Khi doanh nghiệp Việt Nam còn loay hoay với bài toán nội tại thì thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Thương hiệu mang tính chất tài sản chung (thương hiệu quốc gia, thương hiệu các hiệp hội nghề nghiệp...) thì việc đăng ký hay bảo hộ đều xử lý chậm.
Trước đây, do phía Việt Nam phát hiện thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột bị đăng ký bất hợp pháp quá muộn, Công ty Guangzhou đã được cấp đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Khi đó, phía Việt Nam phải tiến hành thủ tục hủy bỏ đăng ký bất hợp pháp, thời gian thực hiện thủ tục từ 2-3 năm. Còn nếu phát hiện sớm khi Công ty Guangzhou nộp đơn đăng ký, chỉ cần thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký có thời gian chỉ 6-12 tháng.
Rõ ràng, hậu quả của sự chậm trễ này sẽ dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài hao tốn của cải và thời gian. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng công ty ngoại có chủ trương đăng ký thương hiệu của Việt Nam với mục đích lôi kéo doanh nghiệp Việt vào các vụ kiện kéo dài, tốn kém, làm suy yếu khả năng cạnh tranh.
Bảo vệ phải chủ động
Hiển nhiên, thương hiệu bị đánh cắp thì phải đòi lại. Trong vụ việc cà phê Buôn Mê Thuột, chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc hủy nhãn hiệu này còn cao hơn chi phí thương lượng hòa giải lấy lại nhãn hiệu.
Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn từ chối thương lượng. Bởi lẽ, việc này chẳng khác nào tạo ra tiền lệ xấu: mình đi mua lại thương hiệu của chính mình. Vẫn còn không ít các thương hiệu như vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn, nhãn lồng Hưng Yên... luôn ẩn chứa nguy cơ bị “đánh cắp” hòng làm giá. Nhưng với cơ sở pháp lý vững chắc, việc kiện đòi thương hiệu giống trường hợp cà phê Buôn Mê Thuột hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Những toan tính để đòi lại thương hiệu bị mất cần dựa trên cơ sở cân đối giữa các lợi ích, đảm bảo sự phát triển của thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ðể tránh sự việc đáng tiếc như thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột hay nước mắm Phú Quốc, các doanh nghiệp cần có dự liệu sâu xa với những thị trường quốc tế tiềm năng.
Luật sư Lê Quang Vinh cho rằng, trước tiên, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo vệ quyền độc quyền thương hiệu của mình ở Việt Nam. Sau khi xác định các thị trường trọng điểm mà mình đang xuất khẩu, tiếp tục đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường đó càng sớm càng tốt.
“Đối với các thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có dự định xuất khẩu trong vòng từ 3-5 năm tới, cũng nên có lộ trình đăng ký sẵn. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn để hiểu biết về luật pháp nước ngoài, đảm bảo phạm vi bảo hộ tốt mà vừa đảm bảo chi phí tiết kiệm nhất”, ông Vinh chia sẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng dịch vụ theo dõi của các chuyên gia để thường xuyên được cập nhật về việc nộp đơn đăng ký thương hiệu của các đối thủ ở nước ngoài. Từ đó mới có thể phát hiện sớm các đơn đăng ký trái phép.
Đình Bắc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư