Người hùng Akio Toyoda và cuộc lột xác tại Toyota
Chỉ 8 tháng “cầm cương” tại Toyota, ông Akio Toyoda đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của mình: giải quyết cuộc khủng hoảng thu hồi xe ô tô và giảm lỗ. Ông đã vượt qua khá ngoạn mục.
Mặc dù là hậu duệ của người sáng lập ra hãng Toyota, nhưng Akio Toyoda vẫn phải chứng tỏ ông có thực tài mới có thể trụ lại vị trí cao nhất tại hãng. Dưới thời của Toyoda, hãng xe Nhật đã trải qua một cuộc đại tu triệt để. Tăng trưởng thần tốc – một thời là kim chỉ nam của Toyota – giờ được xem là cách đi quá nguy hiểm.
Đạp phanh
Nhìn lại thời điểm năm 2010, Akio Toyoda có vẻ như khó tránh khỏi kết cục bị hất cẳng khỏi vị trí Chủ tịch Toyota, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thu hồi xe ô tô Toyota do lỗi xe tăng tốc đột ngột. Cùng lúc đó, công ty đang ra sức xoay xở với khoản lỗ hàng năm 437 tỷ Yên (3,5 tỷ USD) trong khi doanh số bán đã giảm 28% kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, chỉ còn 19.000 tỷ Yên. Nhưng 5 năm sau, hãng xe này đã chễm chệ ở ngôi vương trong ngành ô tô toàn cầu, tạo ra mức lợi nhuận ròng kỷ lục 18 tỷ USD trong năm tài khóa 2014, với lượng ô tô bán ra trên thế giới trung bình gần 9 triệu chiếc.
Theo Akio Toyoda, cuộc chạy đua điên cuồng nhằm tăng lượng xe bán ra trong một thời gian đã khiến cho Toyota mất đi mối dây liên kết với khách hàng của mình. Và hệ quả là sự ra đời của những mẫu xe nhàm chán. Toyoda đã mạnh dạn chấm dứt việc xây dựng các nhà máy mới trong 3 năm và trong thời gian đó, thúc đẩy tập đoàn nghiên cứu tìm tòi những phương pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bản thân là một người đua xe tốc độ nên Toyoda đã không ngừng thúc đẩy việc phát triển những chiếc xe tốt hơn.
Điều đó có nghĩa rằng, các kỹ sư trưởng của Toyota phải điều chỉnh cách thiết kế ô tô. Để phát triển ra những chiếc xe tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, các kỹ sư phải phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác và can thiệp vào khâu chọn nhà cung cấp phụ tùng ngay từ đầu. Chủ tịch Toyoda, đồng thời là Tổng giám đốc hãng Toyota, đã mạnh dạn cơ cấu lại bộ máy điều hành cấp cao: bổ sung nhân sự từ mạng lưới nhà cung cấp và nhà máy sản xuất để bổ khuyết kiến thức về sản xuất cho các nhân viên…
Toyota giờ đã hồi phục hoàn toàn và có một ngành kinh doanh thực sự sinh lợi, cộng với bảng cân đối kế toán đẹp đẽ
Theo chuyên gia phân tích Kota Yuzawa (Goldman Sachs), tất cả các hãng xe lớn đều đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng thấp hơn và chi phí phình to ra do đầu tư phát triển các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Goldman Sachs ước tính, mọi nhà sản xuất sẽ bị cộng thêm vào chi phí sản xuất 2.500 USD cho mỗi chiếc ô tô để đáp ứng các quy định về hạn chế lượng khí thải carbon.
Dự án sắp xếp lại hệ thống sản xuất chính là câu trả lời của Toyota cho những thách thức này. Ông Yuzawa ước tính Toyota có thể giảm chi phí phụ tùng tới 1.000 USD mỗi chiếc xe.
… Và lại tiến!
Các nhà điều hành Toyota đều cho rằng, hãng đã qua thời đi tìm bản sắc. Năm 2015, ông Toyoda đã chọn ngày 24/2, ngày mà ông phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2010 do vụ bê bối thu hồi ô tô, để đánh dấu ngày bắt đầu sản xuất ra chiếc xe chạy hoàn toàn bằng pin nhiên liệu Mirai. Ông gọi đó là ngày “ăn mừng khởi đầu mới của Toyota”. Hồi tháng 4/2015, công ty này tuyên bố các kế hoạch chi ra hơn 1,4 tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới tại Mexico và Trung Quốc, dỡ bỏ “lệnh giới nghiêm” đối với việc xây dựng nhà máy đã kéo dài suốt ba năm qua.
“Liệu Toyota có thể nhảy thêm một bước nữa về phía trước, phụ thuộc vào sự thành công của kế hoạch TNGA? Ai nấy đều vừa hào hứng vừa hồi hộp vì Prius sẽ là cuộc thử nghiệm cho thấy khả năng thành công của chiến lược mới”, Keita Kubota, nhà quản lý đầu tư tại Aberdeen Investment Management, nhận xét.
Thử thách lớn cho Toyoda còn là việc cải thiện vị thế yếu ớt tại Trung Quốc và Ấn Độ. “Toyota đặc biệt xuất sắc trong việc bán dòng xe chất lượng với giá cao tại Mỹ, nhưng lại không giỏi trong việc sản xuất xe giá rẻ”, Takaki Nakanishi, từng là chuyên gia phân tích của Merrill Lynch, hiện điều hành tổ chức nghiên cứu riêng của mình, nhận xét. Lượng xe compact sedan Etios bán ra tại thị trường Ấn Độ có giá dưới 10.000 USD – đã sụt giảm kể từ khi tung ra vào năm 2010. Tại Trung Quốc, dù lượng xe Toyota bán ra tại đây đã đạt mốc 1 triệu chiếc lần đầu tiên vào năm ngoái, nhưng vẫn còn kém xa mức hơn 3,5 triệu chiếc của các đối thủ VW và General Motors.
Theo Satomi Harada, chuyên gia phân tích cấp cao tại IHS Automotive, Toyota đã phán đoán sai thị trường này nên đã đẩy mạnh các mẫu xe không hợp thị hiếu của người tiêu dùng nội địa. Đó là chưa kể “vận rủi” khi vấp phải làn sóng tẩy chay hàng Nhật vào năm 2012 tại thị trường Trung Quốc. Dẫu sao, theo nhận xét của Howard Smith, Giám đốc điều hành Indus Capital Advisors – một công ty có đầu tư vào Toyota: “Toyota giờ đã hồi phục hoàn toàn và có một ngành kinh doanh thực sự sinh lợi, cộng với bảng cân đối kế toán đẹp đẽ. Giờ là lúc bắt đầu phải đi những nước cờ táo bạo hơn và chi tiêu mạnh tay hơn”.
Thành Lợi
Nguồn Doanh Nhân Online