Kantar Worldpanel ước tính thị trường FMCG online toàn cầu sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào năm 2025

Báo cáo do Kantar Worldpanel công bố đã cho thấy được tiềm năng thật sự của thị trường FMCG trực tuyến trên toàn thế giới. Báo cáo “Tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG trực tuyến năm 2015” ước tính thị trường FMCG online sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào cuối năm 2025.

Thị phần trực tuyến của FMCG tại các thị trường thương mại điện tử tiên tiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới, trong đó Hàn Quốc đạt 30%, Trung Quốc 15%, và ít nhất 10% ở Anh và Pháp theo Kantar Worldpanel dự đoán.

Tổng doanh thu của thị trường FMCG online trên toàn cầu tăng 28% trong năm 2014

Với mức tăng trường 28% trên toàn cầu chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh số đến từ bán hàng trực tuyến đang ngày một gia tăng, cụ thể là tại các thị trường thương mại điện tử tiên tiến nhất trên thế giới.

Châu Á là thị trường có nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn hẳn, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (+34%) tại Trung Quốc, theo sau là Hàn Quốc (+22%). Ở khu vực Châu Âu, mua sắm trực tuyến tăng 20% tại Anh và 12 % tại Pháp. Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu năm nay với sự đóng góp 13,2% từ các kênh trực tuyến trong tổng doanh thu FMCG (so với năm ngoái là 10.2%).

Kantar Worldpanel ước tính thị trường FMCG online  toàn  cầu  sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào năm 2025

Thị phần trực tuyến trong tổng doanh thu FMCG

Kantar Worldpanel ước tính thị trường FMCG online  toàn  cầu  sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào năm 2025

Thị phần trực tuyến ước tính đến năm 2025

Cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ

Dựa trên các phân tích chuyên sâu về thói quen mua sắm của 100.000 hộ gia đình ở 10 khu vực có thị phần FMCG online lớn nhất, Báo cáo chỉ ra rằng các doanh nghiệp cũng như các nhà bán lẻ cần ưu tiên hơn cho các chiến lược về thương mại điện tử để tận dụng những cơ hội mà kênh mua sắm này thật sự đem lại:

Nhiều hứa hẹn: Đến nay chỉ có 1 trong số 4 hộ gia đình trên toàn cầu có mua hàng trực tuyến, và vẫn còn đó rất nhiều cơ hội phát triển. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình từ việc đưa tiềm năng của thị trường này trở thành hiện thực: có đến 58.9% số hộ gia đình Hàn Quốc có mua hàng FMCG trực tuyến ít nhất một lần một năm. Tại Anh, Pháp và Tây Ban Nha, cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ mua hàng trực tuyến, tuy nhiên trong đó Anh lại đặc biệt tạo ra được tần suất mua sắm cao hơn hẳn.

Kantar Worldpanel ước tính thị trường FMCG online  toàn  cầu  sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào năm 2025

Thị trường FMCG trực tuyến tại một số nước

Chân dung người mua sáng giá: Chân dung điển hình của những người mua sắm trực tuyến là các gia đình có con trẻ, ở khu vực thành thị hoặc ngoại ô, thuộc tầng lớp trung và thượng lưu. Ở Việt Nam (*), người tiêu dùng chi khoảng 418.000 đồng cho mỗi lần mua hàng online, cao hơn gấp 5 lần so với 88.000 đồng cho mỗi lần mua ở các điểm mua sắm khác.

Kantar Worldpanel ước tính thị trường FMCG online  toàn  cầu  sẽ chạm mốc 130 tỷ đô vào năm 2025

Giá trị tiêu dùng trong một lần mua tại các nước

Sự trung thành: Trong giỏ hàng FMCG của những người có mua sắm trực tuyến, thị phần của kênh mua sắm này đã và đang tăng dần qua các năm. Tại Việt Nam (*) cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng chi nhiều hơn cho mua sắm online trong tổng chi tiêu của mình.

Ông Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và Các kênh bán lẻ của Kantar Worldpanel, giải thích thêm:

“Qua Báo cáo ‘Tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG trực tuyến’ năm ngoái, chúng tôi đã nhìn thấy được những sự thay đổi lớn trong cấu trúc của các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Mondelez, Walmart, Pepsico, Coca-Cola, Procter & Gamble và Unilever lần lượt đều đã và đang thực hiện những kế hoạch minh chứng cho việc kinh doanh trực tuyến của họ trong tương lai. Dường như những “ông lớn” này đều nhanh chóng biến lời nói thành hành động.”

Ông Roger cũng nhấn mạnh rằng việc tham gia vào cuộc đua thương mại điện tử là một vấn đề cấp thiết: “Dễ dàng thấy: Thị trường sẽ không mấy “dễ chịu” đối với những người đến sau. Phần thắng cuộc luôn thuộc về những người tiên phong. Chúng tôi đơn cử nhà bán lẻ thành công nhất nước Anh – Tesco và siêu thị khổng lồ E. Leclerc của Pháp, cả hai đều có thị phần online gấp đôi so với phần offline của mình. Về phần các doanh nghiệp, điều cần thiết là phải có tên trong danh sách mua hàng của người tiêu dùng. Theo số liệu của chúng tôi cho thấy có 55% người mua sắm trực tuyến mua lại những mặt hàng đã mua trước đó cho những lần tiếp theo, việc nằm trong danh sách đầu tiên họ lựa chọn sẽ là một lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp.”

Về thị trường Việt Nam(*), chỉ tính riêng trong năm 2014, thị phần kênh trực tuyến đã tăng từ 0.4% năm 2013 lên 1.5% trong tổng thị phần của các kênh bán lẻ hiện đại, với tốc độ phát triển này thị trường online sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng tiện lợi đang thịnh hành của người Việt và tỷ lệ truy cập internet cao, mua sắm online ắt hẳn là xu thế tất yếu. Và việc cần thiết mà các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ nên làm là chủ động kết nối với người tiêu dùng qua việc đầu tư nhiều hơn vào thương mại điện tử. Trong những năm trở lại đây, chúng ta đã thấy rất nhiều dẫn chứng về điều này đến từ những doanh nghiệp quốc tế lẫn trong nước như Unilever, Procter & Gamble, Masan v.v…; đều cho thấy các kênh trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn từ một hướng khác.

Ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam, nhận định:

“Tại Việt Nam(*), sự phát triển của kênh mua sắm này sẽ diễn ra với nhịp độ khác nhau ở mỗi ngành hàng, bắt đầu nhiều hơn từ các sản phẩm cao cấp và chăm sóc cá nhân, trong đó ngành hàng Chăm sóc cá nhân đặc biệt chiếm ưu thế với gần 50% trong tổng thị phần online, tiếp theo đó là mặt hàng sữa bột, và có lẽ sau đó chúng ta còn được chứng kiến sự nở rộ từ những ngành hàng khác. Với dân số trẻ và sức mua sắm được cải thiện bởi sự gia tăng của tầng lớp trung và thượng lưu, Việt Nam hứa hẹn là vùng đất màu mỡ vẫn còn chưa được khai quật hết; nơi mà các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ cần tập trung để phát triển thêm thị trường online.”

Nguồn Kantar Worldpanel