Chiến lược mới của Vật Giá
Thuộc nhóm doanh nghiệp Việt đầu tiên khai mở thị trường thương mại điện tử, trước cuộc đổ bộ của một loạt những đại gia như Lazada, Zalora, Chotot.vn… Vật Giá đang có những điều chỉnh về chiến lược để tránh cạnh tranh đối đầu.
Trong gần 9 năm phát triển, Công ty cổ phần Vật Giá (VNP) luôn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp công nghệ có sức hấp dẫn lớn với các quỹ đầu tư. Đến nay đã có IDG, Cyber Agent, Mitsui rót vốn vào công ty này. Bên cạnh sản phẩm cốt lõi là trang web vatgia.com, VNP đang phát triển nhiều sản phẩm khác nhằm khai thác tốt hơn nữa cơ hội từ mảnh đất thương mại điện tử màu mỡ.
Xây dựng chuỗi giá trị trong thương mại điện tử
Tháng 5/2015, giới công nghệ xôn xao về việc cucre.vn – một website thương mại điện tử khá tấp nập – đóng cửa. Đây là mô hình bán hàng online kết hợp với offline được VNP xây dựng từ năm 2010. Sau hơn 4 năm, cùng với website cucre.vn, hệ thống này đã xây dựng được chuỗi 10 cửa hàng. Lý giải về thất bại này, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc VNP, cho biết: “Đó là do tình trạng mất cắp xảy ra trong quá trình giao nhận hàng hóa cũng như những bất cập trong vấn đề bảo quản, đổi trả hàng hóa”. Doanh nhân này cũng thừa nhận, sự kết hợp giữa online và offline trong mua sắm hàng hóa không đơn giản như ông hình dung.
Đó là chưa kể, khi hệ thống cửa hàng đã lên đến con số 10, chính cucre.vn lại trở thành đối thủ cạnh tranh của khách hàng VNP trên vatgia.com. Như vậy, trên sân chơi Internet, VNP trở thành người vừa đá bóng, vừa thổi còi. Với những lý do đó, VNP đã quyết định đóng cửa cucre.vn để quay trở về với thế mạnh cốt lõi của mình: online.
Mất hơn 4 năm xây dựng, đầu tư vào đó không ít nguồn lực, nhưng chính thất bại này đã cho Vật Giá nhiều bài học và định hình rõ hơn hướng đi của mình. Với cucre.vn, VNP đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cửa hàng offline được đồng bộ lên online, từ đó cung cấp phần mềm và công cụ hỗ trợ cho các khách hàng của mình.
Thời gian tới, B2B sẽ là mảng kinh doanh chính của Vật Giá, thông qua việc hỗ trợ và cung cấp công cụ giúp doanh nghiệp quản trị được các nguồn lực: hàng hóa, tài chính, khách hàng, nhân viên. Có thể nói, đây là một hướng đi khôn ngoan của Vật Giá để không phải nhảy vào cuộc chiến B2C với Lazada, Zalora… mà chính ông Điệp cũng dự đoán là nếu đối đầu sẽ vô cùng mệt mỏi. Với gần 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, VNP khá tự tin với hướng đi này. Đặc biệt, thông qua những trải nghiệm với vatgia.com hay cucre.vn, VNP có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cuối cùng để hiểu họ cần gì, đây là dữ liệu quan trọng để VNP thực hiện mục tiêu: phục vụ người bán hàng để họ bán hàng tốt nhất cho người mua hàng cuối cùng.
Những năm qua, bằng việc tung ra một loạt các sản phẩm mới, VNP đang tham vọng xây dựng một hệ sinh thái trên Internet với nhiều sản phẩm như: thanh toán trực tuyến với baokim.vn, giao nhận vận chuyển với nhanh.vn, trang book tour và khách sạn trực tuyến: mytour.vn, website đọc sách và tài liệu trực tuyến với 123doc.org; xem phim HD trực tuyến với pub.vn… Không khó để nhận thấy, hầu như các mảng quan trọng tạo nên chuỗi giá trị trên Internet, bao gồm quản trị hàng hóa, thanh toán, vận chuyển… đều đã được VNP hoàn thiện.
Giai đoạn này, VNP đang đầu tư mạnh cho hệ thống kho vận và vận chuyển để giúp doanh nghiệp quản trị hàng hóa, đóng gói, vận chuyển đến tận tay khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Như vậy, từ chính trải nghiệm của thất bại với cucre.vn, doanh nghiệp này đang nỗ lực để giải quyết khâu phức tạp nhất trong kinh doanh bán hàng trực tuyến.
