Nhìn nhận vấn đề lỗ hổng chính sách từ Sabeco
Ai đúng, ai sai trong câu chuyện Kiểm toán Nhà nước truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt từ Sabeco?
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán 2014 ngày 10/7, Kiểm toán nhà nước đã công bố truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế Tiêu thụ đặc biệt của công ty Sabeco. Tuy nhiên, vấn đề này gây khá nhiều tranh cãi xung quanh việc xác định giá tính thuế để tính thuế TTĐB mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước.
Theo thông tư 05/2012, Bộ Tài chính quy định: nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại, thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra. Như vậy giá tính thuế sẽ căn cứ một phần vào giá của cơ sở thương mại.
Theo ý kiến của ban Kiểm toán nhà nước thì Sabeco sẽ phải nộp thuế TTĐB với mức thuế suất 50% tại thời điểm năm 2013 với giá tính thuế cao hơn mức mà công ty tính để nộp thuế TTĐB. Tuy nhiên Công ty Sabeco khẳng định rằng công ty đã thực hiện theo đúng quy định khi ghi nhận giá tính thuế là giá của công ty bán ra hay công ty mẹ Sabeco bán cho công ty thương mại - công ty con để tính thuế TTĐB theo hướng dẫn của Bộ tài chính.
Còn theo cơ quan Kiểm toán nhà nước thì giá tính thuế phải là giá do công ty thương mại vùng bán ra cho người tiêu dùng hoặc các đại lý.
Kiểm toán Nhà nước nhận định trong mô hình kinh doanh của Sabeco, đã có sự chuyển giá: Các khâu luân chuyển giữa công ty mẹ - công ty con và giữa công ty con - công ty thương mại vùng thì sử dụng mức giá thấp, nhưng công ty vùng lại bán ra với mức giá cao hơn nhiều. Vậy để đến tay người tiêu dùng, hàng hóa đã được chuyển giao qua rất nhiều khâu trung gian với các mức giá khác nhau.
Theo quan điểm của Kiểm toán Nhà nước, đã có sự chênh lệch 408 tỷ đồng giữa thuế TTĐB mà người tiêu dùng phải nộp với số thuế mà Sabeco đã nộp cho Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp này phải nộp thêm 408 tỷ đồng cho Nhà nước.
Vấn đề ở đây là không có sự rõ ràng trong văn bản hướng dẫn về cách tính thuế TTĐB, cũng như quy định về trường hợp nếu nhà sản xuất với các công ty thương mại là công ty mẹ con hay có liên quan với nhau. Từ đó, xảy ra hiện tượng thuế doanh nghiệp kê khai không khớp với thuế do cơ quan Nhà nước thông báo. Việc làm rõ các nội dung trong luật, thông tư là thực sự cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp không vi phạm cũng như có cơ hội lách luật, nộp thuế ít hơn cho nhà nước.
Đinh Hạnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư