Vành đai của Vinmart

Kinh doanh chuỗi không phải mặt bằng nào cũng có lãi, thậm chí DN chấp nhận lỗ để lấy vị trí đó, để không có đối thủ, không sợ bị đối thủ bành trướng ra.

Với Vinmart, dần dần hệ thống này sẽ thiết lập một vành đai bao quanh Hà Nội, đồng thời trở thành hàng rào ngăn khách hàng tới Big C.

Đầu tháng 10/2014, Vingroup bất ngờ thông báo mua lại chuỗi siêu thị Oceanmart của Ocean Group. Rất nhanh sau đó, Oceanmart được đổi tên thành Vinmart.

Sau khi hoàn thành rất nhanh thương vụ với Ocean Group, Vinmart liên tục mở ra với tốc độ chóng mặt. Tính đến 30/6/2015, hệ thống này đã có 16 siêu thị Vinmart (bao gồm: 2 ở TPHCM, 1 Đà Nẵng, 9 Hà Nội, 4 các tỉnh phía Bắc) và 35 cửa hàng tiện lợi Vinmart + (bao gồm: 16 ở TPHCM, 4 Đà Nẵng, 15 Hà Nội).

Quyết định nhanh không có nghĩa Vinmart thiếu đi sự tính toán. Nhìn vào sự phân bổ của hệ thống Vinmart, có thể thấy rõ chiến lược của chuỗi siêu thị này. 13 trên tổng số 16 siêu thị Vinmart được đặt tại các tỉnh phía Bắc, riêng Hà Nội có đến 9 siêu thị. Trong khi đó tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 2 siêu thị Vinmart, còn lại là 10 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Vành đai của Vinmart

"Nó cho thấy Vinmart muốn thiết lập vị trí thống lĩnh bán lẻ siêu thị tại Hà Nội và phía Bắc. Còn với thành phố Hồ Chí Minh, nơi vốn đã diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt, mô hình cửa hàng tiện lợi nhỏ gọn, diện tích dưới 1.000m2, đi sâu vào các khu dân cư sẽ có nhiều thuận lợi hơn", đại diện một chuỗi siêu thị bán lẻ tại Hà Nội cho biết.

Vành đai của Vinmart

Nói về thị trường Hà Nội, hiện tại không có nhiều tên tuổi siêu thị lớn.

Các chuỗi lâu đời nhưng chậm chạp chuyển đổi như Intimex, Hapro từ lâu đã không còn thu hút được người dân đến mua sắm. Về cơ bản thị trường siêu thị tại Hà Nội có 2 cái tên đáng chú ý là Big C, Co-op Mart và Aeon-Fivimart.

Trong đó, Big C với thâm niên lâu năm và sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Big C Thăng Long, đang là đại diện mạnh nhất tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Big C theo mô hình đại siêu thị có diện tích bán hàng trên 4.000m2. Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, phó Tổng giám đốc của Intimex, về lý thuyết đây là mô hình siêu thị mang về doanh thu và lợi nhuận tốt nhất. Vấn đề đặt ra đó là tại Hà Nội, rất khó tìm được mặt bằng lớn như vậy để làm siêu thị.

Mặt khác, người Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua sắm đồ cho cả tuần, mà thay vào đó đi chợ vài lần trong tuần để mua đồ tươi sống. Vì thế, mô hình có diện tích trung bình 1.000m2, gần khu dân cư, chỉ cần đi xe máy thôi vẫn có ưu thế hơn.

Vành đai của Vinmart

Big C Thăng Long được coi là một thành công "không thể lặp lại" tại Việt Nam

Trong khi đó, với chiến lược tận dụng các mặt bằng có sẵn từ các dự án bất động sản của Vingroup, Vinmart đã nắm trong tay rất nhiều vị trí đẹp, ở sâu trong trung tâm. Diện tích các mặt bằng này trên 1.000m2, đủ để cung cấp các mặt hàng thiết yếu, gần gũi các khu dân cư và tận dụng được bãi đỗ xe, khu vui chơi, mua sắm trong quần thể.

