Liệu Facebook có giải nổi “bài toán” châu Phi?
Với dân số hơn 1 tỉ người và chỉ mới có 120 triệu người biết đến Facebook, rõ ràng là Facebook vẫn còn tiềm năng phát triển ở Châu Phi.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới vừa mới mở văn phòng kinh doanh đầu tiên của mình ở châu Phi trong tuần qua tại vùng ngoại ô giàu có của Johannesburg, Nam Phi, một quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất lục địa này. Tuy nhiên, giờ đây Facebook phải đối mặt với thách thức lớn nhất của mình: tới được phần đông người dân châu Phi hiện đang sinh sống ở những vùng nông thôn nghèo đói, thậm chí là không tiếp cận được những chương trình và cơ sở hạ tầng của chính phủ, nói chi đến Internet.
Với dân số hơn 1 tỉ người và chỉ mới có 120 triệu người biết đến Facebook, rõ ràng là Facebook vẫn còn tiềm năng phát triển ở đây. Nhưng có một điều không giống ở những thị trường khác, hơn một nửa dân số châu Phi hiện chưa có Internet. Và mặc dù chuyện sở hữu điện thoại di động ở khu vực này đang bùng nổ nhưng việc sử dụng Internet ở đây vẫn còn hạn chế vì chi phí cao và thiếu hụt smartphone.
Theo các chuyên gia mạng xã hội và công nghệ, Facebook, với hơn 1,19 tỉ người sử dụng trên toàn cầu, sẽ phải hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để mở rộng dịch vụ của họ vào những khu vực nông thôn trong vùng hạ Sahara nhằm nhắm tới số đông.
“Tôi không biết liệu Facebook có sẵn lòng làm tất cả những điều này không. Nhưng thị trường này vẫn còn đó và vẫn đang tăng trưởng.” Ernest Nti Acheampong, một nhà nghiên cứu ở Nairobi, Kenya, băn khoăn.
Theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew, ngày nay, điện thoại di động là rất phổ biến ở châu Phi, với lượng người sở hữu tăng vọt ở các quốc gia như Nam Phi, Ghana, Kenya, Tanzania và Uganda. Theo Hiệp hội viễn thông quốc tế, khoảng 88% dân số ở lục địa này là được phủ sóng di động.
“Điện thoại di động không phải là một xu hướng. Đó là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành viễn thông mà chúng tôi từng được chứng kiến. Châu Phi rất quan trọng đối với Facebook,” Nicola Mendelsohn, phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Âu của Facebook, phát biểu.
Smartphone ít phổ biến hơn ở châu Phi vì đắt tiền hơn và tiêu tốn dữ liệu nhiều hơn, khiến một người có thu nhập trung bình ở châu Phi không thể kham nổi chi phí. Đó thật sự là vấn đề với Facebook. Hơn 80% người dùng mạng xã hội này ở châu Phi là thông qua điện thoại của họ. Do vậy, giải pháp khả thi sẽ là công ty này có thể giúp biến thiết bị này vừa túi tiền hơn cho số đông bằng cách hợp tác với những nhà điều hành mạng di động ở đây như Vodacom Group Limited và MTN Group Limited. Hai tập đoàn này cũng đang giúp làm hạ giá điện thoại bằng cách bán những chiếc smartphone của riêng họ với giá dưới 50 USD.
Smartphone ít phổ biến hơn ở châu Phi vì đắt tiền hơn và tiêu tốn dữ liệu nhiều hơn, khiến một người có thu nhập trung bình ở châu Phi không thể kham nổi chi phí. Đó thật sự là vấn đề với Facebook.
“Chúng ta đang thấy một sự chuyển đổi từ điện thoại di động sang smartphone ở châu Phi. Sẽ mất một thời gian nhưng cuối cùng cũng xong thôi. Facebook nên tìm một thị trường cho riêng họ, tạo dựng nó và phát triển nó,” Acheampong nói.
Dữ liệu trên smartphone ở châu Phi cũng rất đắt. Một người dùng smartphone có thể mất hơn 1 GB chỉ để lướt web, gửi email hay dùng những ứng dụng như Facebook hay Twitter. Vào năm 2013, CEO Mark Zuckerberg đã tung ra Internet.org, cho phép người dùng ở những nước kém phát triển hơn có thể tiếp cận được Internet. Nhưng Internet.org hiện chỉ mới hiện diện ở 6 trong số 54 quốc gia châu Phi. Các chuyên gia cho rằng Facebook cần phải phát triển và mở rộng hơn nữa vào khắp mọi nơi trên lục địa này, bắt đầu từ quốc gia đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất: Nigeria.
Dẫu vậy, chuyện này xem ra cũng không hề dễ dàng cho Facebook vì dù được xem là một trong những nước giàu có nhất của châu Phi nhưng hơn phân nửa dân số ở Nigeria vẫn sống trong nghèo đói và chính phủ nước này từ lâu cũng không ngó ngàng gì đến cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Xây dựng những văn phòng ở các khu vực này sẽ cần phải có thời gian và tiền bạc nhưng đó là điều mà Facebook phải đầu tư nếu công ty này hi vọng tiếp cận với lượng người dùng đông hơn trong tương lai.
“Cuộc sống đang ngày càng được cải thiện, nhưng phần lớn người dân châu Phi vẫn còn ở “dưới đáy”. Bạn phải mang nhân viên của mình đến với họ, ngay tại những vùng nông thôn. Các hệ thống không hề có sẵn ở đó, nhưng bạn phải làm tất cả từ con số không để thật sự chiếm được cảm tình của thị trường này,” Acheampong khuyên.
Lê Thanh Hải / Ibtimes
Nguồn Trí thức trẻ