Khi Vinatex bỏ qua siêu thị

Khi toàn bộ hệ thống siêu thị Vinatexmart trên cả nước đã được bán cho Công ty cổ phần siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup nhiều người tự hỏi Vinatex đang toan tính gì?

Lý do quan trọng nhất để Vinatex “đoạn tuyệt” với hệ thống siêu thị là do công ty không muốn kinh doanh hàng tổng hợp xen lẫn hàng may mặc. Điều đáng nói là ngay từ giai đoạn bắt đầu phát triển, chuỗi phân phối hàng hóa của Vinatex đã đi chệch với chiến lược định vị thương hiệu. Vì vậy, để hoàn thiện mình trong hệ thống dệt – may toàn cầu, giờ đây Vinatex xác định tập trung cho năng lực lõi.

Siêu thị… trật ray

Lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định, bán siêu thị không phải là việc chẳng đặng đừng mà chính là điều tập đoàn này đang mong muốn để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi. Việc ôm đồm quá nhiều hàng hóa trong hệ thống siêu thị của Vinatex khiến doanh nghiệp này bị mất cân đối doanh thu giữa hàng hóa tổng hợp và hàng may mặc chủ lực của tập đoàn. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vinatex, sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, hệ thống siêu thị Vinatexmart tăng trưởng tốt về chiều rộng, nhưng quy hoạch địa điểm chưa tốt. Cụ thể, sản phẩm dệt may của các đơn vị trong tập đoàn được định vị là loại khá trở lên, do vậy địa điểm phân phối phải tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Khi Vinatex bỏ qua siêu thị

Tuy nhiên, trên thực tế thì địa điểm bán hàng của Vinatex lại đặt khá nhiều ở vùng nông thôn, nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp và có nhu cầu tiêu dùng hàng giá rẻ, chất lượng không cao. Nếu cứ duy trì những khu vực như thế thì việc lấy thị trường thành phố bù thị trường nông thôn cũng không phải là cách phù hợp để tồn tại. Nếu như bài toán phát triển địa điểm và định vị phân khúc sản phẩm không tương thích thì việc hàng may mặc trong siêu thị mất cân đối về doanh thu so với các mặt hàng tiêu dùng khác khiến cả hệ thống mất thăng bằng. Theo số liệu tổng hợp từ Vinatex, tại hệ thống Vinatexmart, tỷ lệ doanh thu của hàng hóa tổng hợp chiếm tới 2/3, doanh thu từ hàng hóa dệt may chỉ chiếm 1/3 còn lại. Cụ thể, trong 22.000 tỷ đồng doanh thu của Vinatex trong năm 2014, hệ thống Vinatexmart chỉ có 2.300 tỷ đồng, chiếm 10%. Tuy nhiên, trong phần doanh thu của đơn vị bán lẻ này thì doanh thu của mặt hàng quần áo chỉ đạt 500 – 600 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, chia sẻ: “Điều này không phù hợp với chiến lược phát triển của Vinatex. Chúng tôi muốn phát triển một hệ thống phân phối hàng dệt may nội địa chứ không mong muốn một hệ thống siêu thị mà 70% là hàng tổng hợp.

Tập trung cho cốt lõi

Phủ nhận thông tin cho rằng, hiệu quả kinh doanh của Vinatexmart đã ảnh hưởng đến phần doanh thu nội địa, lãnh đạo tập đoàn cho hay, doanh thu của tập đoàn đến từ ba nguồn chính gồm: Vinatexmart; hệ thống cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp thành viên; bán sợi, vải giữa các đơn vị. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua doanh thu từ siêu thị cũng như hiệu năng bán hàng may mặc không đáng kể nên ở thời điểm này chưa nên tập trung phát triển siêu thị đi. Từ khi có quyết định “buông” mảng siêu thị, doanh thu và tăng trưởng nội địa của tập đoàn chưa thực sự có nhiều biến động. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của Vinatext đạt 24.241 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, lợi nhuận tăng 6%.

Đến thời điểm này, Vinatext đã hoàn tất xong hơn 90% lượng vốn cần thoái và có lãi trên 100 tỷ đồng

Ông Trường cho biết, sau khi nhượng lại Vinatexmart cho đối tác, mạng lưới phân phối các sản phẩm may mặc mang thương hiệu của các công ty thành viên đang là trọng tâm và thực tế, mô hình này đem lại hiệu quả kép cho tập đoàn. Không chỉ doanh thu mà quan trọng hơn, thương hiệu cũng được định vị chặt chẽ hơn với thị trường. Ngoài ra, Vinatex cũng đã thoái vốn ở hầu hết các lĩnh vực ngoài ngành họ đang tham gia (đến thời điểm này, Vinatex đã thoái xong hơn 90% lượng vốn cần thoái và có lãi trên 100 tỷ đồng).

Thay vào đó, tập đoàn sẽ huy động đa dạng nguồn lực (vốn, kinh nghiệm, thị trường, công nghệ) để hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi – dệt – nhuộm – may, nhằm đón đầu cơ hội từ việc một loạt hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của Việt Nam, dự kiến được ký kết trong tương lai gần.

Khi Vinatex bỏ qua siêu thị

Ngay đầu tháng 4/2015, Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế (VTJ) thuộc Vinatex và Công ty Toms (Nhật Bản) đã ký hợp đồng liên doanh thực hiện dự án cụm liên hợp dệt – nhuộm – may dệt kim tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất ngay trong năm 2015. Khi đưa vào khai thác, kết hợp với sản xuất các mặt hàng khác, doanh thu của cụm liên hợp dệt – nhuộm – may dệt kim sẽ tăng từ 8 triệu USD trong năm 2015 lên 40 triệu USD vào năm 2017.

Trước đó không lâu, Vinatex và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã ký biên bản thỏa thuận khung về hợp tác kinh doanh để thực hiện đầu tư một chuỗi dự án mới về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, các dự án này kỳ vọng mang lại tổng doanh thu tới 60 triệu USD, tạo thêm hàng ngàn việc làm tại những nơi đặt dự án, như Nghệ An, Quảng Bình…

Việc hợp tác với các đối tác đến từ Nhật Bản đang là mắt xích quan trọng để Vinatex hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất của mình.

Mai Thảo
Nguồn Doanh Nhân Online