Có thể thấy, cả 3 trung tâm vui chơi giải trí lớn nhất của người dân Hà Nội hiện nay đều thuộc về tập đoàn Vingroup: Đó là Royal City, Times City và Vincom Bà Triệu. Cả 3 trung tâm này đều có sự hiện diện của siêu thị Vinmart & Vinmart+. Đây là lợi thế mà không chuỗi siêu thị nào tại Hà Nội có được.

"Về mặt sổ sách, Vinmart vẫn phải thuê lại mặt bằng của Vingroup nhưng họ sẽ nhận được giá thuê tốt hơn, và không có đối thủ nào có thể nhảy vào cạnh tranh", ông Lộc nhận định.

Việc lựa chọn các địa điểm đặt mới của Vinmart cũng cho thấy sự tính toán của chuỗi siêu thị này. Đầu năm 2015, chuỗi siêu thị này đã mở rộng ra các khu vực xa hơn như khu Hà Đông, Long Biên.

"​Kinh doanh chuỗi không phải mặt bằng nào cũng có lãi, thậm chí DN chấp nhận lỗ để lấy vị trí đó, để không có đối thủ, không sợ bị đối thủ bành trướng ra. Với Vinmart, dần dần hệ thống này sẽ thiết lập một vành đai bao quanh Hà Nội, đồng thời trở thành hàng rào ngăn khách hàng tới Big C", một chuyên gia trong ngành bán lẻ phân tích.

Vành đai của Vinmart

Các trung tâm vui chơi giải trí lớn nhất Hà Nội đều có mặt Vinmart

Chống lại 'con bài tẩy'

Tất nhiên, để lấn sân Big C, Vinmart không chỉ cần tới vị trí. 'Con bài tẩy' giúp Big C thành công tại Việt Nam đó là giá bán rẻ hơn hẳn so với đối thủ.

Với quy mô lớn, lượng nhập hàng của Big C cũng cao hơn hẳn các nhà bán lẻ khác, qua đó được mức chiết khấu cao hơn so với đối thủ.

Hàng nhập lô càng lớn, phía nhà cung cấp sẽ càng có nhiều ưu đãi lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, 1 chai dầu Simply 5 lít ngoài thị trường bán với giá khoảng 200.000 đồng/chai, nếu DN 'ôm' cả dây thì giá sẽ chỉ ở mức 180.000. DN bán ra ở mức 185.000 đồng là hòa vốn.

"Mức chênh lệch 15.000 đồng cho một chai dầu ăn là đủ hấp dẫn để thu hút các bà nội trợ", ông Lộc phân tích.

Như vậy, một yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm đó là số lượng nhập hàng phải đủ lớn, hay nói cách khác, Vinmart cần phải tăng thêm số lượng siêu thị. Vinmart đã mở rất nhanh trong gần 1 năm qua và theo ông Lộc, mức giá hiện tại của Vinmart cũng đã khá cạnh tranh so với Big C.

"Nếu giữ tốc độ mở rộng nhanh như hiện nay, vẫn giữ được giá cả thì giữa năm sau Vinmart sẽ có thể vượt được các siêu thị Big C khác, ngoại trừ Big C thăng Long", ông Lộc nhận định.

Vành đai của Vinmart

Vị trí Big C - Vinmart tại Hà Nội

Chất lượng dịch vụ cũng sẽ là một điều đáng bàn. Mới gia nhập ngành bán lẻ sau thương vụ M&A chóng vánh với Oceanmart, khó có thể kỳ vọng khả năng phục vụ khách hàng của Vinmart cũng tốt như những chuỗi siêu thị lâu năm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành, với đặc thù của người tiêu dùng Hà Nội, đây không phải là một vấn đề quá đáng ngại.

"Có thể vào một siêu thị khách hàng chưa hài lòng lắm, nhưng vẫn quay lại vì giá cả ở đấy rẻ hơn.

Vì vậy, vấn đề quan trọng của Vinmart bây giờ vẫn là tiếp tục mở rộng số lượng siêu thị. Hiện tại, Vinmart mới tập trung chủ yếu tại Hà Nội. Để hệ thống đủ mạnh, quyền lực như Big C, đòi hỏi số lượng cửa hàng lớn hơn nữa", vị này chia sẻ.

Trang Lam
Nguồn Trí thức trẻ