Ông Điệp nhận định, thị trường mà VNP hướng đến đang có rất nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu như đang không có công cụ nào để quản trị nguồn lực. Ngay cả khi mua được một phần mềm offline, họ cũng không đồng bộ được lên online, dẫn đến khó khăn trong quá trình tương tác, ra quyết định và giảm hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, đa phần các doanh nghiệp Việt đều rất trẻ và có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh, online trở thành kênh bán hàng mà họ không thể bỏ qua. Họ cần công cụ, còn VNP có kinh nghiệm và giải pháp.
Thị trường Internet tỷ đô
Hồi tháng 8 năm ngoái, khảo sát của World Startup Report về các công ty Internet trên thế giới định giá VNP khoảng 75 triệu USD. Với ông Nguyễn Ngọc Điệp, con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Doanh nhân này đưa ra một phép so sánh: GDP của Trung Quốc đang gấp Việt Nam khoảng 50 lần, Alibaba của Trung Quốc đang được định giá khoảng 220 tỷ USD nếu Việt Nam cố gắng, chúng ta hoàn toàn có thể có được những công ty Internet bằng 1/50 của Alibaba, tức là sẽ có giá trị khoảng 4 – 5 tỷ USD.
Ngoài việc chọn chiến lược B2B, VNP sẽ triệt để áp dụng phương châm: chi phí rẻ hơn và sản phẩm công nghệ tốt hơn để cạnh tranh
Thị trường màu mỡ này của Việt Nam cũng sẽ là nơi thu hút nhiều tên tuổi lớn trên thế giới. Ngoài việc chọn chiến lược B2B để tránh cạnh tranh đối đầu, hai khẩu hiệu mà VNP áp dụng để cạnh tranh là: low cost – chi phí rẻ hơn và high tech – sản phẩm công nghệ tốt hơn. Để có được chi phí thấp, VNP sẵn sàng đầu tư thời gian khoảng vài năm đào tạo các bạn trẻ mới ra trường – những người sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập chỉ từ 2 – 3 triệu đồng trở lên, rồi từ đó dần dần xây dựng đội ngũ đông đảo, tinh nhuệ. Quan điểm của ông Điệp là chi phí thấp giúp duy trì được cuộc chơi dài và sẽ không chết. VNP cũng tự tin về khía cạnh công nghệ với đội ngũ hơn 100 kỹ sư tác chiến nhanh, thuần thục và đoàn kết. Ông Điệp tin rằng, với lực lượng này và gần 900 nhân viên đang hoạt động trong cả hệ thống, VNP có thể tạo ra các sản phẩm không kém cạnh các sản phẩm trong khu vực Đông Nam Á.
Để gắn kết và tạo động lực sáng tạo cho đội ngũ này, thủ lĩnh của VNP hiện đang là người giữ vai trò tiếp lửa. Trên website của VNP có đăng dòng chia sẻ đầy tâm huyết của Nguyễn Ngọc Điệp: “Tôi đã tìm ra ước mơ của mình năm tôi 28 tuổi. Đó là xây dựng một công ty số 1 giúp cuộc sống tốt hơn qua Internet và tôi quyết định dành toàn bộ những nguồn lực như thời gian, sức khỏe, tất cả các mối quan hệ của mình để thực hiện giấc mơ. Cuộc sống của tôi đã bắt đầu thay đổi từ giây phút đó”. Thông qua nhiều cách, ông Điệp cũng đang chia sẻ giấc mơ này cho cộng sự và khơi dậy khát vọng cùng xây dựng một công ty tuyệt vời, đi vào lịch sử như nhiều công ty công nghệ khác ở Silicon Valley. Khoảng ba năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Vật Giá là 40 – 45%/năm. Năm nay, VNP đặt mục tiêu tăng trưởng 100%.
Để thực hiện được giấc mơ của mình, VNP dự định hai năm nữa sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), quốc gia đang rất quan tâm đến những công ty công nghệ tiềm năng như VNP. Nếu thành công, VNP sẽ huy động được thêm khoảng 40 – 50 triệu USD. Thực tế cho thấy, thị trường thương mại điện tử biến động rất nhanh, một ý tưởng tốt, một website thương mại điện tử thu hút khách chưa chắc đã tồn tại lâu dài nếu không thích nghi tốt với sự thay đổi của thị trường. Tham vọng và hướng đi mới của VNP liệu có tạo nên cú hích tỷ đô cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam? Đó là điều mà nhiều người vẫn đang chờ đợi.